Simco Sông Đà âm thầm cho lãnh đạo công ty vay tiền, cổ phiếu SDA vẫn trượt dốc chưa dừng

UBCKNN vừa ra quyết định phạt Simco Sông Đà do đã cho lãnh đạo công ty vay tiền mà không được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Ngày 7/7 vừa qua UBCKNN đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Simco Sông Đà tổng số tiền 185 triệu đồng với các vi phạm về việc công bố thông tin không dầy đủ các nội dung liên quan chức vụ, mối quan hệ liên quan với công ty, đến các thông tin về giao dịch vay ngắn hạn của lãnh đạo công ty và các khoản trả nợ vay.

Âm thầm cho Thành viên HĐQT vay 16 tỷ đồng?

Trong số các hành vi vi phạm, có khoản phạt 125 triệu đồng do Simco Sông Đà đã vi phạm quy định giao dịch với người quản lý doanh nghiệp. Cụ thể, BCTC bán niên năm 2021 đã soát xét ghi nhận công ty có cho vay ngắn hạn đối với ông Vũ Đức Quân – Thành viên HĐQT – số tiền hơn 16 tỷ đồng. Tuy nhiên giao dịch này chưa được Đại hội đồng cổ đông công ty thông qua.

Các khoản vay ngắn hạn liên quan bà Nguyễn Thị Minh Thu – Phó TGĐ, đến bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc – Chủ tịch HĐQT công ty – cũng không được công bố thông tin đầy đủ.

Simco Sông Đà âm thầm cho lãnh đạo công ty vay tiền, cổ phiếu SDA vẫn trượt dốc chưa dừng - Ảnh 1

Mang tiền cho các lãnh đạo công ty vay liên tục, trong khi chính bản thân Simco Sông Đà vẫn còn đi vay tiền để hoạt động. Số liệu trên BCTC soát xét bán niên 2021 ghi nhận tổng tài sản công ty tính đến 30/6/2021 đạt hơn 365 tỷ đồng. Tổng nợ phát trả 172 tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 5 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 20 tỷ đồng.

Về tài sản, Simco Sông Đà còn khoản tiền gửi ngân hàng 5,6 tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng. Tiền và các khoản tương đương tiền chưa đến 1 tỷ đồng.

Các khoản phát thu ngắn hạn hơn 100 tỷ đồng thì có hơn 21 tỷ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn và gần 69 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác và hơn 22 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khách hàng. Tổng doanh thu tài chính đạt được trong kỳ hơn 190 triệu đồng.

Trong hơn 22 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khách hàng đã có 3 khoản liên quan đến chuyển nhượng cổ phần (hơn 14 tỷ đồng) đã phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 4,5 tỷ đồng – các khoản này cũng đã bị Simco Sông Đà đưa vào thành nợ xấu. Trong các khoản phải thu về cho vay ngắn hạn hơn 21 tỷ đồng, có phát sinh khoản cho vay ngắn hạn hơn 16 tỷ đồng với ông Vũ Đức Quân được nhắc đến trong quyết định phạt của UBCKNN nói trên. Theo giải trình, đây là khoản Simco Sông Đà cho ông Vũ Đức Quân vay ngày 30/6/2021 có thời hạn 12 tháng với lãi suất 8%/năm. Còn trong các khoản phải thu khác vẫn có những khoản như “tạm ứng” hay “chi hộ tiền vé máy bay”. Tổng “nợ xấu” gần 25 tỷ đồng tính đến 30/6/2021.

Trong khi vẫn nợ cổ tức cổ đông hơn chục năm

Dù có tiền cho lãnh đạo công ty “vay”, nhưng Simco Sông Đà vẫn “chây ì” khoản nợ cổ tức năm 2011 và 2013 tổng hơn 17 tỷ đồng của cổ đông đến 30/6/2021, mà nguyên nhân đưa ra là do công ty đã sử dụng nguồn tiền thanh toán cổ tức này đầu tư vào dự án khai thác chế biến đá marble tại Myanmar. Dự án này đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 nhưng gặp khó khăn nên chưa thu hồi vốn đầu tư được để có tiền trả cổ tức cho cổ đông.

