Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (4/8): SHB, PVD và SBT
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của SHB khi hoàn thành xử lý nợ tồn đọng, bứt phá trên đường đua tăng trưởng khi lọt top đầu ngành ngân hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Trong ngắn hạn, SHB đặt mục tiêu sẽ nằm trong top 5 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam.
PHS: Khuyến nghị mua cổ phiếu SHB
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của SHB khi hoàn thành xử lý nợ tồn đọng, bứt phá trên đường đua tăng trưởng. Nhờ kết quả kinh doanh không bị tác động bởi nợ tồn đọng do HBB để lại, kết thúc năm 2021, lợi nhuận sau thuế của SHB tăng trưởng vượt bậc 91,6% so với cùng kỳ lên 5.007 tỷ đồng, thuộc top 25% những ngân hàng tăng trưởng nhanh nhất. SHB đặt mục tiêu ngắn hạn (1-2 năm) sẽ nằm trong top 5 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Khép lại quý II vừa qua, SHB tiếp tục công bố lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 72% lên mức 2.096 tỷ đồng, chủ yếu do cắt giảm chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro tín dụng. Lũy kế, 6 tháng đầu năm ngân hàng ghi nhận lãi sau thuế 4.678 tỷ đồng, tăng 83% cùng kỳ năm 2021.
Điểm sáng của SHB đó là biên lãi ròng (NIM). PHS cho rằng NIM đã được cải thiện mạnh bất chấp gió ngược chiều, nhờ tỷ suất sinh lời trên tài sản có sinh lãi 12 tháng gần nhất đạt 8,74%, thuộc top 25% ngân hàng cao nhất; SHB được các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước lựa chọn là ngân hàng cho vay lại và ngân hàng phục vụ với nguồn vốn tài trợ 2,55 tỷ USD trong năm 2021, là cơ sở để SHB giảm chi phí vốn và hỗ trợ NIM.
Với dự phóng thận trọng, PHS ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2022 của SHB đạt 19,5%. PHS giả định các yếu tố như quá trình phục hồi nền kinh tế và thực hiện các chính sách của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp; SHB đặt chiến lược khai khai thác tối đa hệ sinh thái khách hàng, tập trung vào các ngành tận dụng được thị trường 100 triệu dân của Việt Nam; là ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực tín dụng xanh.
PHS ước tính NIM năm 2022 của SHB sẽ cải thiện 5 điểm cơ bản lên 3,76%, nhờ các sản phẩm cho vay hệ sinh thái khách hàng có lãi suất tốt; huy động được nguồn giá rẻ từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Ngân hàng Nhà Nước đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN (Thông tư 14) sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) và Thông tư 03/2021/TT-NHNN cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến ngày 30/06/2022. Qua đó, PHS ước tính tỷ lệ nợ xấu của SHB đạt 1,85% vào năm 2022.
Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, PHS xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu SHB là 30.300 đồng/cổ phiếu, từ đó khuyến nghị các nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu này.
Yuanta: Khuyến nghị mua PVD, giá mục tiêu 30.085 đồng/cổ phiếu
Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HoSE: PVD) ghi nhận doanh thu quý II tăng mạnh 36% cùng kỳ, đạt 1.500 tỷ đồng. PVD cho biết giá thuê giàn tăng 14% cùng kỳ; hiệu suất sử dụng giàn khoan đạt 97% trong quý, cao hơn mức 95% của quý II/2021. Ngoài ra, giàn khoan nước sâu (PVD V) đóng góp vào doanh thu khi bắt đầu khoan cho công ty Brunei Shell Petroleum.
Tuy vậy, PVD đã báo cáo lỗ ròng 60 tỷ đồng trong quý II, chủ yếu do biên lãi gộp giảm 4,9 điểm phần trăm (ppt) so với cùng kỳ còn 8,2%. Đáng chú ý là chi phí dịch vụ mua ngoài của PVD đã tăng gấp 11 so với cùng kỳ, đạt 598 tỷ đồng. PVD đã không lý giải về sự gia tăng này, nhưng Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) có lý do để cho rằng phần lớn chi phí có thể đã được ghi nhận trong báo cáo quý II và cũng có thể sẽ phát sinh thêm trong quý III.
Yuanta nhấn mạnh, nếu không có khoản chi phí này, PVD có thể đã ghi nhận lãi trước thuế 509 tỷ đồng trong quý II.
Bên cạnh đó, PVD báo cáo lợi nhuận từ các công ty liên doanh giảm 61% so với quý II/2021, còn 13,5 tỷ đồng do khối lượng công việc giảm. Chi phí tài chính trong quý là 49 tỷ đồng, tăng khoảng 20 lần so với cùng kỳ, chủ yếu cho ghi nhận lỗ tỷ giá do đồng USD tăng mạnh.
