Đất bị bỏ cọc tại Thủ Thiêm rục rịch tái đấu giá, liệu kịch bản cũ có tái diễn?
(CL&CS)-TP.HCM đang lên kế hoạch đấu giá lại các khu đất từng “dính phốt” bỏ cọc tại Thủ Thiêm. Mặc dù trình tự đấu giá vẫn làm theo quy định cũ nhưng thành phố đã có “kế sách” ngăn chặn “kịch bản” bỏ cọc tái diễn.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) TP.HCM, hiện nay các sở, ngành của thành phố đang báo cáo UBND thành phố để phê duyệt kế hoạch, sau đó sẽ công khai tiến độ và đưa ra đấu giá lại các lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) từng vướng vào vụ lùm xùm khi các doanh nghiệp đấu giá “trên trời” rồi bỏ cọc.
Lãnh đạo Sở TN&MT TP.HCM cho biết thêm, khi nhìn nhận lại việc đấu giá khu đất Thủ Thiêm vừa qua, thành phố đã làm đúng với những quy định hiện hành. Chỉ khi nào trình tự thủ tục thay đổi thì thành phố mới thay đổi.
“Thành phố đã là đúng trình tự, các cơ quan trung ương đã kiểm tra việc thực hiện và cũng khẳng định thành phố làm đúng quy trình. Còn lại một số quy trình, quy định cần phải điều chỉnh cho chặt chẽ, đến khi nào các cơ quan ban hành thì thành phố sẽ thực hiện,” ông Thắng nói.
Ông Thắng còn cho hay, sau đợt đấu giá đất tại Thủ Thiêm bị bỏ cọc, TP.HCM đã chỉ đạo rà soát để xây dựng kế hoạch, phương án và lộ trình đấu giá cụ thể, cũng như kiểm tra trình tự và thủ tục chặt chẽ. Điều này sẽ đảm bảo các doanh nghiệp sẽ đưa các khu đất trúng đấu giá vào sử dụng đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Nói về khả năng “kịch bản” bỏ cọc tiếp tục tái diễn nếu vẫn áp dụng quy định đấu giá cũ, ông Thắng cho hay, quy định đấu giá hiện tại là doanh nghiệp nào ra giá cao sẽ trúng đấu giá, việc tình trạng bỏ cọc tái diễn chỉ là giả định, không thể làm khác nếu pháp luật chưa thay đổi.
Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (thuộc Bộ TN&MT), những quy định pháp luật hiện hành đã đủ quy định cho hoạt động đấu giá và chế tài để người đấu giá không bỏ cọc. Vấn đề hiện tại chỉ là việc triển khai thực thi.
Ông Thọ dẫn Điều 39 Luật đấu giá tài sản năm 2016 quy định về Tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước. Cụ thể, theo quy định này, người tham gia đấu giá phải nộp trước tối đa 20% giá trị khởi điểm của tài sản đấu giá. Sau khi trúng đấu giá, khoản tiền đặt trước được chuyển thành tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện giao kết hợp đồng đấu giá tài sản.
Ngay sau khi trúng đấu giá, cơ quan quản lý có thể yêu cầu doanh nghiệp trúng đấu giá nộp đủ 20% tiền đặt cọc so với giá trúng đấu giá mới được ký hợp đồng. Nếu doanh nghiệp trúng đấu giá bỏ cọc sẽ “mất trắng” số tiền tương đương 20% giá trúng đấu giá.
Ông Thọ nhận định, đây là khoản tiền rất lớn so với khả năng mất tiền hiện nay nên rất khó để doanh nghiệp trúng đấu giá bỏ cọc.
Ông Thọ cho biết thêm, theo quy định tại Điều 119 Luật đất đai năm 2013, đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật này phải đảm bảo các điều kiện để thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 58 của Luật này đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.
Nói cách khác, đối tượng tham gia đấu giá phải đáp ứng đủ điều kiện về vốn, kỹ thuật để triển khai dự án hoặc phương án đầu tư theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo ông Thọ, cần điều chỉnh về thời hạn nộp tiền sử dụng đất. Theo quy định hiện hành, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất chậm nhất trong 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, và nộp đủ 100% sau 90 ngày. Điều này dẫn tới tình trạng doanh nghiệp trì hoãn, giá giảm thì bỏ cọc hoặc đợi giá lên mới nộp tiền.
Box thông tin
Ngày 10/12/2021, TP.HCM đã tổ chức đầu giá thành công 4 lô đất Thủ Thiêm với số tiền hơn 37.000 tỷ đồng (gấp 7 lần giá khởi điểm).
Các doanh nghiệp trúng đấu giá lần lượt là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá lô đất 3-12 với số tiền 24.500 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9 với số tiền 5.026 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất 3-5, với số tiền 3.820 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất 3-8 với số tiền 4.000 tỷ đồng.
Cả 4 công ty này sau đó đã bỏ cọc, không nộp tiền sử dụng đất theo hợp đồng. Tổng số tiền bỏ cọc của 4 công ty này khoảng 1.051 tỷ đồng, tương ứng 20% giá khởi điểm các lô đất đấu giá.