Đại gia BĐS Bình Dương: Hai lần ra mắt bẽ bàng
- Thất bại bẽ bàng sau cả 2 lần chào bán cổ phiếu, ông trùm bất động sản công nghiệp đang tìm một cơ hội mới với cú ra mắt ngay đầu đầu năm mới Mậu Tuất.
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - TNHH MTV - Becamex (BCM) sẽ chính thức giao dịch 23.469.000 cổ phần trên sàn UPCOM kể từ ngày 21/2/2018.
Giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên là 31.000 đồng/cổ phiếu.
Becamex sẽ là doanh nghiệp bất động sản công nghiệp tiếp theo lên sàn sau khi Tổng công ty Idico lên sàn Upcom vào ngày 24/11 vừa qua và một ông trùm khu công nghiệp tại Đồng Nai Sonadezi lên Upcom vào ngày 20/11.
Đây sẽ là ông lớn bất động sản công nghiệp nữa lên sàn sau một loạt doanh nghiệp như: IDV, LHG, D2D, KBC, SZL, TIP…
Tuy nhiên, số phận của các cổ phiếu bất động sản công nghiệp khá khác nhau, giống như sự phân hóa diễn ra khá mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán (TTCK) trong cả một năm sôi động vừa qua.
Trước đó, Becamex trở thành "bom xịt" khi chỉ chào bán thành công được hơn 6% cổ phần trong tổng cộng hơn 311 triệu cổ phần (23,6% vốn điều lệ) đưa ra bán đấu ra trong phiên IPO quy mô lớn nhất 2017.
Becamex tiếp tục đấu giá cổ phần lần 2 vào đầu 2018 nhưng kết quả không khả quan hơn mấy khi chỉ có 4 nhà đầu tư đăng ký đấu giá với tổng khối lượng 5,1 triệu cổ phiếu tại mức giá khởi điểm 31.000 đồng/cp.
Sau 2 lần, Becamex IDC chỉ bán được chưa tới 24 triệu cổ phần, tương đương 7,7%, thu về 745 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, tình trạng phân hóa cũng diễn ra rất mạnh mẽ. Trong khi hàng loạt các cổ phiếu tăng lên mức giá cao lịch sử như VIC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung, MWG của ông Nguyễn Đức Tài, VJC của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo…. thì nhiều cổ phiếu khác ở mức đáy nhiều năm.
Tình trạng cổ phiếu lên cao xuống thấp không diễn ra riêng biệt ở một nhóm cổ phiếu nào mà phân tán trong các nhóm.
Nhóm ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng nhanh, bán lẻ là nhóm khởi sắc hơn. Các nhóm còn lại có tốc độ tăng chậm hơn. Nhóm dầu khí chịu ảnh hưởng của giá dầu thế giới.
Nổi bật trong nhóm bán lẻ có Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài và PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung tiếp tục có giá cổ phiếu diễn biến ấn tượng nhờ quy mô doanh nghiệp tăng theo thực tế số lượng cửa hàng tăng thêm trong các năm vừa qua và dòng vốn ngoại đổ vào.
Trong phiên 12/2, hàng loạt cổ phiếu blue-chips tăng trần trở lại sau những phiên chịu áp lực giảm từ thế giới.
Nhóm cổ phiếu được mua mạnh nhất là ngân hàng (như CTG, MBB, BID), dầu khí (GAS, PVD, PVS) và chứng khoán.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VIC, VJC, BHN… cũng tăng mạnh.
CTCK BSC nhận định sau đợt điều chỉnh mạnh gần đây thì giá cổ phiếu đang ở mức khá hợp lý cho các nhà đầu tư. Hơn thế nữa, với tin đồn việc điều chỉnh tỷ lệ margin sẽ hoãn lại sẽ giúp cho lực cầu càng được đẩy mạnh hơn. Nhiều khả năng trong phiên giao dịch ngày 13/02, dòng tiền sẽ tiếp tục được đổ mạnh mẽ vào thị trường và các nhóm ngành tài chính như ngân hàng và chứng khoán đang khá hấp dẫn.
Gần đây, nhiều chuyên gia tiếp tục đưa ra nhận định cho rằng TTCK sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội năm 2018 và sẽ tăng trưởng trong năm này.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/2, VN-index tăng 37,85 điểm lên 1.041,79 điểm; HNX-Index tăng 4,52 điểm lên 122,02 điểm. Upcom-Index tăng 0,96 điểm lên 57,45 điểm. Thanh khoản đạt gần 220 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 5,7 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
Theo V. Hà
Vietnamnet
Link nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/tin-chung-khoan-ngay-13-2-dai-gia-bds-binh-duong-hai-lan-ra-mat-be-bang-430205.html