Ngân hàng ồ ạt phát hành cổ phiếu: Chứng khoán lên đỉnh, cổ đông hưởng lợi?
Nhiều ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức, phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông nhằm tăng vốn điều lệ, mở rộng hoạt động, củng cố năng lực tài chính.
Ngân hàng rầm rộ phát hành cổ phiếu tăng vốn
Nhiều nhà băng dự kiến chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức/cổ phiếu thưởng, sau khi đã được cơ quan chức năng chấp thuận phương án tăng vốn.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) vừa chốt danh sách cổ đông hưởng quyền để phát hành hơn 107 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 15% trên tổng số cố phiếu đang lưu hành cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu (lợi nhuận giữ lại và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ tính đến 31/12/2024). Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của Vietbank sẽ tăng thêm gần 1.070 tỷ đồng, lên 8.210 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vừa được NHNN cho phép tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 2.764 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Vốn điều lệ của ngân hàng này dự kiến sẽ tăng lên mức 8.164 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng mới được NHNN chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. VIB dự kiến phát hành gần 417,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 14%.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng được tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 4.281 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành ESOP.
Nam A Bank dự kiến phát hành hơn 343,1 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 25%, đưa vốn điều lệ tăng thêm gần 3.431 tỷ đồng. Thêm vào đó, Nam A Bank cũng phát hành 85 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên, giúp vốn điều lệ tăng thêm 850 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) mới đây thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách thực hiện quyền mua cổ phiếu trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu là 10/7.

Bac A Bank sẽ phát hành 95,8 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu với tỷ lệ 10:1, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua thêm 10 cổ phiếu mới. Nếu phát hành thành công, Bac A Bank dự kiến thu về hơn 958 tỷ đồng, qua đó, vốn điều lệ tăng từ hơn 9.580 tỷ đồng lên 10.538 tỷ đồng.
Một ngân hàng khác có mức chi trả cổ tức khá cao trong năm nay là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB). Theo kế hoạch, MSB sẽ phát hành thêm tối đa 520 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ chi trả dự kiến khoảng 20%.
Trước đó, Ngân hàng Á Châu (ACB) được NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 6.700 tỷ đồng qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Cụ thể, ACB sẽ phát hành thêm tối đa gần 670 triệu cổ phần mới để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 15%. Sau phát hành, vốn điều lệ ACB sẽ tăng từ 44.667 tỷ đồng lên tối đa 51.367 tỷ đồng. Thời thực hiện dự kiến trong quý III/2025.
Tại nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, VietinBank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành tối đa gần 2,4 tỷ cổ phiếu để chia cổ tức cho giai đoạn 2009-2016, với tỷ lệ hơn 44,6%.
BIDV cũng lên kế hoạch phát hành tối đa hơn 498,5 triệu cổ phiếu thưởng (tương đương 7,1% số cổ phiếu đang lưu hành tính đến ngày 31/3/2025) để tăng vốn từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Ngân hàng này còn dự kiến phát hành thêm gần 1,4 tỷ cổ phiếu để chia cổ tức từ lợi nhuận lũy kế chưa phân phối năm 2023, tương ứng tỷ lệ thực hiện 19,9%.
Ngoài những ngân hàng trên, hiện còn một số nhà băng có kế hoạch trả cổ tức/thưởng cổ phiếu trong năm 2025 chưa thực hiện là MB, SHB, TPBank, OCB, Techcombank, PGBank và Saigonbank.
Cơ hội hưởng lợi kép cho nhà đầu tư
Việc các ngân hàng đồng loạt tăng vốn và chi trả cổ tức không chỉ nhằm củng cố năng lực tài chính mà còn cho thấy xu hướng đẩy mạnh mở rộng hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh ngành ngân hàng bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.

Theo giới chuyên gia, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt giúp các ngân hàng tích lũy vốn tự có, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) và tăng khả năng mở rộng tín dụng.
Việc ngân hàng tăng mạnh vốn là rất cần thiết, nhất là khi NHNN vừa công bố dự thảo thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Dự thảo được xây dựng theo hướng CAR tăng lên mức 10,5% (bắt đầu nâng dần từ năm 2030 và đạt mức 10,5% vào năm 2033), trong đó đảm bảo vốn cấp 1 tối thiểu là 6%, vốn lõi cấp 1 là 4,5%, tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%. Trường hợp ngân hàng không đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% sẽ không được chia cổ tức tiền mặt.
Như vậy, ngoài đảm bảo quy định về CAR, tăng vốn điều lệ là yếu tố tiên quyết giúp ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng trưởng tín dụng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây của Ngân hàng ACB, một cổ đông nêu ý kiến vì sao ngân hàng lại chia cổ tức tiền mặt đến 10%, trong khi có thể chia hết bằng cổ phiếu.
Giải đáp thắc mắc này, ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ACB - cho biết, trước khi quyết định chia tiền mặt hay cổ phiếu, ACB cũng đã cân nhắc làm sao cân bằng cho vốn của cổ đông tối ưu trong trung và dài hạn, chứ không phải chỉ trong 6 tháng.
Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu giúp ngân hàng gia tăng vốn điều lệ nhanh chóng, tiết kiệm chi phí hơn so với huy động từ thị trường.
Dưới góc nhìn dài hạn, đây là phương thức “gieo hạt” cho sự bền vững. Cổ đông dù không có dòng tiền ngay nhưng sở hữu nhiều cổ phần hơn và nếu ngân hàng tăng trưởng tốt thì cổ đông sẽ nhận được giá trị nhiều hơn.
Với thị giá đa phần ngân hàng niêm yết đang ở mức dưới 30.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư mua vào các cổ phiếu ngân hàng đều trong nửa đầu năm nay có cơ hội hưởng lợi kép gồm cổ tức và cơ hội tăng giá.
Nguồn cung cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong nửa cuối năm nay thông qua các đợt phát hành tăng vốn cũng phần nào gây áp lực lên sức cầu. Nhưng theo các chuyên gia, giá “cổ phiếu vua” đang giao dịch dưới giá trị sổ sách nên còn triển vọng tăng trong thời gian tới.