Đà Nẵng - Quảng Nam: Kề vai tiến vào kỷ nguyên mới

Sau khi được tách thành hai đơn vị hành chính riêng, Đà Nẵng và Quảng Nam đã trải qua chặng đường phát triển ngoạn mục, nhưng rồi dư địa phát triển đang dần cạn. Để tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vùng đất Quảng – Đà cần kề vai bên nhau.

Bước tiến ngoạn mục

Năm 1997, theo Nghị quyết của Quốc hội, Đà Nẵng – Quảng Nam được tách thành hai đơn vị hành chính khác nhau. Vốn gắn bó nhau trong suốt chiều dài của lịch sử, vì thế việc chia tách trở thành một sự kiện khắc sâu trong tâm trí của người dân của vùng đất Quảng – Đà. Kể từ thời điểm ấy, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam phải tự đi con đường phát triển cho riêng của mình. Thực tế sau 28 năm chia tách, cả Đà Nẵng và Quảng Nam đã tạo nên một câu chuyện kỳ tích về phát triển.

TP. Đà Nẵng đã vươn dậy rất mạnh mẽ, mà theo ví von của nhiều chuyên gia: “Đà Nẵng đã làm một cuộc đổi đời đúng nghĩa”. Nhìn lại năm 1997, Đà Nẵng khi ấy chỉ là một đô thị nhỏ, không gian bó hẹp, dòng sông Hàn gắn với những xóm nhà lá nhếch nhác, các bãi biển bị che khuất bởi rừng dương và làng chài nghèo xác xơ, đời sống người dân nhiều gian khó…

Nhưng bây giờ, Đà Nẵng trỗi dậy trở thành đô thị lớn của Việt Nam, là địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch thế giới, nổi danh với thương hiệu “đáng sống” và “đáng đến”. Từ một nền kinh tế thấp, đến nay quy mô và trình độ nền kinh tế của Đà Nẵng thuộc nhóm phát triển của Việt Nam. Quy mô nền kinh tế Đà Nẵng năm 2024, ước đạt hơn 151.000 tỷ đồng, mở rộng hơn 17.000 tỷ đồng so với năm 2023; xếp thứ 17/63 địa phương và dẫn đầu các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.

Tuyến dự án ven biển nối Đà Nẵng - Quảng Nam.
Tuyến dự án ven biển nối Đà Nẵng - Quảng Nam.

Cơ cấu ngành kinh tế của Đà Nẵng chuyển dịch theo hướng phát triển mạnh các ngành dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản, đưa thành phố trở thành một cực tăng trưởng của đất nước. Đáng chú ý, không gian đô thị Đà Nẵng hiện nay được mở rộng gấp hơn 3,5 lần so với thời điểm năm 1997; bộ mặt đô thị thay đổi từng ngày với rất nhiều công trình kiến trúc cao tầng, công trình giao thông độc đáo…

Không hề kém Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam cũng đã thực hiện một cuộc bứt tốc của riêng mình. Thuở trước, cả khu vực vùng Đông Quảng Nam chỉ là những cồn cát nối tiếp nhau bất tận. Nhưng nay cát đã chuyển mình, khi Quảng Nam đã hiện thực hóa đưa Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành động lực tăng trưởng, với những tập đoàn “sếu đầu đàn” làm tổ tại đây như Tập đoàn THACO.

Những dự án đầu tư và lượng doanh nghiệp đầu tư vào vùng Đông góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế và GRDP của Quảng Nam, đưa tỷ lệ công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ đến 88% cơ cấu kinh tế địa phương, hơn 80% tổng thu ngân sách, tạo tiền đề cho sản phẩm Quảng Nam tham gia thị trường và chuỗi giá trị toàn cầu…

Sau 28 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, chậm phát triển, Quảng Nam đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung. Năm 2024, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) tăng 7,1%; quy mô nền kinh tế đạt 129.000 tỷ đồng, gấp 50 lần so với năm 1997; thu ngân sách tăng gấp 200 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Hiện Quảng Nam đang điều tiết cho ngân sách Trung ương 18% và nằm trong số 13 tỉnh, thành có nguồn thu ngân sách cao.

