Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (25/4): QNS, NT2 và FRT
Trong thời gian tới, ban lãnh đạo cũng chia sẻ định hướng của Long Châu vẫn là tăng độ phủ và mở rộng tập khách hàng mà chưa tập trung vào gia tăng biên lợi nhuận. VCBS cho rằng số lợi nhuận tuyệt đối sẽ tiếp tục tăng trưởng theo số cửa hàng mở mới.
QNS: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 48.500 đồng/cổ phiếu
Tại ĐHCĐ được Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) tổ chức ngày 1/4/2023, kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận ròng cho năm 2023 lần lượt được đặt ở mức 8,4 nghìn tỷ đồng (tăng 1% so với cùng kỳ) và 1 nghìn tỷ đồng (giảm 16% so với cùng kỳ).
Theo ban lãnh đạo, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế sơ bộ của công ty lần lượt đạt 2,2 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ) và 358 tỷ đồng (tăng 72% so với cùng kỳ), hoàn thành 26% và 30% kế hoạch năm. Mảng mía đường là động lực chính cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế, với doanh thu thuần trong quý đạt 702 tỷ đồng (tăng 69% so với cùng kỳ) và sản lượng đường tiêu thụ đạt 40 nghìn tấn (tăng 94% so với cùng kỳ).
Mảng điện sinh khối cũng được hưởng lợi từ sản lượng mía tăng, với lợi nhuận trước thuế đạt 50 tỷ đồng (tăng 525% so với cùng kỳ). Đối với mảng sữa đậu nành, doanh thu thuần đạt 814 tỷ đồng (giảm 8% so với cùng kỳ) do mức tiêu thụ sữa đậu nành giảm 9% so với cùng kỳ.
Theo QNS, mức tiêu thụ sữa đậu nành ước tính sẽ duy trì trong năm 2023 so với năm 2022 do tiêu thụ yếu. Vào ngày 18/4/2023, Chính phủ Việt Nam đã chuyển đề xuất cắt giảm thuế GTGT sang bước tiếp theo của quy trình phê duyệt. Đề xuất cắt giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% bắt đầu từ ngày 1/7/2023 đang chờ Quốc hội thông qua.
Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng việc cắt giảm thuế VAT được thông qua, có thể là yếu tố hỗ trợ cho sản lượng tiêu thụ sữa đậu nành trong nửa cuối năm 2023. SSI ước tính mức tăng giá bán bình quân của QNS sẽ giúp bù đắp phần tăng chi phí đầu vào. Do đó, SSI kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ đạt 40,5% vào năm 2023, so với 40,7% vào năm 2022.
SSI nâng dự báo tổng sản lượng đường của QNS lên 200 nghìn tấn (tăng 54% so với cùng kỳ) từ ước tính trước đó là 180 nghìn tấn (tăng 38% so với cùng kỳ). SSI duy trì ước tính sản lượng đường RS ở mức 160 nghìn tấn (tăng 23% so với cùng kỳ).
SSI giả định sản lượng tiêu thụ đường RE sẽ đạt 40.000 tấn (tăng gấp đôi so với cùng kỳ) vào năm 2023, trong khi SSI giả định rằng giá bán bình quân của đường RS&RE sẽ tăng 3% (từ mức 1% trước đó). Tỷ suất lợi nhuận gộp của đường RS và RE ước tính lần lượt là 26% và 5% trong năm 2023. Theo đó. SSI ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2023 lần lượt là 9,7 nghìn tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ) và 1,5 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ).
QNS giao dịch với P/E dự phóng năm 2023 là 8,5 lần, nằm giữa dải P/E lịch sử 4 năm (6,3 - 11,5 lần). SSI áp dụng mức P/E mục tiêu là 12 lần cho mảng sữa đậu nành và 7 lần cho các mảng khác. Theo đó SSI đưa ra mức giá mục tiêu 1 năm mới là 48.500 đồng/cổ phiếu (từ 46.000 đồng/cổ phiếu), tương ứng với tiềm năng tăng giá là tăng 14% (tổng mức sinh lời là 21%).
SSI duy trì khuyến nghị khả quan đối với QNS. Trong ngắn hạn, giá đường thế giới tăng sẽ hỗ trợ tâm lý đối với các cổ phiếu ngành đường như QNS. Giá đường trong nước và sản lượng tiêu thụ tăng cao hơn sẽ tiếp tục thúc đẩy lợi nhuận của mảng đường trong các quý tới.
