Khát vọng trung tâm tài chính và những thách thức cho Đà Nẵng
TS. Lê Minh Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam đã có các phân tích về thách thức của Trung tâm tài chính Đà Nẵng.
Nhận diện thách thức của Trung tâm tài chính tại Đà Nẵng
TS. Lê Minh Nghĩa cho rằng so với các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, thị trường tài chính của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung còn non trẻ, thiếu chiều sâu và chưa đa dạng về sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Thị trường trong nước hiện tại mới chỉ tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ tài chính truyền thống, chưa phát triển đầy đủ các sản phẩm dịch vụ tài chính hiện đại, đa dạng, các sản phẩm phái sinh. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển ổn định và còn thiếu các tổ chức xếp hạng có đủ năng lực và uy tín để hoạt động trên thị trường quốc tế.
Dù có nhiều trường đại học, cao đẳng, nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng trong lĩnh vực tài chính, am hiểu thị trường quốc tế, thành thạo ngoại ngữ và kỹ năng chuyên môn cao vẫn còn thiếu hụt.
Hệ thống pháp luật về tài chính của Việt Nam còn chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ và nhìn chung là chưa theo kịp với sự phát triển của thị trường tài chính quốc tế. Trong bối cảnh đó, Đà Nẵng sẽ cần phải xây dựng một khung thể chế, cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với hoạt động của một Trung tâm tài chính khu vực, bao gồm các quy định về thuế, điều tiết, giám sát, thị trường vốn, fintech...
Để vừa có thể đảm bảo được sự hài hòa giữa năng lực phát triển thực tế và các thông lệ của thị trường quốc tế, đặc biệt là vận hành các cơ chế giám sát an toàn và hiệu quả, việc xây dựng một khung thể chế phù hợp là yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của trung tâm tài chính.
Chưa dừng ở đó, hạ tầng công nghệ thông tin của Đà Nẵng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của Trung tâm tài chính, đặc biệt là về tốc độ, tính ổn định, an ninh mạng.
Chính vì vậy, Đà Nẵng cần thu hút được khối lượng đủ các tổ chức tài chính, nhà đầu tư lớn để tạo động lực cho sự phát triển bền vững của Trung tâm tài chính, tiếp tục thu hút các tổ chức tài chính và nhà đầu tư khác. Nhưng đồng thời, thành phố cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các trung tâm tài chính khác như Singapore, HongKong, Tokyo.
Chuẩn bị nhiều quỹ đất
Theo ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, với vai trò của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đơn vị này mong muốn thúc đẩy công nghệ blockchain và tài sản mã hóa tại TP. Đà Nẵng.
Để hiện thực hóa định hướng này, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam thì TP. Đà Nẵng cần tập trung vào ba mục tiêu chính: Thứ nhất, xây dựng trung tâm tài chính theo nghị quyết của Chính phủ, kết hợp với cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội, đồng thời gắn kết với ngành du lịch cao cấp.
Thứ hai, đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua tích hợp các hoạt động kinh tế mới và cũ trong các cơ chế đặc thù của thành phố, tránh phụ thuộc vào một cơ chế riêng lẻ. Thứ ba, thực tiễn hóa các vấn đề quan trọng cụ thể như thử nghiệm giao dịch tài sản mã hóa, sàn giao dịch carbon, sàn giao dịch dữ liệu…
Riêng về thành phố, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết trước mắt, địa phương đã quy hoạch quỹ đất rộng 6,17ha. Khu vực này được ưu tiên với vị trí đắc địa và hạ tầng đạt tiêu chuẩn hàng đầu Việt Nam, đáp ứng các chức năng như văn phòng, cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí và tiện ích.
Bên cạnh đó, thành phố cũng dành khu đất rộng 9,7ha để phát triển các dịch vụ công nghệ tài chính (Fintech). Khu vực này nằm liền kề Khu Công viên Phần mềm số 2, một trọng điểm thu hút các công ty công nghệ tiên tiến với 29 cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin đạt chất lượng cao.
Về dài hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng thành phố sẽ nghiên cứu và quy hoạch thêm quỹ đất mở rộng với diện tích 62ha. Kế hoạch này hướng đến việc hình thành một tổ hợp hoàn chỉnh cả về quy mô lẫn không gian, tạo nền tảng phát triển bền vững.
Động thái này được kỳ vọng sẽ gia tăng sức hút đối với các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực hạ tầng trung tâm tài chính, đồng thời thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia hoạt động tại Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng.TP. Đà Nẵng cũng dự kiến huy động tối đa các nguồn lực từ đầu tư tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, và ngân sách nhà nước để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, hệ thống năng lượng, cùng các hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối và xã hội hiện đại. Tất cả đều được định hướng theo mô hình đô thị thông minh.
Mặt khác, TP. Đà Nẵng sẽ làm việc với các nhà đầu tư chiến lược để nghiên cứu khả năng tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển Khu phức hợp trung tâm tài chính và các dịch vụ đi kèm tại Đà Nẵng.
"Chúng tôi sẽ đề xuất Trung ương ban hành các chính sách vượt trội nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới đến sinh sống và làm việc tại Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng," Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh.