Công ty chứng khoán lỗ nặng vì ‘ôm’ hàng trăm tỷ cổ phiếu
Kết thúc quý 2/2022, nhiều công ty chứng khoán như: Chứng khoán ACB, Chứng khoán Rồng Việt, Chứng khoán APG,... chuyển từ lãi sang lỗ đậm do mảng tự doanh kém sắc.
Kết thúc quý 2/2022, nhiều công ty chứng khoán như: Chứng khoán ACB, Chứng khoán Rồng Việt, Chứng khoán APG,... chuyển từ lãi sang lỗ đậm do mảng tự doanh kém sắc.
Thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh mạnh trong quý 2/2022 đẩy loạt nhà đầu tư từ chuyên nghiệp như các quỹ đầu tư, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán cho đến những nhà đầu tư mới rơi vào ‘lỗ đậm’. Điển hình nhiều công ty chứng khoán ngậm ngùi báo thua lỗ chưa từng có trong quý 2/2022.
Mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (khác: ACBS) vừa công bố BCTC quý 2/2022 với kết quả chuyển lãi sang lỗ gần 161 tỷ đồng trong quý 2/2022 do mảng dự doanh lỗ hơn 250 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động ACBS giảm 33%, tương ứng giảm 159 tỷ đồng xuống gần 330 tỷ đồng. Chi phí hoạt động kinh doanh tăng 67% lên gần 500 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản lỗ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) đã tăng hơn 200 tỷ đồng lên mức 370 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán tiếp theo cũng ngậm ngùi báo lỗ là CTCP Chứng khoán Tiên Phong -TPS (ORS). Tại báo cáo tài chính quý 2/2022 cho thấy, khoản lỗ kỷ lục tại ORS lên đến hơn 161 tỷ đồng trước thuế trong khi tổng doanh thu đạt 661,7 tỷ đồng tăng 132% so với cùng kỳ.
Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) trong quý 2 chiếm tỷ trọng lớn nhất với 279,4 tỷ đồng, tăng 265% so với cùng kỳ. Lãi từ cho vay và phải thu đạt 47,9 tỷ đồng, đây là mức tăng đột biến trong khi doanh thu từ hoạt động tư vấn tài chính đạt 204,5 tỷ đồng, tằn 67%. Ngược lại, doanh thu hoạt động môi giới lại đạt 18,4 tỷ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ, do ảnh hưởng từ sụt giảm thanh khoản thị trường trong kỳ.
Trong khi đó, chi phí hoạt động quý 2 của ORS lại tăng đột biến lên 329% so với cùng kỳ đạt 698 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc CTCK này cắt lỗ cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục khiến việc hạch toán lỗ các tài sản tài chính FVTPL là 527,9 tỷ đồng.
Trong quý 2, ORS đã cắt lỗ loạt cổ phiếu trong đó đáng chú ý có SSI, tổng giá trị cắt lỗ cổ phiếu niêm yết trong kỳ là 87 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ORS chịu lỗ hơn 280 tỷ đồng từ việc bán lượng lớn trái phiếu chưa niêm yết.
Trong 6 tháng đầu năm, ORS đã mua thêm hàng loạt cổ phiếu như NLG của Nam Long, VND của VNDirect,, HNG của HAGL Agrico, NLG của Nam Long, PLX của Petrolimex,...
Cùng cảnh ngộ, do mảng tự doanh kém sắc, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (Rồng Việt) (mã: VDS) cũng báo lỗ 234 tỷ đồng trong quý 2/2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Công ty lỗ trước thuế 136 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/6/2022, danh mục VDS nắm giữ gồm các mã DBC của Dabaco (đang lỗ hơn 64 tỷ đồng), TCB của Techcombank (đang lỗ gần 35 tỷ đồng), CTG của ViettinBank (lỗ hơn 26,5 tỷ đồng)...
Giải trình về kết quả trên, VDS cũng cho biết những diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý 2/2022 đã ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh công ty chứng khoán nói chung và VDS nói riêng. 6 tháng đầu năm 2022, thanh khoản chứng khoán sụt giảm mạnh, đồng thời VN-Index cũng ghi nhận mức giảm hơn 20% và nằm trong top các chỉ số chứng khoán có mức giảm nhiều nhất thế giới.
Còn tại Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã: SHS), trong quý 2/2022 ghi nhận mức lỗ 432 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư chủ yếu do chênh lệch đánh giá lại các khoản đầu tư niêm yết hạch toán theo FVTPL. Khoản lỗ này thực tế là các khoản giảm lãi của danh mục đầu tư dài hạn vì lợi nhuận đầu tư theo giá thị trường đã được hạch toán vào các quý trước khi chỉ số tăng cao và giá các cổ phiếu diễn biến thuận lợi. Giá thị trường hiện tại của phần lớn các khoản đầu tư vẫn cao hơn giá vốn ban đầu do SHS đã mua và nắm giữ các cổ phiếu này từ lâu.
SHS đã chủ động thu gọn danh mục tự doanh trong quý 2 tuy nhiên giá trị các khoản đầu tư dài hạn chủ đạo giảm mạnh như TCB (giảm 167,8 tỷ đồng), GEX (giảm 91,4 tỷ đồng), PET (giảm 112 tỷ đồng), SIP (giảm 18 tỷ đồng) làm công ty ghi nhận lỗ sau thuế 297 tỷ đồng trong quý 2/2022. Ngoại trừ mảng tự doanh sụt giảm do tác động của thị trường, các mảng kinh doanh cốt lõi khác như môi giới, tư vấn tài chính, kinh doanh nguồn vẫn diễn ra ổn định, phù hợp xu hướng của thị trường chung.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, SHS ghi nhận 621.4 tỷ đồng doanh thu hoạt động và lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 32.2 tỷ đồng. Riêng mảng đầu tư của SHS ghi nhận lỗ 216 tỷ đồng.
Tương tự như các công ty chứng khoán trên, Chứng khoán APG lỗ sau thuế gần 77 tỷ đồng trong quý 2/2022 do mảng tự doanh lỗ hơn 170 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu hoạt động của APG đạt gần 191 tỷ đồng, tăng 305% so cùng kỳ; song lợi nhuận sau thuế giảm sâu 97%, xuống còn 894 triệu đồng.