Đà Nẵng: Nhà ở thương mại ế ẩm, nhà ở xã hội cung chưa đủ cầu do vướng thủ tục

Tại Đà Nẵng các dự án xây dựng nhà ở thương mại rất khó tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, nhu cầu của người dân về nhà ở xã hội rất lớn nhưng nguồn cung chưa đáp ứng do vướng mắc thủ tục.

Tại Đà Nẵng các dự án xây dựng nhà ở thương mại rất khó tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, nhu cầu của người dân về nhà ở xã hội rất lớn nhưng nguồn cung chưa đáp ứng do vướng mắc thủ tục.

Nhiều khu nhà ở thương mại xây xong bỏ trống, gây lãng phí xã hội

Ngày 28/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn TP giai đoạn 2018 – 2020 đề ra mục tiêu phát triển 10.081.625 m2 nhà ở, tuy nhiên cho đến nay mới đạt 9.264.321m2, bằng 92% kế hoạch với tổng vốn đầu tư 55.210 tỉ đồng.

Đà Nẵng: Nhà ở thương mại ế ẩm, nhà ở xã hội cung chưa đủ cầu do vướng thủ tục - Ảnh 1

Nhiều dự án nhà ở thương mại ở Đà Nẵng không tiêu thụ được sản phẩm, xây xong bỏ trống, không có người ở.

Đà Nẵng: Nhà ở thương mại ế ẩm, nhà ở xã hội cung chưa đủ cầu do vướng thủ tục - Ảnh 2

Một số nhà đã có biểu hiện xuống cấp, cỏ lác mọc um tùm.

Trong đó, hỗ trợ nhà ở theo chương trình mục tiêu đạt tỉ lệ 182% (68.100m2 với tổng vốn đầu tư 132 tỉ đồng, gồm ngân sách Trung ương 79 tỉ đồng, ngân sách TP 53 tỉ đồng); nhà ở xã hội đạt 28% (101.570m2, tổng vốn đầu tư 979 tỉ đồng, gồm ngân sách TP 411 tỉ đồng, vốn doanh nghiệp 586 tỉ đồng); nhà ở thương mại đạt 55% (1.332.375m2, vốn đầu tư 11.377 tỉ đồng của doanh nghiệp); nhà ở dân tự xây đạt 107% (7.762.276m2, vốn đầu tư 42.692 tỉ đồng của người dân).

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, kết quả phát triển nhà ở trên địa bàn TP giai đoạn 2018 – 2020 đạt 92% so với mục tiêu, trong đó diện tích sàn nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đạt tỷ lệ thấp, do có nhiều nguyên nhân.

Trước hết là một số dự án chậm tiến độ hoặc dừng triển khai do có vi phạm trong quá trình giao đất, triển khai dự án hoặc phải rà soát lại trình tự, thủ tục về đầu tư, đất đai theo Kết luận số 2852/KL-TTCP ngày 01/11/2012 của Thanh tra Chính phủ (giao đất khi chưa lập dự án đầu tư, giảm tiền sử dụng đất 5%, 10%, ...).

Đặc biệt, thị trường bất động sản có xu hướng sụt giảm từ Quý II/2019 đến nay và tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản và tiến độ triển khai các dự án.

Đà Nẵng: Nhà ở thương mại ế ẩm, nhà ở xã hội cung chưa đủ cầu do vướng thủ tục - Ảnh 3

Một số người lỡ mua các căn hộ shophouse thì treo biển cho thuê nhà.

Đà Nẵng: Nhà ở thương mại ế ẩm, nhà ở xã hội cung chưa đủ cầu do vướng thủ tục - Ảnh 4

“Đối với nhà ở thương mại, các dự án xây dựng nhà ở để bán rất khó tiêu thụ sản phẩm do người dân TP có xu hướng mua đất nền để tự xây dựng nhà ở. Nhiều khu nhà liền kề đã xây dựng hoàn thành nhưng chưa có người dân đến ở, gây lãng phí tài sản xã hội. Điều này dẫn đến tình trạng các chủ đầu tư dự án khu đô thị thường đề xuất phân lô bán nền, trừ khu vực bắt buộc phải xây dựng nhà để bán!” – Ông Lê Trung Chinh cho biết.

Nhà ở xã hội cung không đủ cầu do vướng mắc thủ tục

Trong khi đó, đối với nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, nhu cầu của người dân TP Đà Nẵng là rất lớn nhưng nguồn cung chưa đáp ứng nhu cầu. Nguyên do là một số dự án chậm tiến độ và chưa triển khai các dự án mới do vướng mắc thủ tục lựa chọn chủ đầu tư kể từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực đến nay.

Cụ thể, theo điểm a khoản 2 Điều 57 Luật Nhà ở 2014, trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu thầu nếu có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký làm chủ đầu tư hoặc chỉ định chủ đầu tư nếu chỉ có một nhà đầu tư đăng ký làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ, ngành chưa có quy định cụ thể nên chưa thực hiện được.

Từ năm 2017 đến nay, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã tham mưu UBND TP có nhiều văn bản kiến nghị các bộ, ngành về vấn đề này. Gần nhất, UBND TP Đà Nẵng đã có Công văn 2594/UBND-SXD ngày 20/4/2020 đề xuất Bộ Xây dựng đồng ý để UBND TP Đà Nẵng thí điểm tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại 02 khu đất do TP đang quản lý theo tiêu chí do UBND TP ban hành đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Đà Nẵng: Nhà ở thương mại ế ẩm, nhà ở xã hội cung chưa đủ cầu do vướng thủ tục - Ảnh 5

Tấm bảng cho thuê nhà đã rách.

Đà Nẵng: Nhà ở thương mại ế ẩm, nhà ở xã hội cung chưa đủ cầu do vướng thủ tục - Ảnh 6

Nhưng nhà vẫn chưa có khách thuê.

“Bộ Xây dựng trả lời Bộ đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV/2020; trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương để hoàn thiện quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội!” - Ông Phạm Phú Phong, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Đà Nẵng thông tin.

Về mục tiêu phát triển nhà ở trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, ông Phạm Phú Phong cho biết, căn cứ kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2018-2020 và mục tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 theo Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được duyệt, UBND TP Đà Nẵng vừa có báo cáo số 324/BC-UBND gửi HĐND TP kỳ họp cuối năm 2020.

Trong đó đề xuất đầu tư xây dựng thêm 11.345.600m2 sàn nhà ở với tổng vốn đầu tư 101.490 tỉ đồng. Bao gồm nhà ở xã hội 642.400 m2 (vốn đầu tư 7.700 tỉ đồng, gồm ngân sách TP 320 tỉ đồng, vốn doanh nghiệp 7.380 tỉ đồng); nhà ở thương mại 4.646.350m2 (vốn đầu tư 51.300 tỉ đồng của doanh nghiệp); nhà ở tái định cư 10.350m2 (vốn đầu tư 160 tỉ đồng của ngân sách TP); nhà ở dân tự xây 6.046.500m2 (vốn đầu tư 42.330 tỉ đồng của người dân). Trong quá trình thực hiện, căn cứ tình hình thực tế có thể xem xét điều chỉnh, bổ sung.

Hải Châu

Theo Doanh nghiệp Việt Nam