Đấu giá đất tại nhiều địa phương có dấu hiệu ‘nóng’ bất thường, Thủ tướng Chính phủ ra công điện rà soát, chấn chỉnh
Thời gian qua, nhiều phiên đấu giá đất tại các địa phương diễn ra cực kỳ sôi động đã đẩy giá đất đấu giá và đất khu vực xung quanh lên cao. Lo ngại về những cuộc ‘sốt đất ảo’ lại có nguy cơ tái diễn. Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Công điện 1767/CĐ-TTg về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua.
Công điện có nêu rõ, thời gian nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường) đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế – xã hội và thị trường nhà ở, bất động sản.
Để công tác quản lý đất đai, bất động sản, nhà ở trong thời gian tới hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.
Đồng thời, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản; đề xuất các giải pháp để hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về cho vay vốn tín dụng.
Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Nhìn vào thực tế tình hình đấu giá đất tại nhiều địa phương thời gian qua, gây xôn xao bậc nhất có lẽ là cuộc đấu giá 4 đất tại TP Thủ Thiêm (có diện tích rộng khoảng hơn 30.000 m2 thuộc khu chức năng số 3 khu dân cư phía bắc, Khu đô thị mới Thủ Thiêm với mức giá 37.350 tỉ đồng) được diễn ra vào ngày 10/12 vừa qua.
Mức giá được đưa ra cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Đây là mức giá cao kỷ lục tại thị trường bất động sản Việt Nam.
Theo đó, 4 doanh nghiệp trúng đấu giá là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh), Công ty cổ phần Sheen Mega, Công ty CP Dream Republic và Công ty TNHH thương mại Bình Minh.
Đáng chú ý,Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã trúng đấu giá lô đất với một mức giá không tưởng (2,45 tỷ đồng/m2), tức 24.500 tỉ đồng cho khu đất có diện tích hơn 10.000 m2. Mức giá này cao gấp 8 lần giá khởi điểm.
Trước đó, tình hình đấu giá đất tại tỉnh Bắc Giang cũng nhận được sự chú ý của đông đảo dư luận với những diễn biến ‘dở khóc, dở cười’. Cụ thể, tháng 11 vừa qua, tại Huyện Yên Dũng đã đấu giá 47 lô đất ở tại hạ tầng kỹ thuật KDC thôn An Phú, xã Xuân Phú và thôn Bình An, xã Tiền Phong với tổng diện tích gần 4,7 nghìn m2, giá khởi điểm hơn 40,5 tỷ đồng, dao động từ hơn 346 triệu đồng đến hơn 2,7 tỷ đồng/lô.
Kết quả tất cả các lô đất đều có khách hàng trả với giá trúng hơn 72 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm hơn 31 tỷ đồng. Lô có giá trúng cao nhất trị giá hơn 4,5 tỷ đồng, diện tích hơn 150 m2. Lô đất này chênh so với giá khởi điểm hơn 1,8 tỷ đồng.
Hay như 98 lô đất ở tại khu dân cư trung tâm xã Tân Hưng (huyện Lạng Giang) được đấu giá sau đó. Được biết, khu đất này rộng 12.900 m2 có tổng giá khởi điểm là hơn 137 tỷ đồng. Kết thúc phiên đấu giá, 98 lô đất đều có khách hàng trúng, tổng giá trúng là 338 tỷ đồng, chênh lệch so với mức khởi điểm hơn 201 tỷ đồng; đặc biệt 2 lô góc rộng 180m2 có giá trúng chênh lệch so với giá khởi điểm từ 3,35 – 2,4 tỷ đồng.
Điều đáng nói, việc trả giá cao cho mỗi lô đất đa phần là do nhà đầu tư cố tình “đầu cơ” để “lướt sóng” nhằm kiếm lời vì người có nhu cầu thực hầu như không thể theo nổi. Tuy nhiên, “người tính không bằng trời tính”, do dịch bệnh hoặc nhiều lí do khách quan mà nhà đầu tư không thể chuyển nhượng được đất, do đó không có tiền nộp khi đến thời hạn nên phải chấp nhận bỏ cọc.
Tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) ngày 16/10 vừa qua cũng đã diễn ra phiên đấu giá quyền sử dụng đất 57 lô đất tại khu Góc Quéo 2, thôn Ngọc Đình, xã Hồng Dương. Giá trúng thấp nhất là 18,8 triệu đồng/m2, gấp 3,5 lần so với giá khởi điểm. Có một lô góc giá trúng còn lên tới 40,2 triệu đồng/m2, cao gấp gần 8 lần so với mức giá khởi điểm.
Tại huyện Mê Linh, một cán bộ Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện cũng cho biết, vừa qua Trung tâm quỹ đất huyện đã hủy bỏ kết quả và tổ chức đấu giá lại một dự án trên địa bàn do nhà đầu tư bỏ cọc. Cụ thể, tại dự án đấu giá thôn Ngự Tiền (xã Thanh Lâm) có 10 thửa đất bỏ cọc; dự án tại điểm X2, thôn Văn Lôi (xã Tam Đồng) có 5 thửa đất bỏ cọc; dự án tại điểm X3 (xã Tam Đồng) cũng có trường hợp bỏ cọc… Được biết, khi tham gia đấu giá, họ bỏ giá gấp 2 – 3 lần giá khởi điểm nhưng đến hạn nộp tiền thì bỏ cọc vì nhiều lý do. Số tiền nhà đầu tư bỏ cọc trên địa bàn huyện khoảng 60 tỷ đồng.