Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (4/5): PVD, VHC và BID
SSI cho rằng kế hoạch lợi nhuận 100 tỷ đồng của PVD trong năm 2023 hoàn toàn có thể đạt được và kết quả thực tế năm 2023 sẽ có thể vượt xa kế hoạch này.
PVD: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 22.000 đồng/cổ phiếu
Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HoSE: PVD) đặt kế hoạch kinh doanh khả quan hơn so với các năm trước trên cơ sở tình hình thị trường khoan phục hồi hơn.
Doanh thu năm 2023 được đặt mục tiêu ở mức thận trọng như năm 2022 là 5,4 nghìn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế được đặt ở mức 100 tỷ đồng (so với mức lỗ 150 tỷ đồng trong năm 2022). Về kế hoạch nội bộ, công ty đặt kế hoạch cao hơn với lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính giúp thị trường khoan phục hồi là do nhu cầu đối với giàn khoan Jack-up từ Trung Đông cao hơn, theo đó, các giàn khoan stacked trước đó ở Đông Nam Á được chuyển đến Trung Đông cho các chiến dịch khoan vào năm 2023-2024, trong khi nguồn cung khan hiếm do lượng giàn đặt đóng mới thấp.
Hiện tại, giá thuê giàn jack-up cho các hợp đồng mới dao động trong khoảng 100-125 nghìn USD/ngày ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo ban lãnh đạo, nhiều hợp đồng đã được ký trong năm 2022 với mức giá thuê thấp hơn. Do đó, giá thuê trung bình trong năm 2023 có thể thấp hơn mức giá thị trường hiện tại và ở PVD cũng như vậy.
Tuy nhiên, so với năm 2022, giá cho thuê của PVD trong năm 2023 cao hơn 20% so với cùng kỳ, tương đương 75 nghìn USD/ngày. Một điểm tích cực khác là công suất hoạt động cao hơn và thời hạn hợp đồng dài hơn, cùng với một số hợp đồng được ký với thời hạn dài tới 1-2 năm.
Đối với thị trường trong nước, không có nhiều chiến dịch dầu khí hoạt động trong năm 2023 nên nhu cầu về dịch vụ khoan sẽ vẫn ở mức thấp như năm 2022. Tuy nhiên, PVD nhận thấy nhiều cơ hội từ năm 2024 trở đi, do có một số dự án đang khởi công hoặc dự kiến khởi công như Đại Hùng Giai Đoạn 3, Lạc Đà Vàng, Cá Tầm, Kình Ngư Trắng.
Như vậy, PVD có kế hoạch đưa một số giàn khoan của họ trở lại thị trường Việt Nam vào cuối năm 2024, để bắt đầu khoan cho các dự án này từ năm 2025 trở đi. Hơn nữa, thị trường trong nước phục hồi từ năm 2024 cũng sẽ mang lại mức lợi nhuận cao hơn cho các công ty con và công ty liên doanh của PVD như PVD – Baker Hughes, PVD Logging và PVD Well Services, tất cả đều ở mức thấp vào năm 2022.
Đối với dự án lớn Block B tại Phú Quốc, công ty cho biết có thể khoan cho dự án này sớm nhất từ cuối năm 2025 và mang lại dòng khí đầu tiên vào năm 2026. Hiện tại, công ty đã sẵn sàng tham gia dự án
Về kế hoạch chi phí vốn đầu tư, PVD đặt kế hoạch chi 297 tỷ đồng, chủ yếu nâng cấp, bảo dưỡng các giàn khoan hiện tại. Công ty không có kế hoạch đầu tư giàn khoan mới trong tình hình thị trường hiện tại. Về cổ tức, công ty dự kiến không chia cổ tức cho năm 2022 do không có lãi. Sang năm 2023, công ty sẽ quyết định mức cổ tức tại ĐHCĐ năm 2024, dựa trên lợi nhuận thực tế của năm 2023.
