Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (7/3): REE, GMD và VIB

SSI cho rằng những thách thức của nền kinh tế sẽ tiếp tục gây áp lực lên lợi nhuận cốt lõi của Gemadept trong năm 2023. Tuy nhiên, SSI kỳ vọng việc bán cảng Nam Hải Đình Vũ sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận, cũng như sử dụng nguồn tiền thu được để giảm gánh nặng tài chính và đầu tư vào các dự án mới.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (7/3): REE, GMD và VIB
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (7/3): REE, GMD và VIB

REE: MBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 84.000 đồng/cổ phiếu

Tổng doanh thu năm 2022 của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (HoSE: REE) đạt 9.372 tỷ đồng tăng 61% so với năm 2021 và đạt 101% kế hoạch cả năm. Doanh thu sản xuất điện đạt 5.415 tỷ đồng, tăng 77%, doanh thu cơ điện đạt 2.816 tỷ đồng, tăng 55% so với 2021. Trong đó, doanh thu cơ điện tăng mạnh nhưng mới đạt 72% kế hoạch năm.

Lợi nhuận gộp đạt 4.316 tỷ đồng, tăng mạnh 87% so với 2021. Biên lợi nhuận gộp đạt 46,05%, tăng so với mức 39,76% của năm 2021. Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 56% xuống còn 203 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng mạnh 34% lên 943 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 56% lên 580 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế đạt 3.513 tỷ đồng, tăng 65% và đạt 170% kế hoạch cả năm. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế lĩnh vực sản xuất điện đạt 2.456 tỷ đồng, tăng 116% so với 2021 và chiếm 70% lợi nhuận sau thuế toàn công ty.

Sau một năm 2022 tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào sự tăng trưởng của nhóm sản xuất điện và cơ điện lạnh, bước sang năm 2023, tình hình kinh doanh của REE dự báo sẽ đối diện với những thách thức nhất định. Trong lĩnh vực sản xuất điện, dự báo tình hình thủy văn sẽ không còn được thuận lợi như năm 2022 do hình thái thời tiết dự báo chuyển sang trạng thái El nino từ quý II/2023, sẽ làm giảm lượng mưa.

Trong khi đó danh mục đầu tư của REE tập trung lớn vào nhóm thủy điện. Công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khi quy hoạch ngành và các chính sách rõ ràng hơn; bên cạnh đó tiếp tục đầu tư gia tăng công suất điện mặt trời áp mái. Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo sản lượng điện năm 2023 có thể đạt 9.880 triệu kwh, bằng 88% so với năm 2022. Doanh thu sản xuất điện đạt 3.889 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.448 tỷ đồng, lần lượt bằng 72% và 60% của năm 2022.

Trong lĩnh vực ME, tình hình thị trường bất động sản đang gặp những khó khăn sẽ làm giảm quy mô hoạt động của công ty. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư công lớn trong giai đoạn 2022-2025 khả năng tập trung vào cuối 2023 trở đi.

MBS dự báo doanh thu có thể tăng 15% lên 3.238 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 148-150 tỷ đồng, tăng 5%. Lĩnh vực cho thuê văn phòng cơ bản sẽ tiếp tục hoạt động ổn định với tỷ lệ lấp đầy đã lên đến gần 100%. Trong khi đó dự án đầu tư ETown6 vẫn đang đảm bảo tiến độ, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2023. Lĩnh vực sản xuất và phân phối nước dự báo cũng tiếp tục hoạt động ổn định, doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 114 tỷ đồng và 363 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 10% và 5% so với 2021

MBS dự báo doanh thu năm 2023 có thể đạt mức 8.289 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.908 tỷ đồng, lần lượt bằng 88% và 75% của năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.559 tỷ đồng, thu nhập mỗi cổ phiếu đạt mức 5.950 đồng/cổ phần.

Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền FCFF, kết hợp so sánh PE, PB, MBS xác định giá trị cổ phiếu REE ở mức 84.000 đồng/cổ phiếu, khuyến nghị mua.

