Cổ phiếu LCM bị hủy niêm yết khỏi HOSE do có ý kiến ngoại trừ 3 năm

Báo cáo kiểm toán năm 2019, 2020, 2021 của LCM đều có ý kiến ngoại trừ của công ty kiểm toán nên HOSE sẽ thực hiện hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu LCM.

 

Hàng tồn kho "trên giấy" khiến cổ phiếu LCM bị hủy niêm yết do có ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp của kiểm toán.
Hàng tồn kho "trên giấy" khiến cổ phiếu LCM bị hủy niêm yết do có ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp của kiểm toán.

Ngày 11/7/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhận được báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của LCM và có ý kiến ngoại trừ của công ty kiểm toán. Như vậy, LCM có báo cáo tài chính kiểm toán đều có ý kiến ngoại trừ trong 3 năm liên tiếp.

Căn cứ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020: “1. Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau: …h) Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp”.

Báo cáo tài chính 2021 của LCM được thực hiện kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam (AFC) có hai ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Đó là, AFC không tham dự chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho của LCM tại thời điểm 31/12/2021 do đơn vị kiểm toán được bổ nhiệm làm kiểm toán sau ngày này. Theo đó, AFC không thu thập đầy đủ bằng chứng về tính hiện hữu và giá trị của khoản mục hàng tồn kho trị giá gần 20 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, LCM có các khoản phải thu về cho vay với số tiền 62 tỷ đồng nhưng AFC không thể đánh giá được tính hiện hữu, đầy đủ của các khoản phải thu về cho vay này. Như vậy, hai khoản mục bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ trị giá gần 82 tỷ đồng, chiếm 32,6% tổng tài sản của công ty.

Được biết, vấn đề hàng tồn kho được Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt (Vietland) đưa ra ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính kiểm toán 2019 và 2020. Hàng tồn kho này xuất phát tại công ty con Công ty TNHH Gia Long Hòa Bình đầu tư vào dự án khai thác vàng chưa đi vào hoạt động và đang thua lỗ chưa xác định được khả năng thu hồi.

Tổng Giám đốc LCM Nguyễn Đức Thắng cho rằng, tại thời điểm kiểm kê hàng tồn kho và tiền mặt của Công ty TNHH Gia Long Hòa Bình do ảnh hưởng của mưa bão, nên đoàn kiểm toán không thể cùng đơn vị có mặt tại nhà máy tuyển quặng đa kim để tham gia chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho. Sau khi hết mưa bão việc tham gia chứng kiến kiểm kê của kiểm toán cho mục đích lập và kiểm toán báo cáo soát xét bán niên năm 2022 là hoàn toàn khả thi.

Còn về khoản thu về cho vay trị giá 62 tỷ đồng gồm 6 cá nhân, các khoản cho vay này không tài sản đảm bảo, lãi suất cố định theo từng lần cho vay với mức lãi suất từ 4-6%/năm. Vay ngắn hạn có Nguyễn Thị Thu Hiền (trị giá 10 tỷ đồng). Vay dài hạn có Nguyễn Thị Hoàng Thảo (10 tỷ đồng), Nguyễn Thị Tuyến (6,5 tỷ đồng), Phạm Thị Hương (7 tỷ đồng), Nguyễn Tiến Thịnh (10 tỷ đồng), Nguyễn Văn Phong (18,5 tỷ đồng).

Tổng Giám đốc LCM Nguyễn Đức Thắng giải trình, LCM sẽ thu hồi và cho các cá nhân, tổ chức vay bằng việc thế chấp tài sản, để đảm bảo việc thanh toán ít rủi ro nhất có thể. Theo đó, hai ý kiến ngoại trừ về vấn đề này sẽ không còn trong báo cáo tài chính kiểm toán tiếp theo của công ty.

Trong năm 2021, LCM chỉ đạt doanh thu gần 10 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 2 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tới thời điểm 31/12/2021 là gần 34 tỷ đồng.

Cổ phiếu LCM được niêm yết tại HOSE và có phiên giao dịch đầu tiên vào 16/9/2011. Hiện nay, cổ phiếu LCM bị đưa vào diện hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch phiên chiều) từ 25/5/2022 do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với quy định.

Đóng cửa ngày 13/7/2022, cổ phiếu LCM đạt 3.280 đồng/cổ phiếu, giảm 74% so với đỉnh của năm 2022 và giảm 92% so với đỉnh cao nhất trong lịch sử được thiết lập trong năm 2011.

Nguyễn Như

Theo Chất lượng và cuộc sống