Khánh Hòa: Siết chặt quản lý đất đai ngăn chặn "sốt ảo"
Trước tình trạng “sốt đất ảo” tại huyện Cam Lâm và thị xã Ninh Hòa, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chấn chỉnh, tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Cảnh báo tình trạng "sốt đất ảo"
Theo văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phổ biến, quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm Chỉ thỉ số 22 ngày 3/10/2019, văn bản số 919 ngày 4/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản, quy định pháp luật có liên quan trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản… bằng các hình thức phù hợp, nhằm nâng cao ý thức, nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; công bố công khai, minh bạch các quy hoạch, thông tin về dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để người dân biết và thực hiện, góp phần hạn chế việc lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân để gây tình trạng “sốt đất ảo” nhằm trục lợi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo đảm chấp hành nghiêm các quy định, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; tuyệt đối không được buông lỏng trách nhiệm quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định đối với trường hợp sai phạm. Đồng thời, tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm...
Trước đó, đầu tháng 11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa có công văn yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát toàn bộ các văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, nhất là vấn đề liên quan đến hạn mức tối thiểu tách thửa đất, hiến đất làm đường giao thông, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Bên cạnh đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cảnh báo thời gian qua, trên địa bàn huyện Cam Lâm xảy ra tình trạng sốt đất ảo. Nguyên nhân do môi giới “bơm thông tin” không chính xác, làm người mua hiểu nhầm. Thực tế, khi tỉnh triển khai thực hiện quy hoạch dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội tại đây, toàn bộ khu vực quy hoạch dự án sẽ áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất với giá theo quy định, đặc biệt là những khu vực quy hoạch công viên, cây xanh, công cộng.
Chính vì vậy, người mua không nên nghe theo những lời có cánh của môi giới, rất dễ lặp lại tình trạng của khu vực Bắc Vân Phong thời điểm năm 2018. Đối với quy định diện tích tối thiểu tách thửa và tình trạng hiến đất làm đường để tách thửa, phân lô, tỉnh đang cho rà soát lại để điều chỉnh các bất cập, đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm nếu có.
Đủ "chiêu trò” tạo sóng của môi giới
Gần đây, thông tin tỉnh Khánh Hòa đề nghị lập quy hoạch đô thị mới Cam Lâm cùng với hàng loạt “ông lớn” bất động sản chọn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) để triển khai các dự án phát triển đô thị, du lịch với quy mô lên đến hàng nghìn hec-ta.
Lợi dụng những thông tin này, nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều thông tin sai sự thật hay thành lập nhiều “dự án ma” để tạo làn sóng “sốt đất” ảo.
Tại huyện Cam Lâm xuất hiện thông tin chào bán của các dự án như: dự án Khu dân cư Ario Gold tại Cam Hiệp Nam do Ario Group làm chủ đầu tư được phân chia thành 76 nền. Hay sàn giao dịch bất động sản New City (TP Nha Trang) chào bán khu đất thửa 271, tờ bản đồ 22, xã Cam Hải Tây với 74 lô đất nền đã chào bán ra thị trường. Bên cạnh đó còn có Cường Thịnh Land rao bán đất dự án Cam Lâm Central Park (29 nền đất) với quảng cáo là dự án khu dân cư trong lòng thị trấn Cam Đức; sàn giao dịch BĐS Hưng Vượng Land (thành viên của Hưng Vượng Holdings) chào bán đất dự án Suối Tân Diamond (60 lô đất) và Cam Lâm Future City tại khu vực huyện Cam Lâm.
Còn tại Thị xã Ninh Hòa, thời gian qua dự án King Palce Villa do Công ty CP tư vấn DV-TM địa ốc Đại Phúc Land làm chủ đầu tư cũng là đơn vị phát triển đang “làm mưa, làm gió” tại thị trường bất động sản tại địa bàn.
Cụ thể, tổng diện tích King Place Villa là 6.666m2, mật độ xây dựng chỉ 45% với 44 sản phẩm. Trong đó, có 10 căn shophouse, 34 căn villa. Hiện nay dự án đang được bán với mức giá khoảng từ 1,6 – 1,8 tỉ đồng/căn. Để thu hút khách hàng, Đại Phúc Land có ưu đãi như khi khách thanh toán 60% sẽ tiến hành ký công chứng chuyển nhượng mua bán, 40% còn lại được trả góp 0% lãi suất trong 1 năm.
Mặc dù những dự án trên có tên rất sang trọng nhưng thực chất đây cũng chỉ là những lô đất được phân thành vài chục nền riêng lẻ và luôn được quảng cáo là “điểm đến” tuyệt vời của giới đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, những dự án này luôn có đặc điểm chung là luôn quảng bá với những tiện ích “ăn ké” từ các dự án của nhà nước và Tập đoàn bất động sản lớn. Điển hình như dự án Cao tốc Bắc Nam; quy hoạch đô thị mới Cam Lâm thành “vùng đô thị sân bay hiện đại, sinh thái và kết nối quốc tế”; giá rẻ so với các dự án lớn (khoảng từ 700 triệu/100m2); sát bên Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh…
Trước “chiêu trò” quảng bá mạnh mẽ của các sàn môi giới, thị trường bất động sản tại huyện Cam Lâm và thị xã Ninh Hòa đã “sốt xình xịch”. Tuy nhiên, cơn “sốt đất ảo” này đã tạo nên nguy cơ mất trắng cho nhiều nhà đầu tư thứ cấp và nhiều rủi ro cho thị trường bất động sản tỉnh Khánh Hòa. Đáng chú ý đó là tình trạng người người, nhà nhà bán đất, người dân bỏ việc, bỏ vườn để chạy theo “cơn sóng” thị trường. Để rồi đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm soát thì dòng tiền đã vào nhóm đầu cơ tạo “sốt đất” và người dân lâm vào tình trạng mất trắng.