Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (9/11): HAH, BMI và HSG
Ở mức giá hiện tại, HAH đang giao dịch ở P/E năm 2022 và 2023 lần lượt là 2,7 lần và 3,2 lần, và P/B năm 2022 và 2023 lần lượt là 0,87 lần và 0,7 lần. SSI khuyến nghị trung lập với cổ phiếu HAH, giá mục tiêu 38.500 đồng/cổ phiếu.
HAH: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 38.500 đồng/cổ phiếu
Trong quý III/2022, Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lần lượt là 779 tỷ đồng (tăng 64% so với cùng kỳ) và 218 tỷ đồng (tăng 135% so với cùng kỳ).
Mặc dù tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn mạnh mẽ, nhưng kết quả kinh doanh quý III thấp hơn so với quý II, cụ thể doanh thu và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lần lượt giảm 16% và 9% theo quý.
Tỷ suất lợi nhuận ròng cải thiện lên 28% trong quý III/2022, so với mức 19,5% trong quý III/2021 và 25,8% trong quý II/2022. Lũy kế, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 658 tỷ đồng (tăng 172% so với cùng kỳ), hoàn thành 120% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Sản lượng hàng hóa bốc dỡ tại cảng giảm nhẹ 6,5% so với cùng kỳ, tuy nhiên doanh thu của mảng này vẫn sẽ ổn định so với cùng kỳ do tỷ lệ doanh thu/TEU cao hơn.
Tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng tiếp tục cải thiện lên 46% trong quý III/2022 so với 41,7% trong quý III/2021, dẫn đến lợi nhuận gộp tăng 11%.
Sản lượng vận tải giảm 20% so với cùng kỳ do HAH triển khai năm tàu vận chuyển nội địa so với sáu tàu trong quý III/2021. Tuy nhiên, doanh thu tăng 64,7% so với cùng kỳ nhờ giá cước vận tải tăng và doanh thu cho thuê tàu tăng (4 hợp đồng với doanh thu ngày là 120 nghìn USD trong quý III/2022, so với 2 hợp đồng với doanh thu ngày là 33 nghìn USD trong quý III/2021).
Lợi nhuận gộp của mảng hoạt động này tăng 233% theo năm nhưng giảm 18,7% theo quý do giá cước giảm 10-15% so với mức đỉnh.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, thị trường vận tải quốc tế có khả năng chạm đáy vào năm 2024. Vì phần lớn đơn hàng đóng mới tàu sẽ được giao vào năm 2023 và 2024 (tương ứng là 9,7% và 11,3% công suất năm 2021), giá cước vận tải có thể sẽ vẫn chịu áp lực cho đến năm 2024.
SSI kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục trờ lại khi nhu cầu vận tải tăng lên, dự kiến vào nửa cuối năm 2023 hoặc năm 2024 khi thương mại toàn cầu phục hồi.
SSI cho rằng nguồn cung trong nước sẽ tăng vào năm 2023. Đến nay, thị trường nội địa vẫn duy trì khá tốt so với thị trường quốc tế, do nguồn cung vẫn hạn chế (50% công suất trong nước hiện đang bị ràng buộc trong các hợp đồng thuê tàu).
Đối với năm 2023, SSI cho rằng một số lượng lớn tàu sẽ quay trở lại thị trường nội địa, vì việc gia hạn hợp đồng thuê tàu sẽ khó khăn hơn. Do đó, nguồn cung tăng có thể gây áp lực lên giá cước và công ty chứng khoán này ước tính giá cước trung bình sẽ giảm 30% vào năm 2023.
Khi thị trường trong nước trở nên cạnh tranh hơn, SSI cho rằng HAH sẽ tăng tỷ trọng tàu cho thuê so với tàu tự vận hành, đây là một thay đổi so với chiến lược cân bằng trước đây của công ty. SSI kỳ vọng HAH sẽ duy trì hoạt động tự vận hành tối đa 4-5 tàu, trong khi số còn lại sẽ được cho thuê. So với các hãng tàu khác trong nước, đội tàu của HAH vẫn có một số lợi thế với kích cỡ tàu lớn hơn và tuổi tàu trẻ hơn (đặc biệt là bốn tàu đóng mới).
Tuy nhiên, giá thuê tàu có thể thấp hơn nhiều so với các hợp đồng trước đó được ký trong giai đoạn 2021-2022. Tăng trưởng sản lượng vận tải nội địa có thể giảm tốc do lượng tàu giảm và chúng tôi dự báo kịch bản sản lượng đi ngang cho năm 2023.
Với các giả định trên, SSI ước tính lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ có thể đạt 855 tỷ đồng (tăng 92% so với cùng kỳ) vào năm 2022 và 705 tỷ đồng (giảm 17,5% so với cùng kỳ) vào năm 2023.
Ở mức giá hiện tại, HAH đang giao dịch ở P/E năm 2022 và 2023 lần lượt là 2,7 lần và 3,2 lần, và P/B năm 2022 và 2023 lần lượt là 0,87 lần và 0,7 lần.
Trong ngắn hạn, SSI kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ có thể duy trì ở mức cao 200 tỷ đồng trong quý IV/2022. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận theo năm sẽ giảm tốc đáng kể từ quý IV/2022 do mức so sánh cao của năm ngoái.
SSI khuyến nghị trung lập với cổ phiếu HAH, giá mục tiêu 38.500 đồng/cổ phiếu.
BMI: MBS khuyến nghị mua với giá 29.000 đồng/cổ phiếu
Trong 9 tháng năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm của BMI đạt 4.111 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 3,961 tỷ đồng, doanh thu nhận tái bảo hiểm đạt gần 443.6 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 25% và gần 13% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế tăng 19% so với cùng kỳ với 223 tỷ đồng.
Sau quý 2 bị MIC chiếm mất vị trí thứ 4 mảng thị phần, trong quý III/2022, BMI có sự tăng trưởng đáng kể khi tăng 47% doanh thu phí bảo hiểm gốc so với cùng kỳ.
BMI cũng là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong quý này so với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ khác (ước tính này không bao gồm BVH do gồm cả 2 mảng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ).
Tính đến ngày 30/6/2022, BMI đang dẫn đầu trong mảng bảo hiểm con người (ước tính không bao gồm PVI và BVH). Ngoài ra, BMI cũng đang cạnh tranh vị trí thứ 2 thị phần mảng bảo hiểm xe cơ giới với PGI.
Theo VCBS, BMI đã từng đứng thứ ba trên thị trường sau Bảo Việt và bảo hiểm Dầu khí (PVI) trong giai đoạn 2015- 2017. Với bề dày kinh nghiệm lâu năm, thương hiệu uy tín được xây dựng trong nhiều năm và mạng lưới phân phối phủ khắp các nước (62 công ty trực thuộc và hơn 3,700 đại lý bán bảo hiểm chuyên nghiệp) là lợi thế của BMI trong cuộc chiến giành lại thị phần.
Ngoài ra, dù mức độ cạnh tranh tăng lên, với lợi thế trên thị phần của BMI sẽ vẫn duy trì ổn định quanh mức 7%. BMI muốn chú trọng vào các sản phẩm bảo hiểm về con người và xe cơ giới. Nhóm này được tập trung phát triển và phấn đấu tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của thị trường.
Đại lý, môi giới và bancassurance vẫn đang là các kênh phân phối truyền thống được chú trọng. Tuy nhiên, mảng bảo hiểm này cũng đang là mảnh đất màu mỡ với các doanh nghiệp bảo hiểm khác như PVI, PTI hay BIC. Để thực hiện kế hoạch lâu dài, Bảo Minh còn nhấn mạnh vào việc tái cấu trúc và tăng cường nguồn lực nội bộ.
BMI đã thông qua kế hoạch nới room ngoại lên 100% nhằm mở đường cho việc thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Nếu nguồn vốn của BMI được chuyển nhượng thành công cho nhà đầu tư ngoại, BMI sẽ có tiềm năng được đánh giá lại trong ngắn hạn. Với việc có khối tư nhân ngoại nắm quyền chi phối, BMI được kỳ vọng có sự cải thiện về khâu quản lý điều hành và hiệu quả hoạt động tốt hơn.
Nhìn chung, với hiệu quả kinh doanh chưa quá nổi bật từ năm 2017 trở lại đây cũng như hoạt động đầu tư chưa đem lại hiệu quả vượt trội trong nhiều năm.
Đây là mức tương đối hợp lý cho các doanh nghiệp bảo hiểm và không có nhiều tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn nếu không có các yếu tố thông tin hỗ trợ như cổ đông lớn thoái vốn, bán chiến lược hoặc nới room tín dụng 100%.
BMI đang giao dịch với P/E tương đối thấp hơn so với các doanh nghiệp khác trong ngành. Theo dự phóng, P/E của 2022 sẽ giảm còn 9,19. P/B của 2022 ước tính cũng giảm về mức 0,93 lần. Với mức giá kỳ vọng, P/B forward của BMI tương đương với mức 1,1.
MBS khuyến nghị mua BMI với giá mục tiêu 29.000 đồng/cổ phiếu.
HSG: VCBS khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 10.300 đồng/cổ phiếu
Kết thúc 9 tháng năm 2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng nhẹ với hơn 49.710 tỷ đồng (31% so với cùng kỳ) và lỗ sau thuế 388 tỷ đồng (so với 3.741 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2021). Tính riêng quý III/2022, HSG ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.939 tỷ đồng (giảm 49,7% so với cùng kỳ) và lỗ 887 tỷ đồng.