GMD: SSI khuyến nghị mua với giá 61.500 đồng/cổ phiếu

Trong quý IV/2022, Công ty Cổ phần Gemadept (HoSE: GMD) đạt 1.066 tỷ đồng doanh thu (tăng 2,7% so với cùng kỳ, tăng 7,5% so với quý trước) và lợi nhuận trước thuế đạt 251 tỷ đồng (tăng 8,7% so với cùng kỳ, giảm 25,3% so với quý trước). Lũy kế cả năm 2022, doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 3.916 tỷ đồng (tăng 22,1%) và 1.308 tỷ đồng (tăng 63,3%), hoàn thành 102% và 109% kế hoạch năm của công ty.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, việc thoái vốn tại Nam Hải Đình Vũ dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2023. Mặc dù giá trị giao dịch chưa được tiết lộ, nhưng GMD đã ghi nhận khoản đặt cọc 1 nghìn tỷ đồng được trả trước trong quý IV/2022.

Ngoài ra, bên mua tiềm năng có thể là Viconship (HoSE: VSC), do công ty này đã công bố kế hoạch mua lại một cảng ở Hải Phòng có giá trị tương đương Nam Hải Đình Vũ. Theo VSC, tổng vốn đầu tư vào cảng ước tính khoảng 2.250 tỷ đồng cho 51%- 75% cổ phần, tương đương giá trị 3 nghìn tỷ đồng cho toàn bộ cảng.

Với việc sở hữu 85% cảng, GMD có thể ghi nhận khoản lãi 2 nghìn tỷ đồng. Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 bắt đầu hoạt động trong tháng 2, bổ sung thêm 500 nghìn TEU vào tổng công suất của toàn bộ dự án và hiện có khả năng xử lý 1 triệu TEU mỗi năm. Dự án này sẽ thay thế cảng Nam Hải Đình Vũ sau khi thoái vốn và duy trì công suất hàng năm của cụm cảng phía Bắc của GMD ở mức 1,2 triệu TEU.

Trong năm 2022, các cảng phía bắc của GMD đã xếp dỡ 1,1 triệu TEU. Trong trường hợp Nam Hải Đình Vũ được chuyển nhượng cho VSC, thị phần của VSC sẽ cao hơn GMD và đạt 17,3% công suất cụm cảng Hải Phòng, chưa kể VSC còn sở hữu 36% VIMC Đình Vũ và 22% PTSC Đình Vũ.

Tuy nhiên, GMD mong muốn có thể chuyển toàn bộ sản lượng của Nam Hải Đình Vũ sang Nam Đình Vũ giai đoạn 2 nhờ GMD vận hành các cảng thông qua một hệ thống kiểm soát trung tâm cho phép họ di chuyển container giữa các bến cảng.

Ban lãnh đạo GMD kỳ vọng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 có thể đạt công suất tối đa trong năm 2023 nhờ sản lượng chuyển từ Nam Hải Đình Vũ sang. Do đó, GMD dự kiến sẽ khởi công xây dựng cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3 (500 nghìn TEU) vào cuối năm 2023 để bổ sung thêm công suất cho mạng lưới của công ty.

SSI cho rằng những thách thức của nền kinh tế sẽ tiếp tục gây áp lực lên lợi nhuận cốt lõi của công ty trong năm 2023. Tuy nhiên, SSI kỳ vọng việc bán cảng Nam Hải Đình Vũ sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận, cũng như sử dụng nguồn tiền thu được để giảm gánh nặng tài chính và đầu tư vào các dự án mới. Bên cạnh đó, GMD có thể tái cấu trúc hoạt động kinh doanh tại khu vực cụm cảng Hải Phòng vốn cạnh tranh cao, bằng cách tập trung sản lượng cho cụm cảng Nam Đình Vũ (Nam Đình Vũ).

Trong kịch bản cơ sở, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 2.778 tỷ đồng (tăng 112% so với năm trước). Nếu loại trừ khoản lãi bất thường, lợi nhuận trước thuế cốt lõi có thể giảm 25% đạt 978 tỷ đồng do thiếu hụt sản lượng xếp dỡ từ Nam Hải Đình Vũ, cùng với chi phí tài chính và chi phí khấu hao tăng cao.

