Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (28/2): NT2, SAB và PVT
SAB mới đây đã thông qua đề xuất nâng sở hữu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (có 6 nhà máy bia) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Bao bì Sài Gòn (có 2 nhà máy bao bì) để biến 2 công ty này trở thành công ty con. Ban lãnh đạo SAB cho rằng việc tăng sở hữu tại các công ty này sẽ mang lợi ích kinh tế vào năm 2024.
NT2: KBSV khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 31.200 đồng/cổ phiếu
Doanh thu thuần 2022 của Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) đạt 8.786 tỷ đồng (tăng 42,9%) và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 729 tỷ đồng, tương đương 156% kế hoạch năm. Luỹ kế năm 2022, sản lượng điện thương phẩm đạt 4.065 triệu kWh (tăng 27,2%).
Sản lượng Qc cả năm đạt 3473,23 triệu kWh, chiếm khoảng 85% sản lượng điện thương phẩm của NT2. Kết quả tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu điện phục hồi tại khu vực miền Nam. Trong năm 2023, dự báo tinh hình thời tiết sẽ không còn thuận lợi cho thuỷ điện sẽ mở ra dư địa huy động cho nhiệt điện, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện khí có phát thải thấp hơn so với điện than.
Với lợi thế vị trí, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng NT2 sẽ được ưu tiên huy động trong thời gian tới. Dù NT2 có kế hoạch đại tu tại mức 100.000 giờ và phải tạm ngưng nhà máy trong khoảng hơn 40 ngày nhưng với nhu cầu cao, sản lượng năm 2023 của NT2 vẫn sẽ đạt 3,859 triệu kWh (giảm 5,1%).
Với dòng tiền hoạt động kinh doanh dồi dào và việc hoàn thành nghĩa vụ nợ dài hạn trong năm 2021, NT2 đang sở hữu một vị thế kết quả kinh doanh không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi biến động từ chênh lệch tỷ giá cũng như lãi suất như các doanh nghiệp điện khác.
KBSV kỳ vọng NT2 tiếp tục duy trì chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao cho năm 2023. Công ty mẹ của NT2 là PV Power đang thực hiện cụm dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 với tổng mức đầu tư trên 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2024 là một điểm tựa vững chắc cho việc NT2 sẽ gia tăng tỷ lệ trả cổ tức của mình.
KBSV ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của NT2 sẽ lần lượt đạt 7.998 tỷ đồng (giảm 9%) và 731 tỷ đồng (tăng 0,2%). Sản lượng điện thương phẩm cả năm 2023 sẽ đạt 3.859 triệu kWh (giảm 5,1%). Kế hoạch sản lượng hợp đồng Qc gần như đi ngang so với năm 2022.
Dù dự báo nhu cầu cao nhưng KBSV dự phóng sản lượng suy giảm nhẹ so với năm 2022 vì NT2 sẽ tiến hành đại tu nhà máy định kỳ sau 100.000 giờ EOH (giờ vận hành tương đương) các tổ máy, hệ thống, thiết bị phụ trợ. Giá khí đầu vào trung bình đạt 9,25 USD/MMBTU (giảm 1%) do giả định giá dầu Brent giảm nhẹ về mức 85 USD/thùng.
Giá bán điện trên thị trường điện cạnh tranh (CGM) đạt trung bình 1.539 đồng/kWh nhờ vào nhu cầu huy động cao hơn từ các nguồn điện có chi phí đầu vào cao như điện khí và điện than.
Dựa trên định giá FCFF và EV/EBITDA, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu NT2. Giá mục tiêu là 31.200 đồng/cổ phiếu.
SAB: Agriseco khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 200.000 đồng/cổ phiếu
Trong quý IV/2022, doanh thu thuần của Tổng công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) đạt 10.029 tỷ đồng (tăng 11,4% so với cùng kỳ) nhờ sản lượng và giá bán tăng. Song mức tăng trưởng này thấp nhất trong 4 quý của năm 2022.
Lợi nhuận sau thuế đạt 1.076 tỷ đồng (giảm 23% so với cùng kỳ) chủ yếu do chi phí bán hàng tăng trên 70% so với cùng kỳ, tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu cũng tăng lên mức 16% từ mức 10% cùng kì, trong đó phần lớn chi cho hoạt động quảng cáo khuyến mãi dịp Tết.
Năm 2022, doanh thu thuần của SAB đạt 34.979 tỷ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 5.500 tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ), vượt 0,5% và 20% kế hoạch đặt ra.
Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết, SAB có được kết quả này nhờ ngành bia hồi phục mạnh mẽ sau dịch và sức khỏe thương hiệu được cải thiện. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, thị phần SAB tăng nhẹ vào năm 2022 về quanh con số thị phần năm 2019 (khoảng 40% theo Euromonitor).
Biên lợi nhuận gộp của SAB thu hẹp xuống 28% trong quý IV từ mức đỉnh 34% trong quý II/2022. SAB thường chốt trước giá nguyên liệu từ 6 đến 9 tháng, do đó giá nguyên liệu đầu vào tăng đã dần phản ánh vào biên gộp của công ty. (Theo Economic data, trong năm 2022 giá malt, nhôm đã tăng khoảng 40 -50% so với trung bình năm 2021).
SAB đang thực hiện một số biện pháp nhằm bảo vệ biên lợi nhuận gộp tối ưu hóa sản xuất, tăng sản lượng tiêu thụ các thương hiệu cận cao cấp và tăng giá bán.
Hãng bia này mới đây đã thông qua đề xuất nâng sở hữu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây sở hữu 6 nhà máy bia và Công ty Cổ phần Tập đoàn Bao bì Sài Gòn sở hữu 2 nhà máy bao bì để trở thành công ty con. Ban lãnh đạo SAB cho rằng việc tăng sở hữu tại các công ty này sẽ mang lợi ích kinh tế vào năm 2024.
