Đà Nẵng ưu tiên đầu tư loạt sân golf, khu du lịch, trung tâm thương mại

Trong hơn 250 dự án ưu tiên đầu tư và thực hiện phân kỳ tại Đà Nẵng có nhiều sân golf, khu du lịch, trung tâm thương mại.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Kế hoạch, đối với dự án đầu tư công, ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn, tạo xung lực mới trong tăng trưởng và phát triển thành phố Đà Nẵng.

Cụ thể, các dự án tạo không gian phát triển mới và năng lực mới, thúc đẩy sự phát triển của thành phố theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững; các dự án hạ tầng kỹ thuật (giao thông kết hợp đô thị (TOD), hạ tầng phục vụ Khu thương mại tự do, Khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ du lịch); hạ tầng xã hội, hạ tầng thông tin, truyền thông, chuyển đổi số cấp thiết, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Bến cảng Liên Chiểu - dự án ưu tiên đầu tư và thực hiện phân kỳ trên địa bàn TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bến cảng Liên Chiểu - dự án ưu tiên đầu tư và thực hiện phân kỳ trên địa bàn TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, thu hút đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công. Thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các vùng động lực của thành phố.

Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics; hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguồn điện; cấp nước sạch; cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, khoa học và đổi mới sáng tạo, môi trường, thương mại, dịch vụ.

Cụ thể có hơn 250 dự án ưu tiên đầu tư và thực hiện phân kỳ trên địa bàn TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có 7 dự án do Trung ương đầu tư và hỗ trợ đầu tư gồm: Tuyến đường tránh vành đai phía Tây 2; Trung tâm nghề cá lớn TP. Đà Nẵng; Đại học Đà Nẵng; mở rộng Khu công nghệ cao…

Các dự án khác gồm nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực giao thông vận tải có 18 dự án gồm: Bến cảng Liên Chiểu (kêu gọi đầu tư các bến theo quy hoạch); các dự án trong Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; di dời ga đường sắt Đà Nẵng; bến xe phía Bắc, phía Tây thành phố.

Lĩnh vực thương mại có 9 dự án gồm: Khu thương mại tự do, các khu phi thuế quan và các dịch vụ đi kèm; Trung tâm mua sắm Outlet, Khu logistics hỗ trợ chợ đầu mối và ngành buôn bán; Trung tâm triển lãm hội chợ quốc tế Đà Nẵng…

Lĩnh vực du lịch có 11 dự án gồm: Khu du lịch suối Lương; Khu du lịch phía Đông tuyến đường đèo Hải Vân; Khu du lịch sinh thái đồi Chim Chim; Khu du lịch phía Tây đường tránh Hải Vân; Tổ hợp dòng sông ánh sáng và bến thủy nội địa…

Các dự án tổ hợp gồm: Khu phức hợp trung tâm tài chính thương mại, vui chơi giải trí và chung cư cao cấp; Tổ hợp giải trí, thể thao và thương mại tại phường Hòa Xuân; Khu phức hợp thương mại dịch vụ tại phường Hòa Thọ Tây; Khu phức hợp hồ Hóc Khế; Khu phức hợp hồ Đồng Tréo; Tổ hợp sản xuất và dịch vụ du thuyền…

Lĩnh vực sân golf có 4 dự án gồm: Sân golf kết hợp dịch vụ du lịch hồ Hòa Trung; Sân golf kết hợp dịch vụ du lịch Hòa Liên – Hòa Bắc; Sân golf kết hợp dịch vụ du lịch Hòa Phú - Hòa Nhơn; Khu phức hợp khách sạn, sân golf Hòa Phong – Hòa Phú.

Lĩnh vực công nghệ thông tin có 9 dự án gồm: Tòa nhà Viettel Đà Nẵng; Khu công nghệ thông tin DanangBay; Trung tâm nghiên cứu và phát triển dữ liệu công nghệ cao; Trung tâm chia chọn tự động tại Khu công nghiệp Liên Chiểu…

Lĩnh vực công nghiệp có 18 dự án gồm: Dự án sản xuất nhà máy ô tô; dự án cung cấp dịch vụ liên quan đến du thuyền; dự án sản xuất chip, cảm biến sinh học; dự án sản xuất thiết kế vi mạch điện tử tích hợp…

Ngoài ra còn có các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng công nghiệp; cấp điện, xăng dầu, khí đốt; nông, lâm nghiệp, thủy sản; môi trường; giáo dục đào tạo; y tế; văn hóa; quảng trường, công viên…

Nguồn lực thực hiện quy hoạch, giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến cần huy động khoảng 800.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển (theo giá hiện hành), tương đương khoảng 40% GRDP. Trong đó, vốn đầu tư khu vực kinh tế Nhà nước chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư; vốn đầu tư khu vực kinh tế ngoài Nhà nước cần huy động ở mức cao, dự kiến khoảng 60 - 65% tổng vốn đầu tư; thu hút vốn FDI khoảng 10 - 15% tổng vốn đầu tư.

Khánh Hồng

Theo VietnamFinance