Cổ phiếu Tân Tạo: Lùm xùm, lao dốc và cái kết rớt sàn

Trong những năm gần đây, Tân Tạo liên tục dính lùm xùm, cổ phiếu bị hủy niêm yết. Tuy nhiên, Tân Tạo cũng nhiều lần kêu oan và xin HoSE gỡ cảnh báo.

Không ngớt lùm xùm, cổ phiếu bị hủy niêm yết

Thời gian qua, Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo liên tục bị cơ quan quản lý thị trường chứng khoán nhắc nhở.

Mới đây nhất, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) ngày 17/1 thông báo sẽ hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu ITA của Tân Tạo do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.

Theo HoSE, cổ phiếu ITA đang trong các diện theo dõi vi phạm gồm: diện cảnh báo do tổ chức niêm yết vi phạm công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm; diện kiểm soát do công ty chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 quá 30 ngày so với thời hạn quy định; diện đình chỉ giao dịch do tổ chức niêm yết tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch (cổ phiếu này đã bị đình chỉ giao dịch kể từ ngày 26/9/2024).

Hiện Tân Tạo chưa thực hiện các công bố thông tin: báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, báo cáo thường niên 2023, báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024, quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân TP.HCM.

Trước đó, ngày 16/9/2024, HoSE có văn bản đề nghị Tân Tạo nhanh chóng khắc phục tình hình vi phạm công bố thông tin, trường hợp công ty không khắc phục được, cổ phiếu ITA sẽ rơi vào diện hủy niêm yết bắt buộc.

Căn cứ quy định và ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, HoSE thông báo sẽ thực hiện thủ tục hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu ITA.

Một khu công nghiệp do Tân Tạo đầu tư  
Một khu công nghiệp do Tân Tạo đầu tư  

Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo thành lập năm 1996, tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng - Kinh doanh Cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp tập trung Tân Tạo. Năm 2002, công ty bắt đầu hoạt động theo mô hình cổ phần và năm 2006 chính thức niêm yết trên sàn giao dịch tại HoSE.

Tân Tạo gắn liền với tên tuổi của bà Đặng Thị Hoàng Yến (tên mới Maya Dangelas, quốc tịch Mỹ) và ông Đặng Thành Tâm (em trai bà Yến, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc).

Doanh nghiệp này có bề dày hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, sở hữu quỹ đất lớn, ghi nhiều dấu ấn với các khu công nghiệp như Tân Tạo (TP.HCM), Tân Đức (Long An), Nhơn Hội (Bình Định), Nhơn Trạch (Đồng Nai); dự án Cảng biển nước sâu Nam Du, Trung tâm điện lực Kiên Lương (Kiên Giang)...

Nhưng thời gian qua, Tân Tạo trải qua không ít sóng gió. Từ một doanh nghiệp từng cán mốc doanh thu cả nghìn tỷ đồng, lãi ròng hàng trăm tỷ đồng ở giai đoạn 2008-2010, hoạt động kinh doanh của Tân Tạo dần sa sút, nợ nần.

Vào gần giữa năm 2024, Tân Tạo bị dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu, do nợ thuế.

Cổ phiếu ITA liên tục giảm mạnh trong bối cảnh Tân Tạo dính vào những lùm xùm như bị “cáo buộc phá sản”, “nhầm lẫn” trong việc hạch toán tạm ứng nghìn tỷ đồng cho Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến.

Gần cuối năm 2022, giới đầu tư xôn xao khi báo cáo tài chính bán niên năm 2022 tự lập lần đầu, Tân Tạo ghi chi tạm ứng cho bà Hoàng Yến hơn 1.900 tỷ đồng.

Sau đó, doanh nghiệp này báo rằng đã "hạch toán sai", nên sửa lại thành: khoản phải thu với bà Yến là 633 tỷ đồng. Song đến khi có đơn vị kiểm toán xuất hiện, khoản phải thu với bà Yến bỗng nhiên biến mất.

Chưa kể, theo báo cáo quản trị nửa đầu năm 2022, Tân Tạo giao dịch xấp xỉ 320 tỷ đồng với bà Yến, trong đó có hơn 223 tỷ đồng ủy thác đầu tư. Những khúc mắc trên khiến không ít nhà đầu tư lo ngại.

