Đà Nẵng hướng đến trung tâm tài chính xanh đầu tiên của Asean
Theo ông Andy Khoo - CEO Terne Holdings Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng có thể chuyên sâu vào tài chính xanh.
Tài chính xanh: Cơ hội cho Đà Nẵng
Theo ông Andy Khoo - CEO Terne Holdings, Việt Nam hiện là ngôi sao đang lên của ASEAN. Với tầm nhìn 2045, Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng có thể đóng góp thêm 3 - 5 tỷ USD hàng năm vào GDP của Việt Nam và biến tầm nhìn này thành hiện thực.
Cũng theo vị CEO Terne Holdings, Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng bổ sung cho bức tranh tài chính rộng lớn hơn của Việt Nam. Bởi ở phía Bắc, Hà Nội là trung tâm chính cho việc hoạch định chính sách và quản lý nhà nước.
Ở phía Nam, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm tài chính trọng điểm, đóng vai trò cửa ngõ toàn cầu cho thị trường vốn và tài chính doanh nghiệp. Đà Nẵng xuất hiện như một cầu nối chiến lược giữa hai đầu tàu kinh tế này.
Ngoài ra, với vị trí ở miền Trung Việt Nam, Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính trên toàn quốc và giảm sự phụ thuộc quá mức vào một trung tâm tài chính duy nhất.
Tuy nhiên khác với Trung tâm Tài chính tại TP. Hồ Chí Minh tập trung vào thị trường vốn, Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng có thể chuyên sâu vào tài chính xanh, tạo thuận lợi thương mại, và đổi mới fintech, phù hợp với các xu hướng thị trường toàn cầu.
Cùng với đó, Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng đóng vai trò như một phòng thí nghiệm đổi mới, thử nghiệm các công nghệ tài chính mới và tích hợp chúng vào hệ sinh thái đã phát triển của TP. Hồ Chí Minh.
PGS. Phan Quang Tuấn - Đại học Hồng Kông cho rằng, Việt Nam và đặc biệt là Đà Nẵng có cơ hội trở thành trung tâm tài chính xanh đầu tiên tại khu vực ASEAN.
Theo đó, Đà Nẵng có thể dẫn đầu trong khu vực về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu tuân thủ các tiêu chuẩn về carbon, đồng thời mở rộng xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ và Trung Đông.
Khó khăn nhân lực
Để phát triển trung tâm tài chính và hướng đến tài chính xanh, Việt Nam và Đà Nẵng cũng cần đầu tư vào nguồn nhân lực cho các ngành tài chính xanh, ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị). Bởi tài chính xanh yêu cầu các chuyên gia có kỹ năng sâu về trái phiếu xanh, tín chỉ carbon, và các công cụ đầu tư bền vững, nhằm thu hút vốn quốc tế cho các dự án phát triển bền vững.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần đội ngũ nhân sự hiểu biết về ESG để thực hiện trách nhiệm xã hội, đánh giá tác động môi trường và thiết lập hệ thống quản trị minh bạch, từ đó gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, theo PGS. Phan Quang Tuấn Việt Nam hiện đang đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng về số lượng và chất lượng chuyên gia trong lĩnh vực này, do hệ thống giáo dục chưa tích hợp đầy đủ các nội dung về tài chính xanh và ESG vào chương trình giảng dạy.
Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu tại các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước, kết hợp với việc gửi cán bộ tham gia các khóa học và hội thảo quốc tế.
Bên cạnh đó, hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNDP, World Bank và các trường đại học danh tiếng trên thế giới để xây dựng chương trình đào tạo cấp chứng chỉ toàn cầu cũng là giải pháp khả thi.
PGS. Phan Quang Tuấn cho biết, hiện nay, nhiều tổ chức và đại học hàng đầu đang đi đầu trong việc phát triển nguồn nhân lực về tài chính xanh và ESG thông qua các chương trình giáo dục và đào tạo chuyên sâu. Singapore Green Finance Centre (SGFC), hợp tác giữa Đại học Quản lý Singapore và Viện Nghiên cứu Tài chính Châu Á, đã tạo ra các khóa học chuyên biệt nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chuyên gia tài chính xanh tại khu vực Đông Nam Á.
Tại châu Âu, European Investment Bank (EIB) và Green Finance Institute (GFI) đã triển khai các chương trình nghiên cứu, hội thảo, và đào tạo chuyên sâu, giúp chuẩn hóa kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực này. Đáng chú ý, nhiều chính phủ cũng đang thực hiện các chương trình quy mô lớn để hỗ trợ tài chính xanh.
Hoa Kỳ đã phân bổ 27 tỷ USD từ Quỹ Giảm thiểu Khí nhà kính để hỗ trợ các dự án năng lượng sạch và các giải pháp khí hậu, trong khi Liên minh Châu Âu cam kết hàng tỷ euro vào các quỹ tài chính bền vững và đào tạo nhân lực.
“Những nỗ lực này không chỉ định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực bền vững mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của thị trường lao động toàn cầu trong tương lai. Điều này giúp thu hút đầu tư và nhân tài đến Đà Nẵng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững và tạo ra môi trường sống tốt cho cộng đồng”, chuyên gia đến từ Đại học Hồng Kông nhận định.