Con gái tỷ phú Thaksin Shinawatra, tuổi 37 tiếp bước cha làm Thủ tướng Thái Lan?
Liên minh cầm quyền của Thái Lan ngày 15/8 cho biết họ đã đồng ý đề cử bà Paetongtarn Shinawatra, 37 tuổi, làm ứng cử viên thủ tướng trước cuộc bỏ phiếu của quốc hội.
Gương mặt quen thuộc
Bà Paetongtarn Shinawatra là con gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị đảo chính lật đổ vào năm 2006 và hiện đang gặp rắc rối pháp lý.
Nếu được bầu, bà Paetongtarn Shinawatra sẽ là nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử Thái Lan và là thủ tướng thứ ba trong gia tộc Shinawatra.
Nữ thủ tướng còn lại là bà Yingluck Shinawatra, em ruột ông Thaksin, tức cô ruột của bà Paetongtarn. Bà Yingluck cũng đã bị Tòa Hiến pháp phế truất vào năm 2014.
Để trở thành thủ tướng, bà Paetongtarn sẽ phải nhận được quá bán số phiếu bầu từ 493 đại biểu Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 16/8.
Liên minh cầm quyền hiện đang giữ 314 ghế tại Hạ viện, trong đó 141 ghế thuộc về đảng Pheu Thai do bà Paetongtarn lãnh đạo. Nếu không có sự bất đồng nào trong liên minh, việc bà Paetongtarn được bầu được đánh giá là rất chắc chắn.
Chuyển biến này diễn ra sau khi Thủ tướng Srettha Thavisin bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm vì bổ nhiệm một bộ trưởng từng ngồi tù.
Ông Srettha là thủ tướng thứ ba của Đảng Pheu Thai bị Tòa án Hiến pháp cách chức và phải rời nhiệm sở sau chưa đầy một năm, cũng là thủ tướng thứ tư bị Tòa án Hiến pháp phế truất trong 16 năm qua.
Những thách thức kinh tế của Thái Lan
Việc bổ nhiệm bà Paetongtarn báo hiệu một số thay đổi đối với các chính sách mà chính quyền tiền nhiệm của ông Srettha theo đuổi, tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng thông qua các chính sách tài khóa nới lỏng hơn và giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt cao và nợ hộ gia đình gần đạt kỷ lục.
Bà ủng hộ lãi suất thấp hơn và chỉ trích ngân hàng trung ương với cáo buộc rằng quyền tự chủ của ngân hàng này là "rào cản" đối với việc giải quyết các vấn đề kinh tế của đất nước.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 15/8, bà Paetongtarn đã cam kết sẽ "làm mọi thứ trong khả năng của mình" để đưa Thái Lan thoát khỏi "cuộc khủng hoảng kinh tế" với sự hỗ trợ của liên minh.
Về kế hoạch gây tranh cãi của đảng bà là phân phối 10.000 baht (286 USD) cho mỗi người Thái (ước tính khoảng 50 triệu người trưởng thành) để kích thích nền kinh tế, bà đã hứa sẽ xem xét lại kế hoạch này sau khi bà lên nắm quyền.
Những thách thức khác đang chờ đợi cựu sinh viên của Đại học Surrey bao gồm tìm cách nâng mức tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm xuống dưới 2% trong thập kỷ qua, thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghệ cao và ngăn chặn tình trạng các quỹ nước ngoài rút khỏi cổ phiếu của nước này.
Chỉ số chứng khoán chuẩn của Thái Lan nằm trong số những chỉ số hoạt động kém nhất thế giới trong năm nay khi các quỹ nước ngoài rút hơn 3 tỷ USD trong giai đoạn này.
Đồng baht đã mất khoảng 2,7% trong năm nay và các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 244 triệu USD trái phiếu, một dấu hiệu cho thấy các trái phiếu này đang mất dần sức hấp dẫn.
Kinh nghiệm của bà Paetongtarn trong khu vực tư nhân có thể hữu ích trong việc điều hành nền kinh tế. Bà là một nhân vật chủ chốt trong đế chế kinh doanh Shinawatra trải dài từ sân golf và bất động sản đến khách sạn và viễn thông. Bà được liệt kê là cổ đông lớn nhất của công ty bất động sản giao dịch công khai SC Asset Corp Pcl, với 28,5% cổ phần.
Bà cũng là giám đốc điều hành mảng kinh doanh khách sạn của Rende Development Co., trong đó có Khách sạn Rosewood sang trọng ở Bangkok là một dự án lớn.
Theo luật pháp Thái Lan, trước khi đảm nhiệm vai trò thủ tướng, Paetongtarn sẽ phải từ bỏ các vai trò kinh doanh của mình và tuân thủ các quy định về sở hữu cổ phần.