Đất phố cổ Hà Nội bán giá bèo: Hé lộ DN ‘thâu tóm’ nhiều nhà, đất công
Các cơ sở nhà, đất mặt phố ở phố cổ Hà Nội được xem là “đất vàng, đất kim cương”, thay vì đấu giá thì Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Đông Á lại được cho nộp tiền trước rồi mới ra quyết định bán với mức giá thấp hơn nhiều lần so với thực tế thị trường.
Cách “thâu tóm” nhà, đất phố cổ giá bèo
Như Tiền Phong phản ánh, năm 2015 Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Đông Á (Công ty Đông Á) đã làm văn bản đề nghị TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cùng lúc 3 cơ sở nhà, đất chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước (gọi tắt là nhà, đất công-PV) tại 3 vị trí mặt phố đắc địa của các quận nội đô lịch sử, nơi có giá nhà đất cao nhất của Thủ đô.
Cụ thể, cơ sở nhà đất mặt phố số 56 Hàng Gai phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm); cơ sở nhà, đất mặt phố (tầng 1) số 46 Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) và tầng 1 mặt phố số 7 Đội Cấn (quận Ba Đình). Cả 3 do các đơn vị của Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (gọi tắt Công ty quản lý nhà) quản lý và cho thuê.
Thông thường theo quy định các cơ sở nhà, đất công phải được tổ chức bán đấu giá công khai. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định bán bằng hình thức chỉ định thì sau thời hạn thông báo bán đấu giá mà chỉ có một tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; đối với các trường hợp bán chỉ định khác cũng cần phải xem xét về đối tượng thuê, mua với các tiêu chí rõ ràng.
Ở đây, ngày 05/6/2014, Công ty Đông Á cùng lúc được ký hai hợp đồng cho thuê nhà, đất mặt phố số 56 Hàng Gai và số 46 Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm). Riêng số 7 Đội Cấn (quận Ba Đình) được ký sau đấy gần một tháng.
Các cơ sở nhà, đất mặt phố ở phố cổ Hà Nội được xem là “đất vàng, đất kim cương”, thay vì đấu giá thì Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Đông Á lại được cho nộp tiền trước rồi mới ra quyết định bán với mức giá thấp hơn nhiều lần so với thực tế thị trường khiến dư luận xôn xao. |
Đặc biệt, liền sau đó DN này được nộp tiền trước vào ngân sách giá trị chuyển nhượng công trình nhà, đất tại 3 cơ sở trên khi chưa có Quyết định của UBND TP Hà Nội về bán nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Về mức giá bán cho DN này lại thấp hơn nhiều lần so với giá thực giao dịch trên thị trường cùng thời điểm, cũng như giá khởi điểm đấu giá nhà đất so cùng vị trí. Cụ thể, tại số 56 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm), mỗi m2 nhà mặt phố mà DN này phải trả có giá khoảng 88 triệu đồng; Tại số 46 Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm), mỗi m2 mặt phố có giá khoảng hơn 83 triệu đồng. Trong khi cùng thời điểm 2015, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá cơ sở nhà đất tại số 4 Hàng Gai (cùng dãy với số 56 Hàng Gai-PV) có mức giá khởi điểm khoảng 200 triệu đồng/m2. Còn nếu theo giá thực giao dịch trên thị trường cùng thời điểm thì giá nhà, đất tại các tuyến phố như Hàng Gai cao gấp nhiều lần.
Hé lộ DN ‘thâu tóm’ nhiều nhà đất công
Ngoài được mua với giá bèo 3 cơ sở nhà đất nêu trên, DN này còn được “ưu ái” ký hợp đồng thuê nhà, đất chuyên dùng mặt phố ở số 46 Hàng Da (quận Hoàn Kiếm) với diện tích khoảng gần 48m2 đất và hơn 68 m2 nhà.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Đông Á có địa chỉ chính ở KCN Phố Nối A, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) do ông Bùi Đình Quý làm đại diện.
Câu hỏi mà dư luận đặt ra, một DN ở tận Hưng Yên lại được “ưu ái” mua và thuê nhiều cơ sở nhà, đất công ở vị trí “đất vàng, đất kim cương” ở Hà Nội như vậy? Lần tìm cho thấy, Công ty Đông Á khá rõ “bóng dáng” của Công ty CP đầu tư Alphanam (Tập đoàn Alphanam) trong đó.
Trên trang web của Tập đoàn Alphanam giới thiệu, ông Nguyễn Tuấn Hải làm Chủ tịch Tập đoàn, còn ông Bùi Đình Quý làm Giám đốc Công ty Đông Á. Cả hai đều chung địa chỉ chính tại KCN Phố Nối A, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên).
Dự án khu nhà hỗn hợp Trung tâm thương mai, dịch vụ, văn phòng và nhà ở để bán tại số 108 Nguyễn Trãi (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân) được chuyển nhượng từ Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. |
Đối với Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, đơn vị có mối “lương duyên” với Công ty Đông Á là công ty đầu tư gián tiếp của Alphanam trong việc ký các hợp đồng cho thuê các cơ sở nhà đất ở phố cổ hiện đang làm chủ đầu tư Dự án khu nhà hỗn hợp Trung tâm thương mai, dịch vụ, văn phòng và nhà ở để bán tại số 108 Nguyễn Trãi (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân).
Trong khi đó, Tập đoàn Alphanam thông qua công ty con là công ty BĐS Hoa Anh Đào hiện cũng đang thực hiện dự án khu nhà hỗn hợp cao tầng mang tên khu chung cư cao cấp King Palace cao 27-36 tầng cùng địa chỉ số 108 Nguyễn Trãi.
Để thực hiện dự án khu hỗn hợp King Palace số 108 Nguyễn Trãi, Alphanam đã lập ra Công ty BĐS Hoa Anh Đào. Hiện theo báo cáo tài chính vừa được Alphanam công bố thì DN này đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Công ty BĐS Hoa Anh Đào cho Công ty CP đầu tư phát triển Vinacon-một công ty con của Alphanam.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra nhiều sai phạm liên quan tới việc không thu: tiền chậm tiến độ, thu nhập doanh nghiệp tại dự án 108 Nguyễn Trãi. Theo TTCP, dự án tại 108 Nguyễn Trãi do liên danh Công ty cổ phần Dụng cụ số 1 và Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư.
Ban đầu dự án được quy hoạch từ 3 đến 29 tầng; năm 2015 UBND TP Hà Nội đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chuyển nhượng một phần dự án cho Công ty CP BĐS Hoa Anh Đào; Năm 2017 lại Hà Nội có quyết định điều chỉnh dự án đầu tư, trong đó được gia hạn tiến độ thực hiện dư án, nhưng chưa xác định và thu tiền chậm tiến độ theo quy định.
“Trách nhiệm đối với những sai phạm nêu trên thuộc UBND TP Hà Nội, các sở nghành: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Cục thuế và Công ty CP Dụng cụ số 1”, Kết luận TTCP chỉ rõ.
Theo ĐÌNH PHONG - DUY PHẠM/Tiền Phong