Cổ phiếu nhóm ngân hàng đồng loạt tăng: Nhà đầu tư cẩn trọng!

Cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng tăng từ đầu năm và vẫn đang tiếp tục tăng nóng có khiến rủi ro thị trường gia tăng?

Thời gian qua, cổ phiếu ngân hàng liên tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Các "game" ở ngân hàng như bán vốn cho đối tác chiến lược, chuẩn bị ký hợp tác bảo hiểm, xuất hiện nhóm cổ đông lớn mới, tăng vốn hay chi trả cổ tức cao đều hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đang lo ngại nhóm cổ phiếu ngân hàng đang tăng quá nóng khiến rủi ro thị trường gia tăng.

Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay, VPB là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất toàn ngành với mức tăng đến 95% (tăng từ 34.200 đồng/cp ngày 4/1/2021 lên 66.700 đồng/cp ngày 24/5/2021).

Đà tăng của VPB đến sau thông tin Ngân hàng này chính thức công bố bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) vào ngày 28/04/2021.

Cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo không thể không nhắc đến SHB. Từ giao dịch quanh mức 6.000 – 6.500 đồng/cp, đến nay (24/5/2021) giá cổ phiếu SHB đã tăng lên mức 29.200 đồng/cp – tương ứng tăng gần 5 lần giai đoạn ông Quang chi tiền để tăng tỷ lệ sở hữu. Tính riêng từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu SHB đã tăng 70%, tức mức 17.200 đồng/cp lên 29.200 đồng/cp.

Còn nhớ, trong phiên cuối tuần ngày 14/5, SHB dẫn đầu đà tăng với mức kịch trần 10% (sàn HNX) lên 28.600 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt hơn 42 nghìn đơn vị, trị giá trên 1.000 tỷ đồng.

Diễn biến cố phiếu SHB từ đầu năm đến nay.  
Diễn biến cố phiếu SHB từ đầu năm đến nay.  
Đáng chú ý, cổ phiếu SSB của SeABank cũng đã tăng 62% so với ngày đầu niêm yết (24/03/2021), chốt phiên 24/5 ở mức 32.600 đồng/cp.

Ngoài ra, cổ phiếu các ngân hàng khác cũng đồng loạt tăng phi mã trong thời gian qua, lần lượt tạo đỉnh cao kể từ khi niêm yết tới nay.

Chẳng hạn, giai đoạn từ 4/1/2021 đến 24/5/2021, cổ phiếu LPB của ngân hàng LienVietPostBank tăng 85% tạo đỉnh 23.400 đồng/cp, cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank tăng 65% đạt mốc 28.900 đồng/cp, cổ phiếu VIB cũng tăng 85% đạt mốc 61.000 đồng/cp, cổ phiếu TCB của ngân hàng Techcombank tăng 54% lên mốc 50.900 đồng/cp,...

Đáng chú ý, cổ phiếu VCB của ngân hàng Vietcombank tuy là cổ phiếu đang có giá cao nhất, nhưng thời gian qua lại không chung "sóng" với các ngân hàng có giá rẻ hơn mà chỉ quanh mốc 100.000 đồng/cp. Chốt phiên giao dịch ngày 24/5, thị giá cổ phiếu VCB đứng ở mức 97.400 đồng/cp. Như vậy, so với mức giá 107.000 đồng/cp vào ngày 7/1/2021, cố phiếu VCB đã giảm 9%.

Diễn biến cố phiếu VCB từ đầu năm đến nay.  
Diễn biến cố phiếu VCB từ đầu năm đến nay.  
Tương tự, sau thời gian tăng phi mã, cổ phiếu BID của ngân hàng BIDV cũng giảm nhẹ so với đầu năm. Từ 4/1/2021 đến 24/5/2021, thị giá BID đã giảm 5% xuống 46.000 đồng/cp .

Thực tế, giá cổ phiếu ngân hàng đã có sự phân hóa nhẹ. Các ngân hàng nhỏ và tầm trung giá cổ phiếu tăng rất mạnh nhưng những ngân hàng có quy mô lớn như VCB, BIDV, MB thì giá cổ phiếu lại tăng trưởng chậm lại, không đáng kể so với đầu năm, thậm chí là giảm.

(**): Giá kết phiên 24/5 so với ngày đầu niêm yết.  
(**): Giá kết phiên 24/5 so với ngày đầu niêm yết.  
Cổ phiếu ngân hàng còn tiếp tục 'tạo sóng'

Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên phải kể tới vấn đề tăng vốn. Nếu quan sát kỹ có thể thấy, khi ngân hàng thông tin tăng vốn từ phía cổ đông hoặc cổ đông nước ngoài, bán cổ phiếu ra để kêu gọi đầu tư vào ngân hàng,... thì lập tức những mã cổ phiếu của ngân hàng đó sẽ có dấu hiệu tăng mạnh. Hơn nữa, kết thúc quý 1/2021, ngành ngân hàng hầu như đều đạt lợi nhuận rất lớn, vượt kỳ vọng của nhà đầu tư.

Trong báo cáo chuyên đề về tăng vốn vừa công bố, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng mùa đại hội cổ đông năm 2021 dần kết thúc nhưng chuyện tăng vốn mới chỉ bắt đầu nóng những ngày gần đây, trong đó có ngành ngân hàng. Do tác động pha loãng lợi nhuận là không đáng kể, tăng vốn có thể là yếu tố nâng đỡ cho vận động giá cổ phiếu ngân hàng từ nay đến cuối năm 2021.

Năm nay, khoảng 16 ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ đáng kể. Cụ thể, vốn điều lệ tại các ngân hàng này theo kế hoạch tăng 82.700 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm việc tăng qua chia tách cổ phiếu; phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu; phát hành cổ phiếu lựa chọn cho nhân viên (ESOP).

Về chia cổ tức, từ năm ngoái đến nay, Ngân hàng Nhà nước thắt chặt việc ngân hàng trả cổ tức tiền mặt. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích trả cổ tức cổ phiếu hoặc dùng nguồn lực để xử lý hết trái phiếu VAMC, trừ các ngân hàng quốc doanh Vietcombank, BIDV, VietinBank được chia cổ tức tiền mặt…

Riêng Techcombank, VPBank, Sacombank không duy trì chính sách trả cổ tức cổ phiếu kể từ 2018, trong khi hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần trả cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao hơn những năm trước.

Tuy nhiên, SSI cho rằng cẩn trọng hơn đối với nhóm ngân hàng do triển vọng tích cực đã phần nào phản ánh vào giá.

Một số chuyên gia cho rằng, bắt đầu từ quý 2 và những quý cuối năm, cổ phiếu nhóm ngân hàng sẽ chững lại hoặc bị điều chỉnh giảm hoặc tăng chậm hơn mức tăng chung của thị trường. Nguyên nhân do ngân hàng sẽ phải áp dụng Thông tư 03 của NHNN được ban hành vào thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4. Do đó, trích lập dự phòng rủi ro sẽ tăng lên, lợi nhuận của các ngân hàng trong 3 quý tới dù vẫn tốt nhưng sẽ không tăng phi mã quý đầu năm.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