Dòng tiền loạt Ngân hàng bị hao hụt mạnh trong quý đầu năm 2021

Kết thúc quý 1/2021, loạt ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, Nam A Bank, Sacombank,... đều ghi nhận lãi đậm nhưng dòng tiền lại bị hao hụt đáng kể.

Kết thúc quý 1/2021, loạt ngân hàng báo lãi đậm nhưng dòng tiền vào ra lại cho thấy nhiều nhà băng đã bị hao hụt những khoản tiền không nhỏ. 

Dòng tiền thuần của ngân hàng có 3 khoản mục chính là lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính. Thông thường, dòng tiền vào – ra lớn nhất tại các ngân hàng chủ yếu là từ hoạt động kinh doanh, phản ánh tiền thu, tiền chi liên quan đến huy động – cho vay của NHTM như thu lãi, phí cho vay; thu hồi cho vay; chi cho vay; nhận tiền gửi,… Đi cụ thể vào từng ngân hàng, nguyên nhân khiến tiền chảy mạnh ra khỏi nhà băng cũng khá đa dạng.

Tuy là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong hệ thống nhưng dòng tiền tại Vietcombank cũng hao hụt khá nhiều. Ngân hàng này âm đồng thời ở cả 3 khoản mục lưu chuyển tiền thuần từ kinh doanh, đầu tư và tài chính. 

Cụ thể, quý 1/2021, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 57.651 tỷ đồng, (cùng kỳ 2020 còn âm tới 85.493 tỷ đồng). Trong đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 56.849 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 54 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 chỉ âm 33 tỷ đồng) và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm gần 748 tỷ đồng.

Dòng tiền loạt Ngân hàng bị hao hụt mạnh trong quý đầu năm 2021 - Ảnh 1
Dòng tiền loạt Ngân hàng bị hao hụt mạnh trong quý đầu năm 2021 - Ảnh 2
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 tại Vietcombank.  
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 tại Vietcombank.  
Một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền hoạt động kinh doanh tại Vietcombank bị âm do quý 1/2021 tiền gửi của khách hàng âm 6.566 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 5.597 tỷ đồng) trong khi đó cho vay khách hàng lại tăng lên hơn 32.149 tỷ đồng. Trong kỳ, Vietcombank cũng đã chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8% cho cổ đông hiện hữu dẫn đến việc lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính bị âm.

Đáng chú ý, cùng với việc sụt giảm dòng tiền thuần, tổng tài sản của Vietcombank giảm 4% so với đầu năm, chỉ còn gần 1,3 triệu tỷ đồng. 

Ngay cả top 3 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất quý 1/2021 là Techcombank cũng ghi nhận dòng tiền âm.

Cụ thể, quý 1/2021, tổng lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm gần 7.097 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 đạt hơn 3.689 tỷ đồng. Trong đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm hơn 6.954 tỷ (cùng kỳ 2020 dương 3.884 tỷ đồng) chủ yếu do các khoản cho vay khách hàng tăng, lên hơn 18.765 tỷ trong khi tiền gửi của khách hàng chảy vào chỉ tăng lên gần 9.989 tỷ đồng. Đồng thời, Techcombank còn thanh toán khoản công nợ hoạt động hơn 367 tỷ đồng.

Ngoài ra, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm hơn 142.6 tỷ đồng.

Dòng tiền loạt Ngân hàng bị hao hụt mạnh trong quý đầu năm 2021 - Ảnh 3
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 tại Techcombank.  
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 tại Techcombank.  
Trường hợp tại Sacombank, ngân hàng này bị âm đồng thời ở cả 3 khoản mục lưu chuyển tiền thuần từ kinh doanh, đầu tư và tài chính.

Tổng lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại Sacombank bị âm 6.560 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền hoạt động kinh doanh tại Sacombank bị âm hơn 6.473 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 chỉ âm hơn 2.283 tỷ đồng), chủ yếu do các khoản cho vay khách hàng tăng, ghi nhận hơn 16.706 tỷ đồng trong khi tiền gửi của khách hàng chảy vào giảm xuống chỉ còn 3.165 tỷ đồng. 

Hơn nữa, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm hơn 86,7 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 chỉ âm hơn 31 tỷ đồng).

Dòng tiền loạt Ngân hàng bị hao hụt mạnh trong quý đầu năm 2021 - Ảnh 4
Dòng tiền loạt Ngân hàng bị hao hụt mạnh trong quý đầu năm 2021 - Ảnh 5
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 tại Sacombank.  
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 tại Sacombank.  
Tương tự tại Nam A Bank, trong quý 1/2021, tổng lưu chuyển tiền thuần trong kỳ bị âm gần 2.334 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 đạt 959 tỷ đồng). Trong đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm gần 2.338 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 đạt 968 tỷ đồng).

Thực tế, có rất nhiều chỉ tiêu để đánh giá năng lực tài chính của một ngân hàng, trong đó phân tích các chỉ tiêu qua báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một trong những nội dung phân tích quan trọng nhằm đánh giá một cách hiệu quả năng lực tài chính. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư hiểu rõ được giá trị ngân hàng đó.

 

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