Đại gia Dũng “lò vôi” nói gì về vụ chuyển nhượng dự án Khu dân cư Đại Nam không thành công

Đại diện chủ đầu tư Khu dân cư Đại Nam, thông tin dự án đã bán cho Vinasing Group với tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng hơn 2.434 tỷ đồng không chính xác.

 

Sau 4 năm triển khai xây dựng, hiện dự án vẫn rất vắng vẻ, thiếu người về ở
Sau 4 năm triển khai xây dựng, hiện dự án vẫn rất vắng vẻ, thiếu người về ở

Theo đại diện CTCP Đại Nam, thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc đã bán khu dân cư Đại Nam tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước và thu về hơn 2.434 tỷ đồng là không chính xác. Dự án khu dân cư Đại Nam do Công ty TNHH MTV Tân Khai - là thành viên của Đại Nam Group, cũng là của ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng "lò vôi") làm chủ đầu tư.

Trước đó, ngày 12/5/2022, Công ty Tân Khai ký "Hợp đồng ghi nhớ" với CTCP Vinasing Group (trụ sở chính tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, với tổng giá trị hợp đồng dự kiến là trên 2.434 tỷ đồng.

Đại diện Công ty Tân Khai ký hợp đồng là ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch công ty; đại diện Công ty Vinasing Group là ông Lê Minh Thơ là người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT. Theo hợp đồng, Ngân hàng Phương Đông (OCB) chi nhánh Bình Dương là trung gian thanh toán.

Đến ngày 21/5/2022, ông Huỳnh Uy Dũng ký văn bản gửi Công ty Vinasing Group thông báo chấm dứt hợp đồng ghi nhớ đã ký ngày 12/5/2022 vì bên mua không chuyển tiền cọc như cam kết.

Theo đại diện CTCP Đại Nam, việc chuyển nhượng là chưa diễn ra. Mặc dù Công ty Vinasing Group và Công ty TNHH MTV Tân Khai có ký “Hợp đồng ghi nhớ” với điều khoản: "Bên B (CTCP Vinasing Group) đặt cọc cho bên A (Công ty TNHH MTV Tân Khai) 100 tỷ đồng ngay sau khi ký hợp đồng này vào số tài khoản của bên A. Trong vòng 7 ngày, nếu bên B không đặt cọc như cam kết thì hợp đồng xem như vô hiệu". Tuy nhiên, đến ngày 21/5, CTCP Vinasing Group vẫn chưa thực hiện việc chuyển tiền cọc nào như đã cam kết nên hợp đồng ghi nhớ đã bị hủy.

Trước đó thông tin lan truyền trên mạng xã hội với tin đồn ông Dũng “lò vôi” bán dự án Khu dân cư Đại Nam cho Vinasing Group với số tiền hơn 2.434 tỷ đồng bao gồm 219.999,9m2 đất ở (1.122 nền); 11.218,5m2 đất thương mại dịch vụ; 96.707,6m2 đất xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó, riêng đất ở giá trị hơn 1.979 tỷ đồng (tương đương 9 triệu đồng/m2).

Khu dân cư Đại Nam tọa lạc tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành có diện tích 96,7 ha, được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào năm 2018. Khu dân cư Đại Nam bố trí các khu đất để xây nhà phố liên kế, đất ở biệt thự và đất xây nhà ở xã hội…

Sau 4 năm triển khai xây dựng, hiện dự án vẫn rất vắng vẻ, thiếu người về ở, cơ sở hạ tầng của khu dân cư mặc dù đã được đầu tư hoàn thiện nhưng lâu ngày không sử dụng nên cỏ mọc um tùm, đường sá có dấu hiệu xuống cấp. Khu nhà điều hành nhưng bị bỏ hoang, không có người làm việc …

Liên quan đến việc “đổ bể” trong thương vụ Khu dân cư Đại Nam, nhiều người tò mò muốn biết Vinasing Group công ty gì?

Theo tìm hiểu, Vinasing Group đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 19/10/2016 với vốn điều lệ là 100 tỷ đồng. Vinasing Group do ông Lê Minh Thơ (SN 1979) là người đại diện pháp luật, kiêm Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc. Bên cạnh đó, ông Thơ còn là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Bay dịch vụ kinh khí cầu quốc tế.

Vinasing Group có địa chỉ nằm ở tầng 12, toà nhà 188 Trường Chinh, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Đến nay Vinasing Group đã qua 3 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, lần gần nhất là ngày 24/8/2022.

Vinasing Group hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực môi trường, bao gồm: Đầu tư xã hội hoá như hệ thống vệ sinh công cộng, cây lọc nước…, truyền thông - quảng cáo, tổ chức sự kiện.

Ban lãnh đạo Công ty cho biết đã dành một phần lợi nhuận trong nhiều năm hoạt động để tài trợ cho TP Hà Nội hơn 193 tỷ đồng, đầu tư cho các công trình công ích phục vụ cộng đồng và dân sinh gồm: 500 nhà vệ sinh công cộng, 200 ghế gang đúc/inox, 20 cây lọc nước uống trực tiếp và 10 xe bồn chuyên dụng.

Tại TP.HCM, năm 2016, Vinasing Group từng mong muốn tài trợ cho thành phố 1.000 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC), 10 xe bồn chuyên dụng và 500 thùng đựng rác công cộng. NVSCC được thiết kế dạng lắp ghép (bán kiên cố), không phải đào bới đường. Hệ thống xử lý nước, xả thải, môi trường thông qua xe bồn cung cấp. Thời gian thực hiện 1.000 NVSCC sẽ từ 10 - 12 tháng, vốn đầu tư là 110 tỷ đồng.

Phương án Vinasing thu hồi vốn là TP.HCM cho phép sử dụng cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn để khai thác quảng cáo trong vòng 15 năm. Song song đó, Vinasing sẽ có trách nhiệm bảo trì toàn bộ số cầu vượt mà công ty khai thác.

Hiện Vinasing Group đặt mục tiêu trở thành đơn vị số 1 tại Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư xã hội hóa các công trình công cộng.

T.L

Theo Chất lượng và cuộc sống