Về kết quả kinh doanh sơ bộ quý I/2023, công ty cho biết lợi nhuận sau thuế có thể đạt 55 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với khoản lỗ trước đó phát sinh trong quý I/2022 và cao hơn mức lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 là 54 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán SSI cho rằng ĐHCĐ đã đặt ra lợi nhuận khả quan hơn cho năm 2023, phù hợp với quan điểm của SSI đối với PVD trong năm nay. Chu kỳ tăng giá của thị trường giàn khoan hiện tại dự kiến sẽ duy trì trong thời gian tới, do giá dầu dự kiến sẽ dao động quanh mức 80 USD/thùng, thể hiện qua động thái gần đây của OPEC+.
Do đó, SSI cho rằng kế hoạch lợi nhuận hiện tại hoàn toàn có thể đạt được và kết quả thực tế năm 2023 sẽ có thể vượt xa kế hoạch này. SSI duy trì ước tính hiện tại như đã đề cập trong báo cáo gần đây nhất với lợi nhuận sau thuế năm 2023 của PVD ước đạt 406 tỷ đồng, giá mục tiêu 1 năm là 22.000 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu.
VHC: Vietcap khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 68.400 đồng/cổ phiếu
Lượng cá tra xuất khẩu của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) sang thị trường EU tăng 22% so với cùng kỳ trong quý I/2023, thể hiện triển vọng tích cực đối với VHC trong bối cảnh tiêu dùng bị thắt chặt toàn cầu.
Dù doanh số giảm so với cùng kì năm trước tại các thị trường Trung Quốc (giảm 16% so với cùng kỳ) và Mỹ (giảm 56% so với cùng kỳ), doanh số của VHC tại các thị trường Mỹ và Trung Quốc đã lần lượt phục hồi 99% và 77% so với tháng trước vào tháng 3/2023, Công ty Chứng khoán Bản Việt (Vietcap) tin rằng điều này cho thấy những tín hiệu ban đầu cho đà phục hồi vào cuối năm.
Với tình hình tồn kho thấp hiện nay ở Mỹ và Trung Quốc mở cửa trở lại, Vietcap kỳ vọng các nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm sẽ nối lại hoạt động dự trữ hàng vào nửa cuối năm 2023 khi thị trường toàn cầu bước vào mùa lễ hội.
Vietcap tin rằng điều này sẽ củng cố sản lượng xuất khẩu của VHC so với nửa đầu năm 2023 và tiêu dùng phục hồi mạnh hơn trong năm 2024 sau những thách thức kinh tế ngắn hạn. Vietcap dự báo sản lượng xuất khẩu phi lê của VHC sẽ giảm 1% so với cùng kỳ vào năm 2023 và tăng với CAGR đạt 14% trong giai đoạn 2023-2025.
Trong quý I/2023, giá cá tra nguyên liệu của Việt Nam vẫn ở mức cao do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng 15% so với cùng kỳ do giá nguyên liệu cao (theo VHC) trong khi chi phí cá giống tăng cùng với giá đầu vào tăng. Với kỳ vọng nguồn cung sẽ tăng chậm trong khi nhu cầu dần phục hồi trong nửa cuối năm 2023, Vietcap dự báo ASP phi lê đông lạnh đạt 3,7 USD/kg (so với 3,5 USD/kg trước đây).
Theo ước tính của Vietcap, ASP phi lê đạt 3,2 USD/kg trong tháng 1-2 và phục hồi lên 3,8 USD/kg trong tháng 3. Mảng C&G đã sẵn sàng tăng trưởng mạnh do nhu cầu về sức khỏe & làm đẹp tăng cao tại thị trường chủ lực châu Á. Vietcap kỳ vọng doanh số C&G sẽ tăng 24% so với cùng kỳ vào năm 2023 so với mức tăng trưởng 34% so với cùng kỳ vào năm 2022, được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Vietcap điều chỉnh giảm 6% giá mục tiêu do Vietcap điều chỉnh giảm 16% lợi nhuận ròng trong năm 2023, phần nào được bù đắp bởi mức dự báo lợi nhuận sau thuế cao hơn 5% cho cả 2 năm 2024 và 2025.