Kết quả doanh thu tăng trưởng chủ yếu từ mức giá bán trung bình cao hơn so với 9 tháng năm 2021 khi giá HRC neo cao trong khi sản lượng tiêu thụ giảm mạnh.
Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại cho thấy con số kém khả quan khi doanh nghiệp tích trữ lượng lớn hàng tồn kho giá cao trong khi giá bán có đà giảm mạnh.
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ 9 tháng năm 2022 giảm mạnh do nhu cầu sụt giảm cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Sản lượng tiêu thụ tôn mạ của HSG trong 9 tháng năm 2022 đạt 941.697 tấn (giảm 33,6% so với cùng kỳ), ống thép đạt 250.100 tấn (giảm 25% so với cùng kỳ).
Trong đó, xuất khẩu tôn mạ đạt 506,731 tấn (giảm 43% so với cùng kỳ), ống thép đạt 15.277 tấn (giảm 49% so với cùng kỳ). Tiêu thụ nội địa tôn mạ đạt 434.966 tấn (giảm 18% so với cùng kỳ), ống thép đạt 234,823 tấn (giảm 23% so với cùng kỳ).
Có thể thấy rằng sự sụt giảm của thị trường xuất khẩu rất lớn tới từ nhu cầu tại EU và Mỹ giảm mạnh.
Biên lãi gộp của HSG giảm mạnh trong bối cảnh giá HRC lao dốc. Lợi nhuận gộp trong 9 tháng năm 2022 của HSG đạt 8,5%, con số này giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc HSG đã nhập phần lớn hàng tồn kho giá cao trong quý I và quý II/2022.
Hệ quả là HSG đã phải trích lập 603 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho trong quý III/2022, dẫn tới lỗ lợi nhuận gộp 231 tỷ đồng; phải sản xuất lượng lớn hàng tồn kho giá cao đã nhập trong quý I và quý II/2022.
Giá bán trung bình trong quý III/2022 của HSG là 25,32 triệu đồng/tấn trong khi đó chi phí sản xuất trung bình là 26 triệu đồng/tấn, cao hơn 1,5 triệu đồng/tấn so với trung bình 4 quý gần nhất.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá bức tranh triển vọng kinh doanh của HSG thời điểm cuối năm 2022 và nửa đầu 2023 kém tích cực như đã nhận định trong báo cáo ngành thép gần nhất.
Về thị trường xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép sụt giảm mạnh trên toàn cầu do bối cảnh suy thoái kinh tế tiếp tục đe dọa tới khả năng bán hàng của HSG trong thời gian tới, đơn hàng đặt tại một số quốc gia gần như không còn.
Theo chia sẻ, HSG và một số công ty trong ngành đã phải dừng một số nhà máy để giảm áp lực tồn kho.
Về giá bán và tính hiệu quả, hiện nay theo ước tính của VCBS, lượng hàng tồn kho giá cao của HSG hiện tại vẫn cần 1-2 quý để giải phóng từ đó gây áp lực tới biên lợi nhuận.
Trong khi đó, sự hiệu quả của thị trường xuất khẩu là không nhiều do giá bán sụt giảm mạnh trên thế giới. Hiện nay giá thép bán trong nước đang cao hơn thế giới từ 2-3 triệu đồng/Tấn vì vậy việc xuất khẩu sẽ kém hấp dẫn hơn bán ở nội địa.
Theo VCBS, năm 2022 là năm khó khăn cho ngành thép nói chung và HSG nói riêng khi sản lượng tiêu thụ chịu áp lực giảm do nhu cầu tiêu thụ tại thị trường xuất khẩu và nội địa yếu và chi phí đầu vào tăng cao.
Nhìn chung, kết quả kinh doanh trong các quý tới sẽ tiếp tục kém khả quan khi các doanh nghiệp phải giải phóng lượng lớn tồn kho và triển vọng tiêu thụ kém tích cực.
Do đó, VCBS dự báo doanh thu thuần trong năm 2022 đạt 40.126 tỷ đồng (giảm 29% so với cùng kỳ) và lỗ sau thuế 824 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh kỳ vọng sẽ tốt hơn trong nửa cuối năm 2023 khi tình hình tiêu thụ có thể có biến chuyển tốt hơn khi nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường lớn trở lại và giá thép có xu hướng ổn định hơn.
VCBS ước tính giá trị hợp lý của HSG là 10.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng với EPS dự phóng năm 2023 là 1.290 đồng/cổ phiếu. Công ty chứng khoán này khuyến nghị trung lập với cổ phiếu HSG.