Cổ phiếu ngân hàng nhập cuộc, xua tan nghi ngại về đà tăng của TTCK
Khi dòng tiền đã lan tỏa gần như tất cả các ngành, chỉ số VN-Index đã phục hồi gần trăm điểm từ đáy, có thể thấy rằng đà tăng của thị trường chứng khoán hiện nay không chỉ là hồi phục đơn thuần mà có yếu tố quan trọng dẫn dắt.
Thị trường chứng khoán đang tỏ rõ xu hướng đi lên, nhưng cho đến trước phiên giao dịch 15/5, vẫn còn một số nhà đầu tư nghi ngại khi nhìn vào thanh khoản của thị trường. Tuy nhiên, phiên giao dịch ngày 15/5 cho thấy đã có dấu hiệu “dòng tiền lớn” dần nhập cuộc. Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE trong phiên này đạt trên 19.300 tỷ đồng, gần gấp rưỡi phiên liền trước, cao hơn đáng kể mức trung bình 1 tháng gần nhất (khoảng gần 16.000 tỷ đồng) và đã tiệm cận mức trung bình 3 tháng gần nhất.
Một điểm đáng chú ý nữa là các nhóm ngành khác nhau lần lượt hút dòng tiền và giá cổ phiếu theo đó cũng dâng lên rõ rệt. Như trong phiên 15/5, tiền chảy đột biến vào ngành thép với giá trị giao dịch ngành trong tổng giao dịch toàn thị trường lên mức cao nhất từ cuối tháng 3/2024, khiến giá HPG tăng vọt 3,31%, trong khi HSG và NKG cũng lần lượt có thêm 1,68% và 1,87% giá trị.
Ngành dệt may cũng đón dòng tiền mạnh, khiến các cổ phiếu tăng vọt như: VGT tăng 4,67%, MSH tăng 2,13%, TCM tăn 2,96%, GIL tăng 5,46%, TNG tăng kịch trần. Ngành chứng khoán cũng sôi động hơn khi dòng tiền cũng vào ròng, khiến một số mã tăng kịch trần như FTS, CTS; các mã khác đều giao dịch khả quan.
Nhìn chung, trong nhiều phiên trở lại đây, dòng tiền đã tìm đến hầu hết các nhóm ngành nhưng dường như “bỏ quên” nhóm ngành trụ cột là ngân hàng. Tuy nhiên, phiên giao dịch hôm nay (ngày 16/5) đã chứng kiến điều mà các nhà đầu tư chờ đợi: Tiền chảy mạnh vào cổ phiếu ngân hàng.
Dữ liệu thống kê cho thấy, giá trị giao dịch tại các cổ phiếu ngành ngân hàng trong tổng giao dịch toàn thị trường trong phiên 16/5 đã lên mức cao thứ ba kể từ đầu tháng 4/2024 (chỉ sau phiên 2/4 và phiên 23/4). Kéo theo đó, hầu hết các mã ngân hàng đều tăng mạnh hơn thị trường chung. Gây ấn tượng nhất là LPB tăng kịch trần, kế đó là OCB tăng 4,69%, TCB tăng 3,74%; các mã như BID, CTG, MBB, HDB, VIB, STB, SHB, TPB đều tăng trên 2%.
Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE phiên 16/5 cao hơn phiên trước, đạt trên 20.600 tỷ đồng, nhỉnh hơn một chút so với thanh khoản trung bình 3 tháng gần nhất, một lần nữa cho thấy “dòng tiền lớn” đã nhập cuộc.
Khi dòng tiền đã lan tỏa gần như tất cả các ngành, chỉ số VN-Index đã phục hồi gần trăm điểm từ đáy, có thể thấy rằng đà tăng của thị trường chứng khoán hiện nay không chỉ là hồi phục đơn thuần mà có yếu tố quan trọng dẫn dắt, đó là kỳ vọng vào đà đi lên của lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết với các tín hiệu tích cực như: Lợi nhuận các doanh nghiệp liên tiếp tăng quý thứ 2 liên tiếp (so với quý liền trước), lên mức cao nhất 7 quý; biên lợi nhuận gộp, tỷ lệ lãi vay/dư nợ vay, hệ số thanh toán lãi vay của các doanh nghiệp Phi tài chính đều cải thiện rõ rệt trong quý vừa qua.
Bên cạnh đó là các thông tin hỗ trợ khác như bộ ba luật mới về bất động sản (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai) được đề nghị có hiệu lực sớm từ ngày 1/7/2024, khả năng Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vận hành hệ thống KRX, thêm các bước tiến nâng hạng…
Tất cả các yếu tố trên được đặt trong bối cảnh thuận lợi khi những lo ngại về lạm phát, tỷ giá, lãi suất, chính trị dần hạ nhiệt, từ đó tạo điều kiện cho thị trường tăng nhanh tới mức nhiều nhà đầu tư bị bỏ lại phía sau.
Chính vì đà tăng được dẫn dắt bởi những yếu tố mang tính cốt lõi chứ không phải những yếu tố mang tính “thời vụ” nên các nhà đầu tư có quyền tin rằng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới. Điều đó có nghĩa là cơ hội vẫn còn cho các nhà đầu tư bỏ lỡ sóng tăng vừa qua nhưng tất nhiên, trong bất kỳ thương vụ đầu tư nào, luôn phải “chừa cửa lùi” nếu những rủi ro bất ngờ ập tới, trong đó có khả năng những rủi ro đang hạ nhiệt bỗng chốc "nóng" trở lại.