Vietcap cho rằng định giá của VHC hấp dẫn do công ty đang giao dịch ở mức P/E trượt là 6,9 lần - thấp hơn so với P/E trượt trung bình của các công ty cùng ngành là 8,1 lần. Trong khi đó, Vietcap dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS là 33% trong giai đoạn 2023 - 2025.
Ngoài ra, giá mục tiêu của Vietcap tương ứng P/E năm 2023 và 2024 của VHC lần lượt là 10,6 lần và 7,2 lần so với P/E trượt trung bình 5 năm là 7,6 lần, mà Vietcap tin là phù hợp khi hoạt động kinh doanh C&G đang phát triển sẽ được giao dịch ở mức định giá cao hơn so với mảng kinh doanh cá phi lê truyền thống của VHC.
Vietcap duy trì khuyến nghị khả quan đối với VHC khi tiếp tục có quan điểm tích cực vào khả năng tăng trưởng dài hạn khả quan của công ty nhờ mảng cá phi lê đông lạnh phục hồi sau những khó khăn kinh tế ngắn hạn và tăng trưởng ổn định của VHC với biên lợi nhuận cao của mảng kinh doanh collagen & gelatin (C&G).
BID: Yuanta khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 38.860 đồng/cổ phiếu
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2023, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) đã thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 10-15% trong 2023 so với mức thực hiện năm 2022.
Ban lãnh đạo cho biết lợi nhuận trước thuế đạt quý I đạt hơn 6.600 tỷ đồng (tăng 19% so với quý trước, tăng 58% so với cùng kỳ), chủ yếu đến từ việc tăng trưởng tín dụng tại thời điểm cuối quý I tương đối cao, đạt 5% so với đầu năm.
Tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ tuân theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. BID được cấp hạn mức tín dụng ban đầu là 8,3% trong quý I/2023. Ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4% trong năm 2023.
Tăng vốn là chủ đề bàn luận chính trong ĐHCĐ thường niên của ngân hàng. BID có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 61,6 nghìn tỷ trong 2023, tăng từ mức 50,6 nghìn tỷ trong 2022 thông qua việc phát hành 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu dựa trên lợi nhuận giữ lại năm 2021. Ngoài ra, BID sẽ phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu , tương đương 9% của lượng cổ phiếu lưu hành trong 2022.
Đối với lợi nhuận giữ lại của năm 2022, BID dự định sẽ phát hành 1,16 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức. Ban lãnh đạo cho biết, tổng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chỉ khoảng 2% của tổng dư nợ, và cho vay mua nhà chiếm khoảng 15% của tổng dư nợ. Trích lập dự phòng. BID dự kiến sẽ trích khoảng 20 nghìn tỷ đến 21 nghìn tỷ trong 2023, giảm khoảng 13% đến 17% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của BID ở mức tương đối cao, và BID có thể linh hoạt trong việc giảm dự phòng và từ đó thúc đẩy lợi nhuận trong năm 2023. Tỷ lệ NPL và LLR của BID ở mức an toàn. Nhưng nguồn vốn là hạn chế với BID, với hệ số chỉ khoảng 9%, là mức tương đối thấp đối với ngân hàng có quy mô lớn như là BID.
Tỷ lệ CASA của BID ở mức tương đối thấp so với các ngân hàng như là Vietcombank, MB, và Techcombank. Tỷ lệ CASA của BID ở mức 19% tại quý IV/2022, so với Vietcombank và MB.
BID đang giao dịch P/B ở mức 1,8 lần so với mức trung vị ngành 1,1 lần mặc dù tỷ lệ ROE năm 2023 dự kiến chỉ khoảng 15% so với mức trung vị ngành 19%. Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu BID ở mức giá 38.860 đồng/cổ phiếu.