'Đại gia' Hà Lan và Ấn Độ 'tranh phần' làm siêu dự án cảng biển lớn nhất miền Trung
'Ông lớn' ngành logistics Hà Lan đã ngỏ ý đầu tư vào siêu cảng này và cam kết bảo đảm xây dựng cảng này trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Công ty Verbrugge International B.V. (Hà Lan) đã có buổi làm việc với UBND TP. Đà Nẵng tìm hiểu cơ hội đầu tư vào dự án trọng điểm Cảng Liên Chiểu.
Tại buổi làm việc, ông Marinus Jan Verbrugge, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Verbrugge International B.V. nhận định, dự án trọng điểm Cảng Liên Chiểu là một cơ hội đầu tư lớn cho cho công ty đa dạng hóa môi trường đầu tư của mình.
Trong khi đó, Verbrugge đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển và đạt được nhiều thành tựu trên thế giới. Cụ thể, Công ty cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu tại Hà Lan với công suất khoảng 10 triệu tấn hàng tổng hợp hàng năm. Công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường bộ khắp BeNeLux và Châu Âu. Công ty đã được cấp những chứng nhận về chất lượng tiêu chuẩn toàn cầu như ISO 14001, ISO 45001, ISO 22000, ISO 9001:2015, ISPS Code...
Vì vậy, với năng lực tài chính vững chắc, công ty đảm bảo sẽ tạo thuận lợi cho sự kết nối sâu rộng trong ngành logistics giữa hai bên; góp phần mở rộng hoạt động vận tải, xuất nhập khẩu về sau.
Đáp lại ngỏ lời của Tổng Giám đốc điều hành Verbrugge, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mạnh, bảo đảm xây dựng cảng này trở thành cảng trung chuyển quốc tế, sớm đưa khu vực Liên Chiểu thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu gồm 2 dự án thành phần. Trong đó, Hợp phần A (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) có tổng mức đầu tư 3.462 tỷ đồng đã khởi công cuối năm 2022; Hợp phần B đang được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân.
Hợp phần B bao gồm 8 bến container (tổng chiều dài neo đậu 2.750m cho tàu từ 50.000-200.000DWT), 6 bến hàng tổng hợp (tổng chiều dài neo đậu 1.550m cho tàu từ 50.000-100.000DWT), bến cho tàu pha sông biển, hậu phương cảng. Theo tính toán sơ bộ của UBND TP. Đà Nẵng, chi phí đầu tư vào khoảng 48.304 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn 1 (2024-2030) hơn 23.577 tỷ đồng, giai đoạn 2 (2031-2037) hơn 16.271 tỷ đồng, giai đoạn 3 (2042-2045) hơn 8.455 tỷ đồng.
Đầu năm 2024, cũng đã có 2 nhà đầu tư là Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng và liên danh Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát - Tập đoàn Adani (Ấn Độ) nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Ngoài ra, hiện có một số nhà đầu tư lớn khác như liên danh BRG - Sumitomo đang quan tâm tới dự án.
Adani là một trong các tập đoàn lớn nhất Ấn Độ. Riêng trong lĩnh vực đầu tư cảng biển, Adani thuộc nhóm 5 công ty có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và là công ty hàng đầu tại Ấn Độ trong phát triển, vận hành cảng và hệ thống hậu cần tích hợp, chiếm 25% năng lực cảng của Ấn Độ. Tổng Giám đốc Karan Adani đã cho biết, Adani quyết định cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD. Trong đó, Adani mong muốn xây dựng hệ sinh thái cảng biển theo hướng xanh hóa và đầu tư các nhà máy điện gió, điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam, tổng số vốn khoảng 3 tỷ USD.
Được biết, dự án cảng Liên Chiểu gồm 2 thành phần, phần cơ sở hạ tầng dùng chung và phần kêu gọi đầu tư trong đó, phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư 3.462 tỷ đồng từ nguồn ngân sách đã tổ chức khởi công từ tháng 9/2023 và dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg năm 2021, cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung và là 1 trong 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm Việt Nam.