Đang “ôm nợ” gần 10.000 tỷ đồng, Nhà Khang Điền vẫn bảo lãnh công ty con vay ngân hàng
Chỉ trong vòng 6 tháng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã CK: KDH) đã đứng ra bảo lãnh cho công ty con là Công ty TNHH MTV Nhà Khang Phúc vay 6.808 tỷ đồng từ ngân hàng.
Bảo lãnh cho Nhà Khang Phúc vay 6.808 tỷ đồng
Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Nhà Khang Điền) đã công bố Nghị quyết số 33/2022/NQ-HĐQT ngày 20/12/2022 về việc cam kết bảo lãnh để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ thanh toán thay cho Công ty TNHH MTV Nhà Khang Phúc (do Khang Điền nắm 100% vốn điều lệ) tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) - Chi nhánh Quận 4 với số tiền là 930 tỷ đồng.
Được biết, mục đích vay vốn lần này của Nhà Khang Phúc nhằm thanh toán chi phí nộp tiền sử dụng đất giai đoạn 1 của dự án Khu nhà ở 11A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM và thanh toán một phần chi phí đầu tư, thi công hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 của dự án.
Đồng thời, Nhà Khang Điền cũng đồng thời bảo lãnh đối với thư bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ để thực hiện dự án Khu nhà ở 11A với giá trị không vượt quá 38 tỷ đồng và các chi phí liên quan đến việc bảo lãnh.
Theo đó, Nhà Khang Điền giao quyền cho Tổng giám đốc Công ty Khang Điền triển khai ký kết hợp đồng, các văn bản, tài liệu, chứng từ liên quan đến việc bảo lãnh và ký văn bản triển khai cho Chủ tịch Công ty Khang Phúc quyết định tài sản thế chấp để đảm bảo cho khoản vay và khoản bảo lãnh nêu trên theo đúng quy định pháp luật.
Nghị quyết HĐQT Nhà Khang Điền về việc bảo lãnh cho Nhà Khang Phúc vay 930 tỷ đồng tại Ngân hàng OCB (Nguồn: KDH). |
Đây không phải là lần đầu tiên Nhà Khang Điền đứng ra bảo lãnh cho Nhà Khang Phúc vay vốn khi cách đây 2 tháng, KDH cũng đã bảo lãnh cho Nhà Khang Phúc vay tối đa 1.220 tỷ đồng với mục đích thanh toán chi phí nộp tiền thuê đất tối đa là 420 tỷ đồng theo thông báo nộp tiền thuê đất tối đa là 420 tỷ đồng theo thông báo nộp tiền thuê đất của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thanh toán chi phí đầu tư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng giai đoạn 1 do Khang Phúc làm chủ đầu tư tối đa 800 tỷ đồng.
Hay trước đó, vào thời điểm tháng 6, Nhà Khang Điền cũng đã thông qua Nghị quyết phê duyệt cho công ty con là Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Phúc thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu trung tâm dân cư Tân Tạo A – Khu A, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 21/08/2017 và Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 8/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Nhà Khang Điền phê duyệt thông qua việc Nhà Khang Phúc vay vốn và thế chấp tài sản đảm bảo cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh với hạn mức vay tối đa 4.619 tỷ đồng. Thời hạn vay là 84 tháng kể từ ngày tiếp theo của ngày giải ngân đầu tiên. Mục đích vay nhằm thanh toán chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thuộc Dự án Tân Tạo A.
Đồng thời, Nhà Khang Điền cũng sẽ bảo lãnh để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ thay tại Vietinbank trong trường hợp Nhà Khang Phúc vi phạm nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn, thu xếp nguồn vốn tham gia hỗ trợ Nhà Khang Phúc nhằm đảm bảo công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với Dự án Tân Tạo A và phương án cấp tín dụng tại VietinBank được triển khai đúng tiến độ; không giảm vốn điều lệ và duy trì vốn góp tối thiểu 99% tại Nhà Khang Phúc.
Như vậy, chỉ trong vòng nửa năm, Nhà Khang Điền đã liên tục đứng ra bảo lãnh cho Nhà Khang Phúc vay tới 6.808 tỷ đồng từ ngân hàng.
Gánh nợ gần 10.000 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh âm 2.300 tỷ
Sẽ không có gì đang nói nếu như Nhà Khang Điền đứng ra bảo lãnh cho công ty con vay hàng nghìn tỷ đồng từ ngân hàng khi đang có tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy “sức khỏe” tài chính của KDH đang không được “khỏe”. Khi doanh nghiệp này liên tục gia tăng vay nợ, dòng tiền kinh doanh liên tục âm qua các năm.
Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của KDH, trong kỳ doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 802 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động chuyển nhượng bất động sản đóng góp 789 tỷ đồng (chiếm phần lớn). Với việc giá vốn được cải thiệm đã giúp lợi nhuận gộp đạt 509 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.
Một số chỉ tiêu tài chính của KDH (Nguồn: BCTC Hợp nhất quý III/2022 của Nhà Khang Điền. |
Trong quý, doanh thu tài chính của Khang Điền không đáng kể, trong khi đó chi phí tài chính lại tăng mạnh 81%, đạt 49 tỷ đồng, chủ yếu do chiết khấu thanh toán. Chi phí bán hàng cũng tăng 5,5 lần lên 42 tỷ đồng; chi phí quán lý tăng 38% lên 51 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Khang Điền có khoản lãi khác rất lớn, đạt 116 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lỗ 6 tỷ đồng) do được bồi thường chấm dứt hợp đồng (123 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Nhà Khang Điền đạt 1.678 tỷ đồng, giảm 46%; lợi nhuận gộp 1.084 tỷ đồng, giảm 17%. Chi phí tài chính và chi phí bán hàng được tiết giảm mạnh, lần lượt đạt 52 tỷ đồng, giảm 22% và 61 tỷ đồng, giảm 31%.
Cùng với khoản lãi khác 410 tỷ đồng từ giao dịch mua rẻ (269 tỷ đồng) với công ty Phước Nguyên và Đoàn Nguyên cùng khoản bồi thường chấm dứt hợp đồng (160 tỷ đồng), Khang Điền có lãi trước thuế 9 tháng đạt 1.228 tỷ đồng, tăng 22%.
Về tài sản, tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Khang Điền đạt 21.470 tỷ đồng, tăng 49% so với đầu năm và chiếm 59% tổng tài sản. Đà tăng mạnh mẽ này là do hàng tồn kho tăng 64% lên 12.728 tỷ đồng. Đây hầu hết là bất động sản xây dựng dở dang của công ty gồm: khu dân cư Tân Tạo 5.049 tỷ đồng, khu nhà ở Đoàn Nguyên 3.208 tỷ đồng, Bình Trưng Đông 1.024 tỷ đồng, khu dân cư Bình Hưng 11A 528 tỷ đồng…
Danh mục hàng tồn kho tính đến ngày 30/9/2022 của Nhà Khang Điền. |
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 30/9/2022 của Khang Điền là 9.787 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với đầu năm. Trong đó, nợ vay tăng 2,8 lần lên 7.206 tỷ đồng, gồm: vay ngắn hạn 1.030 tỷ đồng, tăng 26%, vay dài hạn 6.176 tỷ đồng, tăng 3,5 lần.
Đáng chú ý, Khang Điền có 529 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn, tăng gấp 3 lần. Với vốn chủ sở hữu đạt 11.683 tỷ đồng, tăng 14%, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Khang Điền chỉ là 0,83 lần – mức rất an toàn.
Nợ phải trả của Nhà Khang Điền tính đến ngày 30/9/2022 là 9.787 tỷ đồng. |
Cũng nên lưu ý rằng, những năm qua, dòng tiền là một vấn đề “đau đầu” đối với Nhà Khang Điền khi kể từ năm 2018, dòng tiền kinh doanh của KDH luôn ở tình trạng âm dẫn đến việc công ty phải huy động dòng vốn bên ngoài để tài trợ. Cụ thể, dòng tiền kinh doanh năm 2018 ghi nhận âm hơn 718 tỷ đồng, năm 2019 ghi nhận âm 163,53 tỷ đồng, và năm 2021.
Bước sang quý III năm nay, dòng tiền của KDH tiếp tục ghi nhận ở mức âm. Cụ thể, 9 tháng, dòng tiền kinh doanh âm 2.315 tỷ đồng (cùng kỳ âm 854 tỷ đồng) do tăng hàng tồn kho (4.996 tỷ đồng), tăng các khoản phải thu (204 tỷ đồng), chi trả lãi vay (313 tỷ đồng).
Với việc dòng tiền liên tục âm nặng, Khang Điền phải huy động vốn từ đi vay để bù đắp. Tiền thu từ đi vay 9 tháng đã lên tới 4.118 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ.
Có thể thấy, mặc dù đang ghi nhận những “điểm trừ” về sức khỏe tài chính nhưng Nhà Khang Điền vẫn liên tục đứng ra bảo lãnh cho công ty con là Nhà Khang Phúc vay hơn 6.800 tỷ đồng từ ngân hàng.