NT2: PHS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 33.300 đồng/cổ phiếu
Năm 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) dự kiến lần lượt là 8.299 tỷ đồng và 473 tỷ đồng. Kế hoạch này dựa trên giả định rằng sản lượng điện sẽ đạt 4,1 tỷ kWh trong năm nay, và mức lợi nhuận sau thuế này thấp hơn đáng kể so với dự báo của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) (Doanh thu thuần đạt 8,012 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 732 tỷ đồng).
Trong bối cảnh hiện tại, PHS đánh giá kế hoạch này là tương đối thận trọng khi công ty hoàn toàn có thể duy trì được đà đi ngang trong năm nay nhờ nhiệt điện dần lấy lại ưu thế so với thủy điện, đó là chưa kể hiệu quả hoạt động thuộc hàng tốt nhất trong ngành của NT2, có thể nhanh chóng cung cấp điện vào những thời điểm nhu cầu và giá điện (trên thị trường cạnh tranh) tăng cao.
Đợt đại tu nhà máy trong tháng 9 và tháng 10 năm 2023: NT2 dự kiến sẽ thực hiện kế hoạch đại tu nhà máy trong năm 2023 nhân dịp đánh dấu 100.000 giờ hoạt động. Ban lãnh đạo cho biết kế hoạch này dự kiến sẽ được thực hiện trong 44 ngày từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2023, đây thường là 2 tháng thấp điểm trong năm của công ty. Và có thể tiêu tốn khoảng hơn 400 tỷ đồng để thực hiện toàn bộ hạng mục, số tiền này sẽ được phân bổ vào chi phí trong 3 năm.
PHS ước tính năm nay sản lượng của NT2 sẽ đi ngang (thay vì tăng trưởng) so với năm 2022 do tác động của đợt đại tu lần này. Trong năm 2023, công ty dự kiến chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 25% trên vốn điều lệ (2.500 đồng/cổ phiếu). Công ty đã chốt quyền nhận cổ tức đợt 1 là 1.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 23/3/2023.
Theo PHS, lợi nhuận của NT2 có thể duy trì mức tăng trưởng đi ngang trong năm 2023, bất chấp việc nhà máy phải tạm dừng trong thời gian dài để thực hiện đại tu. Đó là nhờ triển vọng tươi sáng của nhiệt điện, do hiện tượng La Nina có thể qua đi từ đầu năm 2023 và cuốn đi ưu thế thuận lợi của thủy điện.
Theo đó, PHS dự báo tổng sản lượng có thể đạt khoảng 4.078 triệu kWh trong năm 2023, tương đương với mức thực hiện trong năm 2022.
NT2 đang tăng tốc giảm nợ và củng cố hoạt động kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao. Điều này cho phép công ty đảm bảo lợi nhuận và tỷ lệ chi trả cổ tức cao trong tương lai.
Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 33.300 đồng/cổ phiếu. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 13%. Định giá này đã tính đến kế hoạch đại tu nhà máy của NT2 trong năm 2023, dự kiến kéo dài 44 ngày, khiến cho sản lượng chỉ đạt mức tương đương 2022 thay vì tăng trưởng như dự báo trước đó của PHS.
FRT: VCBS khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 69.700 đồng/cổ phiếu
Doanh thu thuần quý I/2023 của Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HoSE: FRT) dự kiến đi ngang so với cùng kì, trong đó doanh thu FPT Shop giảm khoảng 20% và Long Châu tăng trưởng 50% so với cùng kỳ. Trong 2 tháng đầu năm, FPT Shop không mở thêm cửa hàng mới nào và Long Châu mở mới gần 100 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng phát sinh doanh thu lên 1000 cửa hàng từ mức 937 cuối năm 2022. Doanh thu trung bình/tháng/cửa hàng đạt 1.1 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp duy trì tốt ở mức 22-23%.
Năm 2023, FRT đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất đạt 34.000 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ) trong đó FPT Shop đạt khoảng 20.000 tỷ, đi ngang so với cùng kì và Long Châu đạt khoảng 14.000 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ). Kế hoạch lợi nhuận trước thuế đi lùi 51% so với năm 2022, cả năm đạt 240 tỷ, tương đương tỷ suất lợi nhuận trước thuế khoảng 0,7%.
