Đánh thuế bất động sản: 'Không nên vội vã mà tham bát bỏ mâm'
Việc cải cách sắc thuế bất động sản phải tính toán một lộ trình cẩn thận, nếu không sẽ làm cho quá trình phục hồi kinh tế trở nên khó khăn. Các chuyên gia cảnh báo, không nên tư duy vội vã mà thành “tham bát bỏ mâm”.
Lộ trình đánh thuế thân trọng, tránh giật cục
Đề xuất đánh thuế lũy tiến đối với cá nhân sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam đang trải qua nhiều biến động.
Tuy nhiên, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần rất thận trọng trong việc lựa chọn lộ trình đánh thuế bất động sản.
“Đánh thuế cần có lộ trình cụ thể được tính toán cẩn thận, tránh tuyệt đối kiểu giật cục, đột ngột chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác sẽ gây sốc cho nền kinh tế và cả khối đồng thuận xã hội”, ông Võ nhấn mạnh.
Vị giáo sư này phân tích, mặt bằng thu nhập của người lao động Việt Nam thấp, hơn nữa đây còn là chính sách để thu hút đầu tư FDI. Trong tiền công, tiền lương gần như không nhìn thấy chi phí cho chỗ ở. Đặc biệt, hạ tầng quản lý nhà đất, thu nhập, tiêu dùng của chúng ta còn kém, chưa theo kịp các hình thức sản xuất, kinh doanh dựa vào những tiến bộ kỹ thuật.
Vậy nên lộ trình áp dụng thuế bất động sản trong nước cần thời gian, tích cực lắm cũng phải 20 năm.
Ngoài ra, ông Võ cũng cho biết thêm, sau COVID-19, cả nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng giống như một cơ thể vừa qua cơn bạo bệnh. Hiện nay, các xung đột địa chính trị đang gây ra các cuộc chiến tranh khu vực, cũng làm cho kinh tế thế giới khó kịp phục hồi. Nền kinh tế mở của Việt Nam cũng chịu tác động mạnh. Trong hoàn cảnh này, việc cải cách sắc thuế bất động sản càng phải tính toán một lộ trình cẩn thận, không làm cho khó phục hồi kinh tế, không nên tư duy vội vã mà thành “tham bát bỏ mâm”.
Yếu tố quyết định sự thành bại của chính sách thuế
Bên cạnh việc phải đề ra lộ trình cẩn thận, theo hầu hết các chuyên gia, việc áp dụng đánh thuế bất động sản thứ hai cho thấy sự cần thiết của cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường bất động sản, đây sẽ là yếu tố quyết định đến sự thành bại của chính sách thuế và cần được ưu tiên thực hiện.
TS. Trần Xuân Lượng, chuyên gia bất động sản, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, nếu không có hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường, các chính sách thuế sẽ không thể phát huy hiệu quả, thậm chí làm mất cân bằng và ổn định xã hội.
“Nguồn dữ liệu minh bạch từ phía Nhà nước sẽ là cơ sở để định giá bất động sản khách quan và chính xác, từ đó việc đánh thuế mới nhắm tới đúng đối tượng và thực hiện được mục tiêu điều tiết thị trường”, ông Lượng nói.
Ông Lượng cũng cho biết, để hiện thực hóa hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường bất động sản, cần sự vào cuộc đồng thời của nhiều bộ, ngành. Đây không chỉ là trọng trách của riêng Bộ Xây dựng, mà còn là nhiệm vụ của Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường,…
Trên thực tế, theo GS. Đặng Hùng Võ, các nước phát triển đều có hệ thống cơ sở dữ liệu nhà đất đầy đủ, toàn diện, được cập nhật kịp thời, dựa vào nền tảng số. Giúp công việc quản lý thuế trở nên giản dị, chính xác và không bị rối bời vì có thể nhiều dữ liệu mà tạo nên khó vận hành.
“Các cơ quan quản lý có thể biết chính xác trên cả nước ông A hay ông B đang sở hữu bao nhiêu bất động sản, thuộc loại nào, tổng giá trị là bao nhiêu. Không có chuyện mù mờ đối tượng đánh thuế”, GS. Đặng Hùng Võ cho hay.
Dưới góc nhìn của chuyên gia pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đánh giá, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai một cách đồng bộ là yêu cầu tiên quyết để có thể áp dụng đánh thuế bất động sản thứ hai.
“Để có được dữ liệu này đầy đủ, các sở, ban, ngành phải thực hiện kiểm tra số lượng nhà đất được sở hữu bởi mỗi cá nhân. Ngoài ra, cần kiểm soát được giao dịch bất động sản qua ngân hàng, sàn giao dịch, thậm chí tiền mặt để có thể nắm bắt chính xác dữ liệu”, ông Lực cho biết.