SSI ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2024 sẽ đạt 1.358 tỷ đồng (giảm 51%, nhưng lợi nhuận cốt lõi tăng 39%). Dựa trên dự báo mới, SSI điều chỉnh giá mục tiêu 1 năm lên 61.500 đồng/cổ phiếu (từ 57.400 đồng/cổ phiếu), tương ứng với mức tiềm năng tăng giá là 25% và khuyến nghị mua đối với cổ phiếu.

SSI ưa thích GMD bởi công ty có vị thế vững chắc trong ngành logistics cũng như mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Trong ngắn hạn, SSI kỳ vọng khoản lãi bất thường từ việc bán cảng Nam Hải Đình Vũ có thể được ghi nhận trong nửa đầu năm 2023 và hỗ trợ giá cổ phiếu. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận có thể chậm lại trong nửa cuối năm 2023 để phản ánh những khó khăn hiện tại.

VIB: PHS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 31.000 đồng/cổ phiếu

Kết thúc năm 2022, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) ghi nhận sự tăng trưởng chậm lại với thu nhập lãi thuần, tăng 26,6% so với cùng kỳ, lên 14.963 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi của ngân hàng chỉ tăng nhẹ 0,7% so với cùng kỳ, lên 3.095 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của VIB tăng trưởng 32,1% so với cùng kỳ, lên 8.469 tỷ đồng. NIM cải thiện 35 điểm cơ bản so với cuối năm 2021, lên 4,77%, top 4 ngân hàng có NIM cao nhất toàn ngành.

Tỷ lệ nợ xấu của VIB đạt 1.8% vào cuối năm 2022. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VIB đạt 53,9%, cải thiện so với mức 51,4% vào cuối năm 2021.

Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (HoSE: PHS), VIB là ngân hàng dẫn đầu tăng trưởng nhờ mở rộng các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Cho vay mua ô tô của VIB dẫn đầu thị trường với thị phần 13% toàn thị trường, trong khi mảng cho vay mua nhà có tăng trưởng cao nhất thị trường (45% vào năm 2018, 46% vào năm 2019, 41% vào năm 2020, 25% vào năm 2021, 29% vào năm 2022).

Do đó, tăng trưởng tín dụng của VIB đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, với CAGR 23% trong giai đoạn 2018-2022. Khả năng cải thiện NIM được hỗ trợ bởi chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ và ngân hàng số. NIM của VIB tăng từ 2,9% vào năm 2016 lên 4,77% vào năm 2022, thuộc top những ngân hàng có NIM cao nhất.

Theo PHS, lãi suất cao sẽ tác động đến nhu cầu tiêu dùng trong năm 2023. Với tỷ trọng bán lẻ chiếm 90% dư nợ cho vay, VIB nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nhu cầu nội địa. Dù vậy, PHS kỳ vọng bức tranh tín dụng bán lẻ sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm 2023 nhờ lạm phát và lãi suất hạ nhiệt.

Do đó, PHS ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2023 của VIB sẽ đạt 16,2% so với cùng kỳ. Dựa trên kỳ vọng FED tiếp tục tăng lãi suất cơ bản lên 5 - 5,25% trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ khó duy trì thanh khoản ở trạng thái quá dồi dào và lãi suất liên ngân hàng sẽ khó giảm sâu.

Qua đó, PHS ước tính NIM của VIB sẽ thu hẹp 9 điểm cơ bản còn 4,68%. Tình hình kinh tế kém khả quan hơn vào năm 2023 cũng sẽ làm gia tăng rủi ro tín dụng mà các ngân hàng phải đối mặt. PHS ước tính tỷ lệ nợ xấu của VIB đạt 2,88% vào năm 2023.

Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, PHS xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu VIB là 31.000 đồng/cổ phiếu, khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.

Hải Đường

Theo VietnamFinance