Agriseco cho biết tăng trưởng tiêu thụ ngành bia năm 2023 dự báo chững lại ở mức 1 con số so với năm 2022 khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó SAB còn đối mặt với các thách thức như biên lợi nhuận gộp thu hẹp do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và chi tiêu nhiều hơn cho quảng cáo khuyến mãi để giữ thị phần trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
Nhìn chung, kết quả kinh doanh của SAB tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022 nhờ sự hồi phục của ngành bia sau dịch và cải thiện sức khỏe thương hiệu. Song tăng trưởng năm 2023 được dự báo chậm lại và SAB phải đối mặt với các khó khăn về giá nguyên liệu tăng cao và chi tiêu nhiều hơn cho quảng cáo khuyến mãi. Agriseco đánh giá trung lập cổ phiếu SAB với giá mục tiêu 200.000 đồng/cổ phiếu.
PVT: VNDirect khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 21.300 đồng/cổ phiếu
Doanh thu quý IV/2022 của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT) tăng 17,2% so với cùng kỳ lên 2.439 tỷ đồng nhờ mảng vận tải tăng trưởng tích cực (tăng 25,1% so với cùng kỳ), đến từ đóng góp của các tàu mua mới (tổng công suất tăng 17% so với cùng kỳ trong năm 2022) cũng như giá cước thuê tàu cao hơn.
Nhờ giá cước thuê tàu chở dầu tăng cao trên toàn cầu, PVT đã gia hạn các hợp đồng thuê tàu với mức giá tốt hơn, giúp biên lợi nhuận gộp quý IV/2022 tăng 2,2 điểm % so với cùng kỳ lên 18%.
Tuy nhiên, lợi nhuận ròng quý IV/2022 chỉ tăng nhẹ 3,8% so với cùng kỳ lên 206,8 tỷ đồng do chi phí lãi vay tăng 94% so với cùng kỳ và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 62% so với cùng kỳ.
Cả năm 2022, doanh thu của PVT tăng 21,3% so với cùng kỳ lên 9.047,5 tỷ đồng và lợi nhuận ròng tăng 30,6% so với cùng kỳ lên 861,2 tỷ đồng nhờ giá cước vận tải tàu chở dầu/nhiên liệu cao hơn, đóng góp của các tàu mua mới (9 tàu các loại) và thu nhập bất thường từ thanh lý tàu chở dầu cũ.
Nhờ việc tích cực trẻ hóa đội tàu trong vài năm qua (đầu tư 15 tàu mới các loại trong năm 2021-2022), PVT đã được hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu vận tải xăng dầu sau đại dịch, đặc biệt là sau khủng hoảng Nga – Ukraine khiến giá cước tàu chở dầu tăng cao trên toàn cầu.
Công ty Chứng khoán VNDirect tin rằng đây sẽ là bệ đỡ để hoạt động kinh doanh cốt lõi của PVT tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới với tăng trưởng kép lợi nhuận cốt lõi (không tính đến thu nhập bất thường từ thanh lý tàu cũ) đạt 9,7% trong năm 2023-2025 nhờ đóng góp của các tàu mua mới (tăng trưởng kép tổng công suất đạt khoảng 6% trong năm 2023-25), và giá cước thuê tàu chở dầu/nhiên liệu dự kiến tiếp tục neo cao do cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine đã tái định hình dòng chảy năng lượng toàn cầu.
Đối với kết quả kinh doanh báo cáo, do không ghi nhận thu nhập bất thường từ thanh lý tàu cũ như năm 2022, VNDirect kỳ vọng lợi nhuận ròng của PVT sẽ đi ngang so với cùng kỳ trong năm 2023 (tăng 0,9% so với cùng kỳ), sau đó đạt tăng trưởng kép là 8,4% trong năm 2024-2025.
VNDirect ưa thích cổ phiếu PVT vì 3 lý do. Thứ nhất, PVT là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường vận tải dầu khí tại Việt Nam, chiếm 100% thị phần vận tải dầu thô và LPG trong nước. Ngoài ra, PVT còn có đội tàu hoạt động rộng trên các tuyến hải trình quốc tế.
Thứ hai, giá cước tàu chở dầu dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới do dòng chảy thương mại năng lượng toàn cầu đã được tái định hình sau cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp vận tải dầu khí. Đáng chú ý, hầu hết đội tàu chở nhiên liệu của PVT (trong tổng số 16 tàu chở nhiên liệu với tổng tải trọng trên 280.000DWT) đang hoạt động trên các tuyến quốc tế, qua đó có thể hưởng được mức giá cước tốt hơn trong môi trường giá cước thuê tàu tăng cao.
Thứ ba, mặc dù đã tích cực giải ngân vốn để trẻ hóa đội tàu trong vài năm qua, PVT vẫn sở hữu tình hình tài chính lành mạnh với vị thế tiền mặt ròng là 821 tỷ đồng và hệ số D/E thấp là 0,46 tại thời điểm cuối quý IV/2022.
Do đó, VNDirect duy trì khuyến nghị khả quan đối với PVT với giá mục tiêu không đổi là 26.300 đồng/cổ phiếu do 3 yếu tố. Một là tác động trái chiều của điều chỉnh tăng nhẹ dự phóng EPS năm 2023-2025 lên lần lượt 1,2%, 0,6% và 2,3%. Hai là chuyển mô hình DCF sang năm 2023. Ba là nâng lãi suất phi rủi ro từ 3% lên 4% để phản ánh môi trường lãi suất cao.