FRT cho biết sẽ rất thận trọng trong kế hoạch mở mới cửa hàng đối với FPT Shop trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thấp. Quy mô shop dự kiến đi ngang trong 2023, duy trì khoảng 800 cửa hàng. Ngoài ra để bù đắp phần doanh thu sụt giảm mạnh của mặt hàng ICT, FPT Shop cũng sẽ gia tăng thêm sản phẩm trong mỗi shop với các mặt hàng gia dụng điện máy. Dự kiến số lượng cửa hàng có bày bán điện máy sẽ tăng từ mức 300 cuối năm 2022 lên khoảng 600 cuối 2023.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá đây là một kế hoạch rất thận trọng của ban lãnh đạo với giả định thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ hồi phục từ quý III/2023. Theo ước tính của VCBS, doanh thu thuần của FPT Shop sẽ tăng trưởng trở lại từ 10-30% trong hai quý cuối năm với căn cứ vào hàng loạt các chính sách kích cầu nền kinh tế, đặc biệt là nghị định giảm thuế VAT 2% mới thông qua vào đầu tháng 4. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế cũng đặt ở mức rất thấp, chỉ 0,7% - mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Long Châu sẽ tiếp tục kế hoạch mở mới mạnh mẽ trong 2023 với khoảng 400 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên 1.400 trong khi các đối thủ cạnh tranh đều tạm dừng (MWG và Pharmacity). VCBS đánh giá đây là một động thái vô cùng tích cực, giúp Long Châu tận dụng thời điểm thị trường ít cạnh tranh để gia tăng thị phần trong phân khúc bán lẻ dược phẩm hiện đại.
Cụ thể, Long Châu sẽ tập trung mở rộng về tuyến huyện và các thành phố Tier 2, Tier 3. Chi phí mở shop tại các khu vực này thấp hơn, thời gian hòa vốn cũng nhanh hơn so với các cửa hàng thuốc tại thành phố lớn. Theo ban lãnh đạo, hiện các cửa hàng mở mới có doanh số hòa vốn tối thiểu là 600 triệu đồng/tháng và thường hòa vốn sau 6 tháng hoạt động ở cấp độ cửa hàng.
Trong thời gian tới, ban lãnh đạo cũng chia sẻ định hướng của Long Châu vẫn là tăng độ phủ và mở rộng tập khách hàng mà chưa tập trung vào gia tăng biên lợi nhuận.
Do vậy VCBS cho rằng số lợi nhuận tuyệt đối sẽ tiếp tục tăng trưởng theo số cửa hàng mở mới. Ngoài ra công ty vẫn sẽ phát huy lợi thế sẵn có với định vị thuốc đầy đủ và giá rẻ (chiếm khoảng 60%), dược sĩ tư vấn chất lượng và địa chỉ tin cậy để mua thuốc kê toa cùng với các hỗ trợ mua trả góp với lãi suất ưu đãi.
Trong năm nay FRT sẽ đầu tư thêm một kho DC tại Long An với tổng chi phí đầu tư khoảng 10 triệu USD và 28.000m2 sàn xây dựng. Dự kiến kho này sẽ đáp ứng nhu cầu cung ứng cho các cửa hàng thuốc khu vực phía Nam của công ty trong 2-3 năm tới. Thời gian hoàn thành ước tính tháng 7/2023.
VCBS dự phóng doanh thu cả năm 2023 của FRT ở mức 34.970 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế là khoảng 280 tỷ (giảm 42 % so với cùng kỳ), cao hơn kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế của công ty lần lượt 3% và 16%.
Cụ thể, doanh thu từ chuỗi FPT Shop đạt khoảng 20.835 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kì; Long Châu đạt 14.136 tỷ, tăng trưởng 47%. Biên lợi nhuận trước thuế của mảng ICT sẽ giảm về mức thấp, theo dự phóng của VCBS thận trọng ở mức dưới 1%. Trong khi đó, VCBS kì vọng Long Châu sẽ tiếp tục cải thiện về hoạt động, biên lợi nhuận trước thuế tăng 200 bps so với cùng kì.
VCBS đưa ra mức giá mục tiêu mới của FRT là 69.700 đồng/cổ phiếu. Đối với chuỗi FPT Shop, VCBS sử dụng mức P/E mục tiêu là 12 lần trên cơ sở so sánh với các doanh nghiệp bán lẻ ICT cùng khu vực. Với Long Châu, mức P/B mục tiêu khoảng 0,5, thấp hơn các chuỗi dược phẩm khác do ROE của Long Châu còn thấp, tuy nhiên vẫn là điểm sáng tại Việt Nam do là chuỗi bán lẻ thuốc hiện đại duy nhất có lãi tính đến thời điểm hiện tại.