BCTC quý 1/2022 của Simco Sông Đà thể hiện khoản cho vay đối với ông Vũ Đức Quân vẫn duy trì số dư hơn 16 tỷ đồng đến 31/3/2022. Khoản tiền “chi hộ vé máy bay” vẫn chưa được hoàn lại hết.

“Nỗi đau” của nhà đầu tư vào cổ phiếu “hình cây thông”

Trên thị trường, cổ phiếu SDA của Simco Sông Đà còn để lại nhiều nỗi đau lớn với nhiều nhà đầu tư bởi SDA đang được nhắc đến là một trong những cổ phiếu có đồ thị “hình cây thông” thời gian vừa qua. Từ mức giá dưới 5.000 đồng/cổ phiếu (tính đến 31/8/2021), SDA bắt đầu đà tăng mạnh, đặc biệt từ cuối tháng 9/2021 và lên 1 mạch, gấp 14 lần chỉ gần 2 tháng sau đó, lên trên 70.000 đồng/cổ phiếu, đánh đấu bằng nhiều chuỗi tăng trần.

Cổ phiếu SDA tăng sốc mà không một lý do cụ thể nào, bởi kết quả kinh doanh của Simco Sông Đà vẫn không hề được cải thiện. Quý 3/2021 ghi nhận doanh thu đi ngang, đạt xấp xỉ 6 tỷ đồng và lãi sau thuế cũng chỉ chưa đến 1 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 235 triệu đồng). Còn quý 4/2021 vẫn ghi nhận doanh thu tăng vọt hơn gấp đôi lên trên 23 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt hơn 16 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 1 tỷ đồng. Tuy vậy trong số lãi quý 4, có doanh thu tài chính hơn 4 tỷ đồng. Giải trình việc chuyển từ lỗ sang lãi này Simco Sông Đà cũng cho biết do công ty đã thu hồi được các khoản công nợ qúa hạn, đồng thời hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi.

Tăng sốc không có nhiều lý do, thì khi giảm cũng rất sâu, nhịp điều chỉnh đầu tiên đến giữa tháng 1/2022 SDA đã về dưới 20.000 đồng/cổ phiếu trước khi tạo “sóng” thứ 2, lên trên 42.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 3/2022. Hiện tại SDA lại “trượt dốc” tiếp theo, về sâu dưới 13.000 đồng/cổ phiếu.

Simco Sông Đà âm thầm cho lãnh đạo công ty vay tiền, cổ phiếu SDA vẫn trượt dốc chưa dừng - Ảnh 2

Lấy “nước mắt” nhà đầu tư bởi không chỉ 1 mà đến 2 sóng lớn liên tiếp, SDA trở thành cổ phiếu được nhắc đến trong nhiều các nhóm chứng khoán, như “Nhóm Ngô Nam” mới được biết đến, hay các nhóm chứng khoán khác. Nhà đầu tư “đu đỉnh” chỉ đành ngậm ngùi nhìn tài khoản bốc hơi.

Cũng thời điểm cuối năm 2021, khi những "nhóm chứng khoán" được hình thành với các chiêu bài kêu gọi nhà đầu tư vào những "món quà của thượng đế", các nhà đầu tư non gan đã không thể đứng ngoài cuộc chơi, thi nhau "đu đỉnh" với hiệu ứng tâm lý sợ bị bỏ lỡ để rồi không thể "thoát hàng" khi cổ phiếu lao dốc. 

Mới đây nhất, cuối tháng 6/2021 SDA tiếp tục có chuỗi 5 phiên giảm sàn liên tiếp từ 15/6 đến 21/6/2022, đưa giá cổ phiếu về dưới 11.000 đồng/cổ phiếu. Giải trình nguyên nhân, lãnh đạo Simco Sông Đà cho rằng sự sụt giảm liên tục trên thị trường chứng khoán toàn cầu do bất ổn về chính trị trên thế giới tác động. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng bị giảm mạnh một thời gian qua do nguyên nhân cả từ thị trường thế giới và trong nước khi dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản đang có xu hướng bị siết lại. Hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường.

Thủy Trúc

Theo Chất lượng và cuộc sống