Có thể thấy, hành trang gọn gàng sau chia tách đã giúp hai địa phương có bước phát triển nhảy vọt. Dẫu thế, trong suốt hành trình ấy, Quảng Nam – Đà Nẵng “chia mà không tách”. Hai địa phương cùng triển khai nhiều chương trình hợp tác và dự án để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Và trong tâm khảm của người dân, Đà Nẵng – Quảng Nam vẫn là “anh em ruột thịt”, “chia ngọt sẻ bùi”, “chung lưng đấu cật” suốt chặng dài lịch sử cho đến tận hôm nay.

Muốn đi xa phải đi cùng nhau

Cuối tháng 3/2025, Đà Nẵng – Quảng Nam sẽ thông xe dự án cầu Quảng Đà bắc qua sông Yên, nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 274 tỷ đồng, sử dụng ngân sách TP. Đà Nẵng. Đây là công trình nằm trong chương trình hợp tác, phát triển giữa 2 địa phương, giúp kết nối giao thông thuận lợi cho người dân hai địa phương.

Có ý nghĩa lớn như vậy, nhưng việc xây dựng công trình này gặp không ít trắc trở, bởi vướng quy định ngân sách của địa phương này không mang đi đầu tư dự án ở địa phương khác, hay như đơn vị nào sẽ đứng ra vận hành, bảo trì dự án… Thực tế trong nhiều năm qua, có những dự án mà Đà Nẵng – Quảng Nam cùng bắt tay thực hiện đều gặp trở ngại như thế, từ dự án khơi thông sông Cổ Cò, đến làng đại học Đà Nẵng. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng giới hạn về địa giới hành chính là lý do không thể bỏ qua.

Khu vực trung tâm TP. Đà Nẵng.
Khu vực trung tâm TP. Đà Nẵng.

Một bất cập khác, dù hợp tác nhưng giữa Đà Nẵng và Quảng Nam cũng có sự cạnh tranh lẫn nhau, khi hai địa phương cùng chung lợi thế. Đà Nẵng có những bãi biển đẹp để phát triển du lịch thì biển Quảng Nam cũng chẳng kém; Đà Nẵng hướng đến phát triển cảng biển logistics thì Quảng Nam cũng vậy; sân bay Chu Lai được định hướng xây dựng thành sân bay quốc tế, trong khi cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng chỉ cách đó vài chục kilomet. Lợi thế giống nhau khiến cho nguồn lực đầu tư phân tán, hai địa phương cũng cạnh tranh nhau đề thu hút dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Sau chia tách, Đà Nẵng và Quảng Nam đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng cao. Nhưng dường như, đến nay sự phát triển đã chạm ngưỡng. Điều này được minh chứng, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, có những thời điểm hai địa phương có mức trưởng âm. Những lĩnh vực trọng điểm như du lịch, bất động sản bị đóng băng khiến kinh tế gặp khó, cho thấy sự phát triển không bền vững của hai địa phương này.

TP. Đà Nẵng hiện đối mặt với việc còn quá ít dư địa để phát triển. Vì với diện tích nhỏ, quỹ đất của thành phố phục vụ cho nhu cầu phát triển ngày càng thiếu, đặc biệt là quỹ đất cho phát triển công nghiệp. Chính vì thế mà Đà Nẵng đã phải chọn hướng mới là phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn, ngành công nghiệp vốn yêu cầu quỹ đất ít hơn nhưng mang lại giá trị nhiều hơn.

Trong khi đó, Quảng Nam cũng đối diện mới những khó khăn riêng, khi đang tìm kiếm cấu trúc kinh tế mới để tăng trưởng năng động và bền vững hơn. Ngoài ra, động lực phát triển chủ yếu của Quảng Nam tập trung ở vùng Đông, còn khu vực miền núi phía Tây rộng lớn thì kém phát triển, đời sống người dân còn khó khăn, lại hay gặp nhiều thiên tai. Thực tế này khiến nguồn lực đầu tư dàn trải, khó phát huy hiệu quả.

Vừa qua, tại Kết luận số 126, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh. Không ít ý kiến đã đề cập đến việc Quảng Nam – Đà Nẵng về lại “một nhà”, bởi có sự đồng nhất với nhau về văn hóa, lịch sử, cùng điều kiện kinh tế xã hội.

Đó có thể là “gợi ý” tốt. Bởi với việc tạo dựng được một nền tảng phát triển vững chắc, khi được hợp nhất làm một, thì Quảng Nam – Đà Nẵng chẳng khác nào như “hổ mọc thêm cánh”, cùng với đó sẽ bổ khuyết cho nhau, tạo nên dư địa mới, lớn hơn để phát triển vượt bậc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Quang Minh

Theo Vietnamfinance