Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở thêm hai sân bay ở Đồng Nai và Ninh Thuận

Cục Hàng không Việt Nam vừa có đề xuất nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại một số sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).

Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về công tác rà soát hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, liên quan tới việc nghiên cứu chuyển một số sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng, Cục Hàng không Việt Nam thống nhất kiến nghị cập nhật nội dung nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại một số sân bay quân sự (Thành Sơn, Biên Hòa...) trong trường hợp đủ điều kiện trong dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch.

Trước đó, các tỉnh Ninh Thuận và Đồng Nai đề xuất quy hoạch sân bay quân sự Biên Hòa, Thành Sơn cho mục đích dân sự. Điều này giúp hai địa phương phát triển kinh tế xã hội, nhất là Ninh Thuận đang là điểm hấp dẫn khách du lịch mỗi năm đón trên 5 triệu lượt khách.

Liên quan đến việc nghiên cứu đánh giá nhu cầu, tiềm năng phát triển của Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Đà Nẵng và Cảng hàng không Chu Lai, Cục Hàng không Việt Nam cho biết phương án quy hoạch Cảng HKQT Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2030 là 25 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2030 là 30 triệu hành khách /năm. Trong khi đó, phương án quy hoạch CHK Chu Lai giai đoạn đến năm 2030 là 10 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2030 là 30 triệu hành khách /năm.

Cũng theo văn bản báo cào này, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát thêm các vấn đề về dự báo, trong đó chú trọng tới các khu vực có tiềm năng phát triển lớn hiện nay và tương lai như: khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh; khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam; khu vực Khánh Hòa.

“Tại các khu vực có tiềm năng lớn này mặc dù số liệu dự báo theo các phương pháp khoa học đã được tiến hành song với ngành hàng không còn cần phải sử dụng thêm phương pháp chuyên gia để đánh giá tiềm năng phát triển của các khu vực này”, báo cáo nêu.

Qua rà soát, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất đến năm 2030 sân bay Cát Bi (Hải Phòng) điều chỉnh từ công suất 8 triệu hành khách/năm thành 13 triệu hành khách/năm, sân bay Chu Lai từ 5 triệu hành khách lên 10 triệu hành khách/năm. Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Vân Đồn sẽ được điều chỉnh công suất từ 12 triệu hành khách mỗi năm lên 20 triệu và sân bay Chu Lai từ 28 triệu hành khách lên 30 triệu khách.

Đồng thời bổ sung vào quy hoạch nghiên cứu đường cất hạ cánh số 3 tại sân bay Cam Ranh vào thời kỳ 2021-2030 để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Khánh Hòa.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ dự thảo quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc, giai đoạn 2021-2030 có 28 cảng bao gồm: 14 cảng quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 14 cảng quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo). Vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng là tại huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng.

Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị hình thành 31 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng quốc tế, trong đó xây mới sân bay Hải Phòng thay thế Cát Bi; 17 cảng quốc nội gồm xây mới sân bay Cao Bằng và sân bay thứ hai phía đông nam thủ đô Hà Nội.

Xem thêm: Sân bay thứ hai tại Hà Nội: Tiếp tục tìm địa điểm ở phía Đông Nam Thủ đô

Bảo Minh

Theo VietnamFinance