ITA liên tục rơi vào tình trạng lẹt đẹt, vừa lên đỉnh đã vội đi xuống cũng được cho là do công ty không có nhiều đột phá về kinh doanh cũng như tăng trưởng lợi nhuận. Cùng với đó là những yếu tố như không chia cổ tức (từ 2014 đến nay), 10 năm liền Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến vắng bóng tại các kỳ ĐHĐCĐ, nhiều dự án trì trệ…

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Chủ tịch Hoàng Yến tiếp tục tham gia bằng hình thức trực tuyến từ Mỹ.

Trả lời cổ đông về việc giá cổ phiếu ITA lao dốc mạnh, bà Yến cho biết: "Từ tháng 5/2022, ITA đã bị nhiều thế lực phá hoại nhằm thâu tóm".

ITA được niêm yết trên HoSE vào ngày 15/11/2006 và từng đạt đỉnh cao tại 34.580 đồng/cp.

Tuy nhiên, ITA lần lượt bị đưa vào diện cảnh báo (tháng 8/2022), kiểm soát (tháng 10/2024) và gần nhất là đình chỉ giao dịch từ ngày 26/9/2024. Kể từ đó, giá cổ phiếu ITA giậm chân quanh 2.350 đồng một đơn vị.

Bà Maya Dangelas (tên trước kia là Đặng Thị Hoàng Yến) tại một sự kiện - Ảnh: ITA 
Bà Maya Dangelas (tên trước kia là Đặng Thị Hoàng Yến) tại một sự kiện - Ảnh: ITA 

Theo báo cáo tài chính quý III/2024 chưa kiểm toán, Tân Tạo ghi nhận doanh thu hơn 291 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, giảm 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 15%, đạt 132 tỷ đồng. Công ty hoàn thành khoảng 55% chỉ tiêu doanh thu và 74% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Với kết quả kinh doanh trồi sụt thất thường cùng những lùm xùm chưa có hồi kết của Tân Tạo không chỉ gây “mất điểm” trong mắt nhà đầu tư mà còn cho thấy hành trình tìm lại đỉnh cao của cổ phiếu ITA sẽ là một chặng đường dài gian nan trước mắt.

9 lần "kêu oan"

Trong công văn gửi HoSE ngày 13/1/2025, Tân Tạo cho rằng đã công bố thông tin và khắc phục hết nguyên nhân cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo. Đây là lần thứ 9 Tân Tạo đề nghị HoSE đưa cổ phiếu công ty ra khỏi cảnh báo, kiểm soát, hạn chế và đình chỉ giao dịch.

Cổ phiếu Tân Tạo: Lùm xùm, lao dốc và cái kết rớt sàn - Ảnh 1

"Hơn 17 tháng kể từ ngày Tân Tạo đủ điều kiện đưa ra khỏi diện cảnh báo, công ty đã gửi rất nhiều công văn báo cáo tình hình khắc phục hết các nguyên nhân nhưng HoSE vẫn không có bất cứ phản hồi lý do và không giải quyết đưa cổ phiếu ITA ra khỏi diện cảnh báo", công văn của Tân Tạo nhấn mạnh.

Tân Tạo cũng cho biết, ngày 11/11/2024, công ty đã gửi thông báo tới UBCKNN và HoSE báo cáo tình hình khắc phục cổ phiếu ITA thuộc diện cảnh báo, diện kiểm soát, diện hạn chế giao dịch, diện đình chỉ giao dịch quý IV/2024; đồng thời đề nghị HoSE đưa cổ phiếu ITA ra khỏi diện diện cảnh báo, diện kiểm soát, diện hạn chế giao dịch, diện đình chỉ giao dịch nhưng đến nay HoSE vẫn chưa phản hồi.

Tân Tạo cho rằng sự chậm trễ này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, gây thiệt hại lớn cho công ty và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của cổ đông cũng như nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Tân Tạo, công ty đang nỗ lực tìm kiếm thuyết phục các công ty kiểm toán để thực hiện báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 và chuẩn bị cho kỳ báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024.

Hồi cuối tháng 8/2024, Tân Tạo nói đã "nỗ lực hết sức" trong việc liên hệ làm việc và thuyết phục 30 công ty kiểm toán được cấp phép trên thị trường, nhưng đều bị từ chối. Theo Tân Tạo, do từ năm 2022, UBCKNN đình chỉ tư cách kiểm toán với 4 kiểm toán viên đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cho Tân Tạo năm 2021, 2022 và bán niên 2023.

"Điều này khiến tất cả công ty đều sợ kiểm toán cho Tân Tạo, vì lo cũng bị đình chỉ tư cách với kiểm toán viên một cách tương tự", ITA nêu lý do bất khả kháng khiến họ chậm công bố thông tin.

Minh Anh

Theo VietnamFinance