Cổ phiếu ngân hàng giảm sâu, sếp lớn chi cả trăm tỷ để bắt đáy
Trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh 30% -60% kể từ đầu năm, một loạt lãnh đạo nhà băng VIB, HDBank, Techcombank dự kiến chi cả trăm tỷ để đỡ giá cổ phiếu.
Trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng đã giảm 40-50% so với đầu năm, nhiều lãnh đạo ngân hàng đã đăng ký mua vào cổ phiếu để bắt đáy.
Điển hình tại ngân hàng VIB, ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối dịch vụ công nghệ ngân hàng, vừa đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu.
Hiện tại, ông Minh đang nắm giữ trực tiếp gần 2,85 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 0,135% vốn ngân hàng. Nếu hoàn tất giao dịch kể trên, ông sẽ nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên gần 4,85 triệu đơn vị, tương đương 0,23% vốn. Các giao dịch mua sẽ được thực hiện thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trong thời gian từ 21/11 đến 20/12.
Hiện tại, thị giá VIB được giao dịch ở mức 18.450 đồng/cổ phiếu (cuối ngày 17/11), tạm tính theo mức giá này, Phó tổng giám đốc Trần Nhật Minh sẽ phải chi khoảng hơn 36 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch mua nói trên.
Ngoài ra, ông Hồ Vân Long, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Ban dịch vụ tài chính VIB, cũng mới đăng ký mua vào 1,5 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 18/11 đến 17/12, với mục đích cơ cấu tài chính cá nhân. Hiện ông Long nắm giữ hơn 9,18 triệu cổ phiếu VIB (0,436%).
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 17/11/2022, thị giá cổ phiếu VIB giao dịch ở mức 18.450 đồng/cổ phiếu, giảm 49% so với thời điểm đầu năm.
Trước đó tại Techcombank, ông Phan Thanh Sơn – Phó Tổng Giám đốc cũng đã đăng ký mua 200.000 cổ phiếu TCB từ 31/10 – 23/11/2022. Mục đích thực hiện giao dịch là do nhu cầu tài chính cá nhân. Nếu giao dịch thành công, số lượng cổ phiếu nắm giữ của ông Sơn dự kiến nâng lên 2,34 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,0667%.
Tương tự như cổ phiếu ngân hàng VIB, cổ phiếu TCB cũng giảm hơn 50% kể từ đầu năm đến nay. Giá giao dịch cổ phiếu TCB ngày 17/11/2022 là 22.950 đồng/cp cũng đang ở vùng giá thấp nhất kể từ tháng 10/2020.
Tại HDBank, ông Nguyễn Hữu Đặng, Phó chủ tịch HĐQT, đồng thời là cổ đông nắm giữ gần 69,6 triệu cổ phiếu HDB (2,75%), đã đăng ký mua thêm 500.000 cổ phiếu mới với mục đích đầu tư.
Giao dịch diễn ra từ ngày 15/11 đến 14/12, thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Sau giao dịch, ông Đặng sẽ nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên gần 70,1 triệu đơn vị, tương đương 2,77% vốn ngân hàng.
Cũng với mục đích đầu tư, ông Đào Duy Tường, Trưởng ban kiểm soát HDBank cũng đã đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu HDB trong khoảng thời gian từ 15/12/2022 đến 13/1/2023. Hiện tại, ông Tường đang nắm giữ hơn 68,8 triệu cổ phiếu HDB (2,72%).
Kết phiên giao dịch ngày 17/11, thị giá cổ phiếu HDB dừng ở mức 15.300 đồng/cổ phiếu, giảm khoảng 40% từ đầu năm và cũng đang ở vùng giá thấp nhất kể từ tháng 1/2021.
Thực tế, không chỉ những lãnh đạo ngân hàng là đối tượng duy nhất muốn bắt đáy cổ phiếu đợt này. Trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng đã giảm mạnh từ đầu năm, các cổ đông tổ chức cũng chi mạnh tiền để bắt đáy.
Đơn cử tại TPBank, cổ đông tổ chức SBI Ven Holdings cũng đang tranh thủ mua gom cổ phiếu TPB khi thị giá đã giảm hơn 50% so với đầu năm.
Theo đó, SBI Ven Holdings - cổ đông sở hữu 71,1 triệu cổ phiếu TPB (4,%) - đã đăng ký mua vào 221.678 cổ phiếu mới với mục đích cơ cấu danh mục, thời gian thực hiện dự kiến từ 7/11 đến 6/12.
Về cổ phiếu TPB, kết thúc phiên giao dịch ngày 17/11/2022 dừng ở mức 20.850 đồng/cổ phiếu, giảm tới 50% so với thời điểm đầu năm.
Theo các chuyên gia, đây là thời điểm khi các thông tin tốt xuất hiện kết hợp với việc mặt bằng giá đã ở mức thấp thì lực cầu sẽ xuất hiện để đẩy cổ phiếu ngành ngân hàng hồi phục. Tuy nhiên, để đánh giá về triển vọng của cổ phiếu ngân hàng dài hạn hơn, ẩn số lớn nhất bây giờ vẫn liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bởi khối lượng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ tập trung chủ yếu từ tháng 12 năm nay đến 2023 và 2024.
Tại chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế và Chiến lược CTCP Chứng khoán KBSV cho rằng việc kết quả kinh doanh quý III của các ngân hàng tốt đã nằm trong phân tích dự báo bởi những lo ngại về tác động đến hoạt động ngành ngân hàng từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay lãi suất huy động tăng ảnh hưởng tới NIM sẽ bắt đầu phản ánh vào quý IV hoặc sang năm 2023.
Theo ông Đức Anh, thời điểm hiện tại, cổ phiếu ngân hàng đang có xu hướng hồi phục tương đối tốt. Điều này xuất phát từ hai yếu tố. Thứ nhất là thị giá đã giảm, nhiều ngân hàng P/B đã loanh quanh 1, thậm chí còn xuống dưới 1. Thứ hai là kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng lên đến 30%-40% so với cùng kỳ.