Đất nhà ở xã hội hóa thành biệt thự, liền kề?
Dự án The Diamond Park được quy hoạch trái với Nghị định 100 Chính phủ về phát triển quản lý nhà ở xã hội, đối với dự án nhà ở thương mại?
Tính đến đầu tháng 8/2018, dự án The Diamond Park (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội) đã mở bán được 4 tháng nhưng đã có nhiều thông tin trái chiều về dự án khiến dư luận không khỏi băn khoăn về tính pháp lý.
Theo đó, vào năm 2008 dự án The Diamond Park (khi đó dự án này có tên Diamond Park New) được Vĩnh Phúc chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư thiết kế và Xây dựng Việt Nam (VIDEC) đầu tư trên diện tích 14,5 ha.
Kèm theo đó, VIDEC được chính quyền Vĩnh Phúc cho hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất, hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và san lấp mặt bằng… để xây “nhà ở dành cho người thu nhập thấp”, trong đó ghi rõ đối tượng của dự án là công nhân khu công nghiệp và các đối tượng chính sách xã hội tại xã Tiền Phong.
Sau khi huyện Mê Linh sát nhập vào TP. Hà Nội, đến năm 2017 dự án The Diamond Park được phê duyệt lại trên quy mô 16,8ha.
Nhưng mục đích của dự án vẫn được giữ nguyên là “nhà ở dành cho người thu nhập thấp”, đối tượng của dự án là công nhân khu công nghiệp và các đối tượng chính sách xã hội tại xã Tiền Phong.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Dũng - Phó Chủ tịch VIDEC lại nói rằng, bản chất của dự án Diamond Park là nhà ở thương mại. Đến nay, công ty vẫn chưa được hưởng bất cứ ưu đãi gì từ dự án”, ông Dũng khẳng định.
Trong bản quy hoạch hạng mục đất cũng thể hiện rõ phần lớn diện tích dự án The Diamond Park được dành cho biệt thự và nhà liền kề.
Trong tổng diện tích 16,8ha, có tới 120 lô nhà biệt thự (với diện tích đất khoảng 27.700m2); 219 lô nhà ở liên kề (22.700m2); trong khi nhà ở xã hội chỉ vỏn vẹn có 3 lô (với 17.000m2 chiếm khoảng 10% tổng diện tích).
Theo các chuyên gia bất động sản, kể cả khi Diamond Park là nhà ở thương mại thì diện tích quy hoạch của dự án vẫn chưa chính xác.
Cụ thể, theo Nghị định 100 của Chính phủ về phát triển quản lý nhà ở xã hội, đối với dự án nhà ở thương mại có diện tích trên 10 ha, chủ đầu tư phải dành khoảng 20% diện tích để xây dựng nhà ở xã hội.
Từ khi phê duyệt đến nay đã tròn 10 năm, các căn nhà ở xã hội tại dự án The Diamond Park vẫn chưa được chủ đầu tư khởi công, trong khi đó tất cả diện tích xây biệt thự, nhà liền kề được chủ đầu tư hoàn thành phân lô và bán nền... gần hết.
Bất động sản ở Mệ Linh có hồi sinh?
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội đầu năm 2018, toàn huyện Mê Linh hiện có khoảng 50 dự án bất động sản với tổng diện tích khoảng 2.000 ha, tập trung tại các xã ven Đại lộ Võ Văn Kiệt trong đó, có khoảng 20 dự án lớn, quy mô từ vài chục đến vài trăm ha, tập trung nhiều nhất tại xã Tiền Phong, nơi có dự ánThe Diamond Park của VIDEC vừa mở bán.
Dù nhiều khu vực ở huyện Mê Linh đã và đang được đầu tư hạ tầng cơ bản nhưng cả đất biệt thự liền kề, đất nền giá trung bình chỉ trên dưới 10 triệu đồng/1m2 mà vẫn ế ẩm.
Thanh khoản đóng băng đã khiến thị trường bất động sản Mê Linh rơi vào cảnh “đã nghèo còn mắc cái eo”, do đó, giới đầu tư nhận định, nhà đất nơi đây chỉ thích hợp làm của để dành, chí ít là trong vài năm tới.
Như dự án khu đô thị Hà Phong (xã Tiền Phong), chủ đầu tư Công ty cổ phần Hà Phong đã chi không ít tiền xây dựng đường sá, điện nước phục vụ cư dân nhưng hiện tại, 700 lô đất trong quy hoạch chỉ xây dựng được 100 biệt thự. 100 biệt thự lại chỉ có khoảng 40 căn có người ở, còn lại bỏ hoang.
Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội cho rằng, một trong những lý do khiến cho BĐS ở huyện Mê Linh không phát triển là hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội vẫn chưa hoàn chỉnh. Điều đó cho thấy đây là khu vực nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất cao.
“Ở khu vực này điện, đường, trường, trạm, chợ…vẫn chưa hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho người dân nên thanh khoản BĐS vẫn ế ẩm”, ông Điệp nói.
Theo Ngọc Minh / Báo Đất Việt