Cổ phiếu VFS “như tàu lượn” trên sàn Nasdaq, ông Phạm Nhật Vượng mất hàng chục tỷ USD một đêm
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/8 tại sàn Nasdaq - Mỹ, cổ phiếu VFS của VinFast lao dốc còn 46,25 USD/cổ phiếu sau chuỗi ngày “lên đỉnh”. Điều này khiến ông chủ của VinFast Phạm Nhật Vượng
VFS “như tàu lượn” trên Nasdaq
Cổ phiếu VFS của Vinfast từ khi được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ đã khiến cho giới đầu tư đi từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ngay ngày đầu niêm yết, cổ phiếu của doanh nghiệp này “vọt” lên mức 37 USD (mức giá chào sàn là 22 USD) đã khiến nhà đầu tư “giật mình”. Thậm chí nhiều người khó tin rằng một doanh nghiệp ô tô non trẻ như vậy lại có vốn hóa lên hơn 85,2 tỷ USD. Tuy nhiên, ngay những ngày sau đó, VFS đột ngột đảo chiều xuống chỉ còn hơn 15 USD/cổ phiếu, giới đầu tư lúc này tin rằng, VFS bắt đầu về “đúng giá trị”.
Thế nhưng điều bất ngờ là trong những ngày vừa qua, cổ phiếu doanh nghiệp duy nhất hiện nay của Việt Nam tại Nasdaq liên tục leo đỉnh. Đỉnh điểm ngày 28/8, vốn hóa VinFast đạt trên 189 tỷ USD khi giá VFS đạt 82,3 USD. Lúc này, ông Vượng lọt top 16 người giàu nhất thế giới do Forbes bình chọn. Vinfast đã leo lên vị trí thứ 3 trên bản đồ vốn hoá các doanh nghiệp xe điện trên thế giới, bỏ xa hàng loạt tên tuổi trong ngành công nghiệp ô tô như Porsche, BYD, Mercedes, BMW, Volkswagen, Stellantis, Ferrari… bám sát Toyota (225 tỷ USD) và sau Tesla (757 tỷ USD).
Lý giải “hiện tượng” Vinfast, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cổ phiếu VFS được giao dịch hiện nay là quá ít so với 2,3 tỷ cổ phiếu niêm yết (4,5 triệu). Trong khi đó, hơn 99% (của 2,3 tỷ cổ phiếu) thuộc quyền sở hữu của ông Vượng và Vingroup vẫn chưa được giao dịch. Điều này khiến VFS dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những hành vi giao dịch phi lý trí của các nhà đầu tư, hoặc bởi các chiến thuật trading của các nhà đầu tư sành sỏi.
Các chuyên gia cũng đánh giá, vì lý do đó, việc biên độ lên xuống lớn như hiện nay của VFS thì không có gì là “ngạc nhiên”. Bao giờ 2,3 tỷ cổ phiếu được phép giao dịch và sau thời gian đủ “uy tín” lúc đó giá trị vốn hóa của Vinfast mới được coi là giá trị thực.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/8, ông Vượng lại "mất" 27 tỷ USD, “rớt” xuống vị trí thứ 30 người giàu nhất thế giới sau khi cổ phiếu VFS của VinFast còn 46,25 USD/cổ phiếu.
Ông Vượng thuộc top giàu nhất tại Forbes nhưng với Bloomberg thì không
Mới đây, Bloomberg, một tờ chuyên cung cấp thông tin tài chính toàn cầu đã loại ông Phạm Nhật Vượng ra khỏi danh sách 500 người giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, tạp chí Forbes vẫn xếp ông Vượng đứng ở vị trí thứ 30. Điều gì tạo ra sự khác biệt?
Theo giới chuyên gia, do cách tính của hai bên có sự khác nhau. Tài sản của ông Vượng được Forbes được tính dựa trên giá trị của các cổ phiếu VIC (Tập đoàn Vingroup), VRE (Vincom Retail) và VHM (Vinhomes) và VFS (VinFast tại Nasdaq). Tính đến ngày 30/8, tài sản của ông Vượng đạt 38,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, cách tính của Bloomberg lại khác, họ không đưa VFS vào công thức tính tài sản của ông Vượng. Do vậy, mặc dù ông Vượng vẫn là tỷ phú (4,9 tỷ USD) nhưng không nằm trong danh sách 500 tỷ phú giàu nhất thế giới.
Trong danh sách 500 do Bloomberg Billionaires Index cập nhật ngày 30/8, đứng đầu là Elon Musk tài sản 235 tỷ USD, thứ 2 và 3 lần lượt là Bernard Arnault, 188 tỷ USD và Jeff Bezos, 159 tỷ USD. Cuối cùng danh sách này là Mark Shoen (tỷ phú người Mỹ) với khối tài sản 5.29 tỷ USD.
Trong nước, cổ phiếu "họ" Vin cũng suy yếu trong vài ngày gần đây. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 29/9, cổ phiếu VIC đạt 63.400 đồng/cổ phiếu, giảm 2,01%. VIC đang trải qua đợt điều chỉnh giảm kéo dài 8 phiên liên tục, mất hơn 16% với thanh khoản đang có xu hướng tăng dần. Trong khi đó, HVM của Vinhomes chốt phiên ở mức 54.600 đồng/cổ phiếu, giảm 0,18%; VRE cũng chốt phiên ở 29.250 đồng, giảm 1,18%.