Trong nửa đầu năm 2022, PVD báo cáo lỗ ròng 116,6 tỷ đồng dù doanh thu tăng đến 60,8% cùng kỳ, đạt 2.659 tỷ đồng. Nguyên nhân chính giúp giải thích cho sự chênh lệch này là do chi phí tài chính và lợi nhuận từ các công ty liên doanh suy giảm.
PVD đã hoàn thành 40,2% dự báo doanh thu năm 2022 của Yuanta, tuy nhiên có thể khó đạt được dự báo lợi nhuận với mức 644 tỷ đồng. Các rủi ro ảnh hưởng đến dự báo của Yuanta gồm khả năng sinh lời từ các công ty liên doanh của PVD là rủi ro trọng yếu đối; xu hướng của giá thuê giàn khoan khá tương đồng với giá dầu, mà giá dầu có thể sẽ quay đầu giảm khi nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn suy thoái; hoạt động cung ứng dịch vụ khoan của PVD khá nhạy cảm với các vấn đề liên quan đến địa chính trị.
Hiện Yuanta vẫn khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVD với giá mục tiêu 30.085 đồng/cổ phiếu, tăng gần 70% so với thị giá hiện tại.
MASVN: Khuyến nghị mua với cổ phiếu SBT
Năm tài chính từ 1/7/2021 - 30/6/2022, doanh thu của Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (HoSE: SBT) đạt 18.325 tỷ đồng (tăng 22,8% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 818 tỷ đồng (tăng 25,8% cùng kỳ).
Trong kỳ, biên lợi nhuận gộp giảm từ mức 14,8% xuống còn 12,5%; thu nhập tài chính tăng mạnh, đạt 1.116 tỷ đồng so với mức 499 tỷ cùng kỳ do khoản lợi nhuận từ đầu tư hợp đồng tương lai và khoản tiền lãi gửi ngân hàng, cho vay, lãi ứng trước cho nhà cung cấp và các khoản đặt cọc; chi phí khác tăng mạnh đạt hơn 231 tỷ trong kỳ, so với mức 55 tỷ ở kỳ trước.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho biết, SBT hiện giữ vị thế đầu ngành với hơn 46% thị phần đường nội địa. Theo thống kê từ VSSA, số lượng nhà máy hoạt động hiện tại của toàn ngành ở mức 26 trên tổng số 40 nhà máy. Trong đó, SBT sở hữu 9 nhà máy đang hoạt động với tổng công suất đạt 4,180 tấn đường/ngày.
Bên cạnh đó, chiến lược liên tục mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu của mình so với các đối thủ khác trong ngành, giúp cho SBT nâng tổng vùng nguyên liệu lên gần 66.000ha nằm ở 3 quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia. Trong đó, tổng diện tích vùng nguyên liệu nông trường đạt 33,556 ha.
Năm 2022, SBT dự kiến đầu tư 100 triệu USD để mở rộng vùng nguyên liệu tại Úc lên đến 20.000ha, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu toàn cầu đạt gần 90.000ha. Hiện nay, Úc là quốc gia có năng suất mía đường cao nhất thế giới.
Tháng 6/2021, Bộ Công Thương đã chính thức ban hành và áp dụng mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp lên sản phẩm đường từ Thái Lan với tổng mức thuế đạt 47,64% trong vòng 5 năm. Thế nhưng, tháng 9/2021 Bộ Công Thương có quyết định điều tra và đánh giá ảnh hưởng của việc đường Thái Lan tránh thuế khi nhập thông qua 4 nước ASEAN.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã có dự thảo kết luận vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía, và đang trình lên Bộ Chính trị xem xét, chờ quyết định trong thời gian tới.
Với triển vọng lạc quan của ngành đường, MASVN ước tính doanh thu niên độ 2022-2023 của SBT đạt 20.341 tỷ đồng (tăng 11% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 1.235 tỷ đồng (tăng 50,8% cùng kỳ). MASVN giả định giá đường thế giới sẽ tăng 12% so với cùng kỳ, giúp biên lợi nhuận gộp của SBT được cải thiện từ mức 12,5% lên mức 13,3%; thu nhập tài chính tăng 20% trong niên độ 2022-2023, đạt 1.339 tỷ đồng; chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt đạt 757 tỷ đồng (tăng 16% cùng kỳ) và 783 tỷ đồng (tăng 18%).
Tương ứng, EPS dự phóng đạt 1.880 đồng và P/E dự phóng đạt 9,8 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm của doanh nghiệp. Vì vậy, MASVN đánh giá khả quan dài hạn với SBT và khuyến nghị mua cho cổ phiếu này, giá mục tiêu 12 tháng là 23.500 đồng/cổ phiếu.