Cục thuế Hà Nội 'tuýt còi' Alphanam E&C (AME) do vi phạm về thuế

Cục Thuế TP Hà Nội đã thông báo quyết định số 933 2023 QĐ-CTHN-TTKT5-XPVP-HC về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty CP Alphanam E&C (mã chứng khoán: AME, sàn HNX) do đã có hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp.

Cục thuế Hà Nội \'tuýt còi\' Alphanam E&C (AME) do vi phạm về thuế. Ảnh minh họa  
Cục thuế Hà Nội \'tuýt còi\' Alphanam E&C (AME) do vi phạm về thuế. Ảnh minh họa  

Cụ thể: Ngày 9/1, Cục Thuế TP Hà Nội đã thông báo quyết định số 933/2023/QĐ-CTHN-TTKT5-XPVP-HC về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty CP Alphanam E&C (MCK: AME, sàn HNX).

Alphanam E&C bị xử phạt hành chính số tiền 18,3 triệu đồng, bị buộc nộp đủ số tiền thuế còn thiếu thu nhập doanh nghiệp chậm nộp và còn thiếu vào ngân sách nhà nước gần 98 triệu đồng.

Nguyên nhân là vì do công ty đã hạch toán chi phí dự phòng phải thu khó đòi (đối với thuế thu nhập doanh nghiệp) không đúng quy định dẫn đến thiếu số thuế phải nộp.

Tổng cộng, Công ty CP Alphanam E&C bị xử lý thuế số tiền hơn 117 triệu đồng.

Cục Thuế TP Hà Nội yêu cầu Alphanam A&C chấn chỉnh ngay các tồn tại nói trên để làm cơ sở hạch toán, kê khai thuế cho kỳ sau ngay khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Được biết, Công ty CP Alphanam E&C là doanh nghiệp ngành cơ khí lắp máy có vốn điều lệ 652 tỷ đồng. Công ty đưa cổ phiếu lên sàn HNX từ đầu tháng 6/2010 với số lượng 12 triệu đơn vị, giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 24.100 đồng/cổ phiếu.

Hai cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này là Công ty CP Đầu tư Alphanam và Công ty CP Alphanam với tỷ lệ lần lượt 83% và 6,06%.

AME tiền thân là Công ty TNHH Alphanam được thành lập năm 1995. Năm 2006, Công ty chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Những năm đầu, Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và thương mại. Công ty chuyên sản xuất các thiết bị cơ điện như: Thiết bị đóng cắt, thiết bị bảo vệ dân dụng, các loại hòm công tơ điện, hộp chia dây, tủ điện trung áp, tủ đấu dây ngoài trời, tủ điện bảo vệ, hệ thông điều khiển và các sản phẩm cơ khí phụ vụ công tác Nhà thầu cơ điện của Công ty.

Giai đoạn 2011-2015, AME chuyển dịch sang hoạt động đầu tư xây dựng, hợp tác với các công ty bất động sản triển khai nhiều dự án bất động sản cao cấp.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, Công ty đạt doanh thu thuần 1,750 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế gần 16 tỷ đồng, tăng hơn 50%.

Nguồn Báo cáo tài chính quý 3/2022 của Alphanam E&C (AME)  
Nguồn Báo cáo tài chính quý 3/2022 của Alphanam E&C (AME)  

Về kết quả kinh doanh, sau các năm 2014, 2015 và 2016 chỉ lãi trung bình 1,5 tỷ đồng/năm, giai đoạn từ 2017 đến 2021, Alphanam E&C bắt đầu chứng kiến doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh với doanh thu năm 2021 đạt 1.411 tỷ đồng và lãi ròng 21 tỷ - cùng gần gấp đôi năm 2017.

9 tháng năm 2022, AME ghi nhận tổng doanh thu đạt 1.750 tỷ đồng - tăng mạnh so với cùng kỳ - tương ứng gần 77% kế hoạch được giao; lợi nhuận sau thuế thu về xấp xỉ 16 tỷ - bằng 63% chỉ tiêu cả năm.

Ghi nhận tại báo cáo tài chính quý 3/2022, AME hiện có tổng tài sản hơn 2.810 tỷ đồng trong đó có 1.051 tỷ đồng phải thu ngắn hạn và gần 700 tỷ đồng hàng tồn kho. Lượng tiền mặt và tương đương đang sở hữu giảm về 16,2 tỷ.

Nhờ việc phát hành riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu hồi cuối tháng 5/2022 nên vốn điều lệ của công ty đã tăng mạnh; chủ sở hữu đến hết ngày 30/9/2022 đạt 761 tỷ đồng. Dù vậy, con số này chỉ bằng 1/3 so với tổng nợ công ty (mức 2.050 tỷ đồng).

Trong cơ cấu nợ của công ty, vay nợ tài chính ngắn hạn ở mức 503 tỷ đồng - giảm 174 tỷ so với đầu năm Phía doanh nghiệp không có thuyết minh chi tiết.

Đáng chú ý hồi cuối tháng 9/2022, Alphanam E&C từng thông báo việc bổ sung tài sản để đảm bảo cho hạn mức tín dụng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội chi nhánh Ba Đình (SHB).

Cục thuế Hà Nội 'tuýt còi' Alphanam E&C (AME) do vi phạm về thuế - Ảnh 1

Theo đó HĐQT Alphanam E&C phê duyệt phương án bổ sung là dùng tổng cộng 40 triệu cổ phiếu AME của CTCP Alphnam E&C làm tài sản đảm bảo gồm 39 triệu cổ phiếu AME thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư Alphanam và 1 triệu cổ phiếu AME thuộc sở hữu của ông Nguyễn Minh Nhật - Thành viên HĐQT công ty.

Đáng nói, toàn bộ số tài sản thế chấp này chỉ mới hoàn tất phát hành cho CTCP Đầu tư Alphanam (39 triệu cổ phiếu) và ông Nguyễn Minh Nhật (1 triệu cổ phiếu) trước đó 4 tháng và bị hạn chế giao dịch trong vòng 1 năm.

Thêm vào đó, việc bổ sung thêm tài sản đảm bảo đã diễn ra trong bối cảnh hợp đồng cấp hạn mức tín dụng ký năm 2021 của SHB cho AME sẽ đáo hạn chỉ gần 2 tháng sau đó (ngày 24/11/2022).

Tùng Tâm

Theo Sở hữu trí tuê