Đà Nẵng: Điều chỉnh phương án thiết kế tổng thể kè sông, kiến trúc cảnh quan dọc sông Cổ Cò

Ngày 17/12, ông Phùng Phú Phong, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay vừa có văn bản số 8347/SXD-PTĐT báo cáo UBND TP Đà Nẵng về việc rà soát, khớp nối quy hoạch, thiết kế tổng thể sông, kiến trúc cảnh quan dọc sông Cổ Cò thuộc TP Đà Nẵng.

Theo ông Phùng Phú Phong, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Đà Nẵng, trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và ý kiến đóng góp của các sở, ngành hữu quan, Viện Quy hoạch xây dựng (thuộc Sở Xây dựng Đà Nẵng) đã điều chỉnh phương án thiết kế tổng thể kè sông, kiến trúc cảnh quan dọc sông Cổ Cò thuộc TP Đà Nẵng.

Đà Nẵng: Điều chỉnh phương án thiết kế tổng thể kè sông, kiến trúc cảnh quan dọc sông Cổ Cò - Ảnh 1

Cụ thể, Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng điều chỉnh phương án thiết kế và kiến trúc cảnh quan đối với 12 đoạn kè sông Cổ Cò thuộc TP Đà Nẵng, hiện do Sở NN-PTNT, Công ty CP Địa Cầu, BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT, Công ty CP Đầu tư tài chính Bảo hiểm Dầu khí, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 579, BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, Công ty TNHH Sân Golf Vina Capital Đà Nẵng, Công ty CP Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô, Công ty CP FPT Đà Nẵng điều hành dự án hoặc làm chủ đầu tư.

Về nguyên tắc thiết kế cảnh quan chung, ông Phùng Phú Phong cho biết, theo điều chỉnh phương án thiết kế tổng thể, sẽ tổ chức cảnh quan phía bờ sông để mở rộng kết nối cộng đồng, phát triển du lịch, hỗ trợ cho việc tổ chức các hoạt động đa dạng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân và du khách, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, nâng cao vai trò quản lý của chính quyền và gia tăng sự thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời rà soát vị trí các bến đậu đỗ và đón trả khách đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, đề xuất các vị trí bến đậu đỗ và đón trả khách dọc tuyến sông Cổ Cò nhằm hướng đến phục vụ giao thông thủy và phát triển du lịch. Nạo vét khơi thông luồng lạch để phát triển tuyến sông phục vụ du lịch.

Tuy nhiên theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, dự án có ảnh hưởng đến Di tích quốc gia cấp đặc biệt Khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn; do đó việc lấy ý kiến chấp thuận của Bộ VH-TT-DL (theo quy định của Luật Di sản) sẽ kéo dài thời gian.

Đồng thời hiện vẫn chưa hoàn thành công tác giải tỏa đền bù (khu vực phía Nam cầu Biện còn một số hộ dân mặt tiền đường Trần Đại Nghĩa; khu vực nạo vét khơi thông sông Cổ Cò thuộc dự án Khu đô thị ven sông Hòa Quý – Đồng Nò; dự án Khu đô thị Hòa Quý; dự án Khu tái định cư Đông Hải). Ngoài ra, việc quy hoạch tim tuyến kè đoạn qua dự án Khu đô thị Phú Mỹ An và Khu đô thị FPT như phương án của Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng là chưa khả thi do mực ước một số đoạn khá sâu, khó có thể thi công.

Do vậy, Sở Xây dựng Đà Nẵng đề xuất lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng giao Sở Xây dựng phối hợp Viện Quy hoạch xây dựng báo cáo lãnh đạo UBND TP liên quan đến việc rà soát, khớp nối quy hoạch, thiết kế tổng thể kè sông, kiến trúc cảnh quan dọc sông Cổ Cò thuộc TP Đà Nẵng.

Đồng thời giao Viện Quy hoạch xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT, UBND quận Ngũ Hành Sơn, các BQL dự án và các chủ đầu tư liên quan nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tim tuyến kè sông Cổ Cò đoạn qua dự án Khu đô thị Phú Mỹ An, Khu đô thị FPT Đà Nẵng cho phù hợp; hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt theo quy định, làm cơ sở thực hiện các thủ tục tiếp theo.

Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng kiến nghị UBND TP giao UBND quận Ngũ Hành Sơn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai phương án bồi thường thiệt hại và giải phóng mặt bằng, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định trong năm 2020 đối với các hộ dân khu vực phía Nam cầu Biện, mặt tiền đường Trần Đại Nghĩa; dự án Khu tái định cư Đông Hải; khu vực nạo, vét khơi thông sông Cổ Cò thuộc dự án Khu đô thị ven sông Hòa Quý – Đồng Nò; khu vực chưa giải phóng mặt bằng thuộc dự án Khu đô thị Hòa Quý.

Giao BQL dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao, Viên Quy hoạch xây dựng và các đơn vị liên quan khẩn trương gửi hồ sơ dự án về Sở Văn hóa – Thể thao để Sở xem xét, trình Bộ VH-TT-DL có ý kiến về kè sông, kiến trúc cảnh quan dọc sông Cổ Cò đoạn qua Công viên Văn hóa – Lịch sử Ngũ Hành Sơn theo quy định.

Liên quan khu đất ven sông Cổ Cò tiếp giáp tỉnh Quảng Nam

 

Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay, hiện trạng khu đất ven sông Cổ Cò thuộc TP Đà Nẵng tiếp giáp tỉnh Quảng Nam chủ yếu là đất đồng ruộng, chưa giải phóng mặt bằng. Tại Công văn 3026/VP-ĐTĐT ngày 16/9/2020, UBND TP Đà Nẵng giao Sở Xây dựng rà soát, nghiên cứu đề xuất quy hoạch theo hướng tôn tạo cảnh quan khu vực sông Cổ Cò. Sở Xây dựng Đà Nẵng đã giao Viện Quy hoạch xây dựng triển khai thực hiện.

Sau khi rà soát, khớp nối quy hoạch tại khu vực thì khu đất tiếp giáp với đất quy hoạch của tỉnh Quảng Nam, không tiếp giáp với sông Cổ Cò. Do đó, Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng đề xuất quy hoạch là đất thương mại dịch vụ để gộp thành một khu đất thương mại dịch vụ lớn nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo thêm nguồn thu cho TP, phù hợp với quy hoạch và kiến trúc cảnh quan tại khu vực. Phần còn lại tiếp giáp bờ sông sẽ tổ chức thành công viên, cây xanh cảnh quan ve sông, đồng bộ với quy hoạch cảnh quan sông Cổ Cò.

Hải Châu

Theo Doanh nghiệp Việt Nam