Đánh thuế BĐS: Lo ngại đánh 'nhầm và trượt' đối tượng
Xoay quanh câu chuyện đánh thuế bất động sản (BĐS), vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ cần được giải thích thỏa đáng.
Tồn đọng nhiều bất cập
Thời gian gần đây, chủ đề đánh thuế BĐS thứ 2 nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.
Chủ một doanh nghiệp về BĐS cho rằng có nhiều người phải làm việc cả đời mới tích góp đủ để mua thêm một căn nhà dành cho con cháu.
Mục đích mua BĐS của họ hoàn toàn trong sáng và thu nhập cũng không dư dả, dù sở hữu căn nhà thứ hai. Do đó, nếu đánh thuế trong trường hợp này sẽ vô hình chung tạo nên áp lực cho họ.
Bên cạnh việc đánh thuế bất động sản thứ 2, Bộ Xây dựng còn đề xuất đánh thuế nhà/đất bỏ hoang.
Về cơ bản, đây là quy định cần thiết để tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.
Tuy nhiên, theo chủ doanh nghiệp BĐS, cần có những quy định cụ thể dành cho từng đối tượng, nếu không, việc áp thuế sẽ "tự tay bóp nghẹt" thị trường địa ốc.
Trong một số trường hợp, có người được thừa kế mảnh đất từ cha mẹ, nhưng vì điều kiện tài chính chưa cho phép hoặc chưa có nhu cầu nên họ không xây dựng công trình trên đất. Nhiều câu hỏi đặt ra liệu trong trường hợp này, họ có bị đánh thuế hay không?
Chính sách áp thuế đối với BĐS bỏ hoang vẫn còn nhiều điểm cần bàn đến.
Đa phần các dự án BĐS tại Việt Nam thường bị trễ hẹn do vướng mắc pháp lý hoặc khó khăn trong công tác bàn giao mặt bằng. Nếu vì những lý do khách quan mà dự án phải "đắp chiếu", việc phải chịu thêm thuế sẽ khiến các doanh nghiệp kiệt quệ.
Đánh thuế BĐS thứ hai là cần thiết
TS. Nguyễn Trí Hiếu -Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và BĐS toàn cầu khẳng định rằng việc đánh thuế bất động sản thứ hai là cần thiết và nên áp dụng chung cho mọi đối tượng.
“Tôi hiểu và đồng cảm với những người tích góp cả đời mới mua thêm được một căn nhà hoặc thửa đất. Việc đánh thuế như vậy sẽ là gánh nặng cho họ. Tuy nhiên, các chính sách thuế cần phải vận hành theo nguyên tắc công bằng xã hội, không thể chia thành người giàu và nghèo”, ông Hiếu chia sẻ.
Theo ông Hiếu, tính "công bằng" thể hiện ở việc đánh thuế dựa trên giá trị của bất động sản.
Những người có tài chính eo hẹp, sở hữu BĐS giá trị thấp sẽ đóng thuế ít hơn. Ngược lại, những người sở hữu khối tài sản lớn, giá trị cao sẽ phải chịu thuế cao hơn.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng nhấn mạnh rằng nếu đánh thuế BĐS thứ hai dựa trên giá trị giao dịch, công tác thẩm định giá sẽ là yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định hiệu quả của chính sách. Hiện nay, việc thẩm định giá BĐS ở Việt Nam chưa chuyên nghiệp hóa; tình trạng kê khai hai giá phổ biến, trong khi cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường BĐS vẫn "nằm trên giấy".
“Bên cạnh đó, việc xác định thuế suất phù hợp với các tầng lớp trong xã hội là vấn đề Quốc hội cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
Thậm chí, theo ông Hiếu, ngoài đánh thuế BĐS thứ hai hoặc BĐS bỏ hoang, còn có khả năng xuất hiện các loại thuế suất khác đi kèm.
TS. Trần Xuân Lượng - Chuyên gia về BĐS tại Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng việc đánh thuế nhà/đất thứ hai dựa trên thuế lũy tiến.
Theo ông, nếu chủ nhà tăng giá thuê, nguồn thu nhập tăng lên, họ sẽ phải đóng thuế nhiều hơn. Tương tự, người mua càng nhiều BĐS sẽ chịu mức thuế cao hơn.
Tuy nhiên, ông Lượng chỉ rõ rằng chính sách thuế này sẽ khó thực hiện hiệu quả nếu thiếu nguồn dữ liệu minh bạch.
Ví dụ, trong các giao dịch cho thuê nhà, hợp đồng cần được kê khai chính xác và chịu sự quản lý của Nhà nước. Khi đó, việc đánh thuế mới "đúng và trúng", góp phần điều tiết thị trường, kiểm soát giá nhà. Tuy vậy, hiện nay vấn đề về cơ sở dữ liệu BĐS vẫn là một bài toán chưa có lời giải.
Theo nhiều chuyên gia, đánh thuế BĐS có thể là công cụ để kiềm chế giá đất tăng quá mức, giảm đầu cơ, ngăn chặn thao túng thị trường và đưa bất động sản về giá trị thực.
Tuy nhiên, với cơ chế quản lý thông tin đất đai hiện nay chưa thực sự rõ ràng, việc áp dụng thuế này là không dễ dàng.