Đấu giá đất ven Hà Nội: Đã “hạ nhiệt” nhưng giá trúng vẫn cao, cao nhất hơn 100 triệu đồng/m2

Huyện Hoài Đức (Hà Nội) vừa tổ chức đấu giá 20 thửa đất tại khu đấu giá Lòng Khúc (xã Tiền Yên). Mặc dù, phiên đấu giá lần này đã “hạ nhiệt” hơn so với phiên đấu giá xuyên đếm trước đó vào ngày 19/8, song nhiều người đánh giá giá vẫn cao, lên đến hơn 100 triệu đồng/m2.

Đấu giá đất ven Hà Nội: Đã “hạ nhiệt” nhưng giá trúng vẫn cao, cao nhất hơn 100 triệu đồng/m2 - Ảnh 1

Đã "hạ nhiệt" nhưng giá trúng vẫn cao

Sáng 4/11, Trung tâm phát triển quỹ đất Hoài Đức đã tổ chức cuộc đấu 20 thửa đất (LK01 và LK02) tại khu xứ đồng Lòng Khúc, xã Tiền Yên. Các thửa đất được đem ra đấu giá có diện tích 89-145 m2/thửa với giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước dao động từ 130,8 triệu đồng đến gần 212,6 triệu đồng/lô. Hình thức đấu giá là cách bỏ phiếu trực tiếp tối thiểu 6 vòng theo phương thức trả giá lên. Bước giá áp dụng chung là 6 triệu đồng/m2.

Vị trí của 20 lô đất trên nằm ngay cạnh 19 thửa đất huyện Hoài Đức tổ chức đấu giá vào tháng 8 vừa qua.

Phiên đấu này trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc, với bước giá 6 triệu đồng một m2. Cuộc đấu kết thúc khi không còn ai tham gia trả giá. Cách thức này tương tự phiên đấu giá hồi cuối tháng 8 với 19 lô đất tại Hoài Đức được bán thành công, giá cao nhất lên đến 103 triệu đồng một m2. Nhiều người tham gia đấu giá cho rằng mức trúng đấu giá này vẫn còn “ảo giá”, cao hơn so với giá đất thị trường khu vực lân cận.

Đấu giá đất Hoài Đức đã “hạ nhiệt” nhưng giá vẫn cao lên đến hơn 100 triệu đồng/m2.  
Đấu giá đất Hoài Đức đã “hạ nhiệt” nhưng giá vẫn cao lên đến hơn 100 triệu đồng/m2.  

Đáng chú ý, phiên đấu giá lần này chỉ thu hút hơn 100 nhà đầu tư, giảm gần 4 lần so với phiên nêu trên (400 người tham dự, với trên 700 đăng ký đấu giá đất). Trước phiên, nhiều ý kiến nhận định, giá hôm nay sẽ khó "sốt" như lần trước.

Lượng người tham gia đấu giá ở huyện Hoài Đức giảm mạnh trong bối cảnh các cơ quan quản lý đã có nhiều động thái để hạ nhiệt hoạt động này. Nhiều huyện ven Hà Nội, trong đó có Hoài Đức từ cuối tháng 8 cũng đã phải tạm dừng tổ chức đấu giá đất để rà soát pháp lý. Đầu tháng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương công khai thông tin người bỏ cọc để tránh thổi giá, trục lợi qua đấu giá đất.

Theo dự kiến, vào ngày 11/11 tới đây, huyện Hoài Đức tiếp tục đấu giá 32 thửa đất (LK05 và LK06), thuộc dự án Hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn xã Tiền Yên - Xứ đồng Lòng Khúc. Các thửa đất có diện tích 97-172 m2/thửa với giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2.

Nguồn cung hạ chế khiến giá đất tăng cao

Diễn biến thực tế của những phiên đất đấu giá vừa qua cho thấy mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo và vào cuộc nhưng cuối cùng hiện tượng trên không chấm dứt, thậm chí, giá đất đấu giá vẫn tiếp tục tăng cao.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cuộc đua sở hữu đất đấu giá đang ngày càng nóng lên khi giá đất liên tục tăng chóng mặt. Tại sao lại như vậy? Câu trả lời nằm ở nhu cầu đầu tư vào bất động sản ngày càng lớn, đặc biệt là những lô đất "đảm bảo" về pháp lý và có triển vọng sinh lời cao.

Tại các khu vực như Hoài Đức, Hà Đông, sự phát triển đô thị và hạ tầng đã khiến nhiều nhà đầu tư "mạnh tay" bỏ ra số tiền lớn để sở hữu một suất đất. Ngoài ra, tâm lý "đất không bao giờ mất giá" và nguồn cung hạn chế cũng góp phần đẩy giá đất lên đỉnh cao.

Nhằm giảm thiểu tối đa các trường hợp đầu cơ, thổi giá, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, Nhà nước cũng cần có biện pháp mạnh tay hơn với các trường hợp trúng đấu giá nhưng “sang tay" ngay trong thời gian ngắn.

"Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường giám sát chặt chẽ mọi diễn biến của các cuộc đấu giá, sẵn sàng có những biện pháp can thiệp kịp thời khi phát hiện dấu hiệu bất thường. Đồng thời, việc hoàn thiện khung pháp lý về đấu giá là hết sức cần thiết. Cụ thể, cần sớm ban hành những quy định chặt chẽ hơn, trong đó có việc tăng mức phạt đối với những hành vi vi phạm. Điều này không chỉ nhằm răn đe mà còn giúp cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia, ngăn chặn tình trạng đầu cơ bất hợp pháp", TS. Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh thì cho rằng, tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở đang trở thành một nút thắt khó gỡ, đè nặng lên vai người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Việc tìm kiếm một mái ấm an cư ngày càng trở nên khó khăn, khiến nhu cầu bức thiết về nhà ở càng thêm cấp thiết. Để giải quyết bài toán nan giải này, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa ra những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ và hiệu quả, nhằm kích thích nguồn cung nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường

Trước đó, các phiên đấu giá đất tại vùng ven Hà Nội như huyện Thanh Oai, Hoài Đức và Phúc Thọ đã tạo ra cơn sốt đất trên diện rộng. Những mức giá trúng cao, gấp nhiều lần giá khởi điểm đã khiến thị trường đất nền vùng ven trở nên sôi động. Các chuyên gia cũng cảnh báo việc đẩy giá đất đấu giá lên cao như vậy có thể là kết quả của các chiêu trò đầu cơ, khiến giá trị thực không phản ánh đúng nhu cầu. Mục đích là tạo nên các cơn sốt đất.

Các cá nhân lợi dụng việc đặt cọc đấu giá nhằm mục đích thổi giá các khu đất liên quan. Thậm chí bất chấp rủi ro, hợp thức hóa mức giá bằng cách thanh toán đầy đủ theo mức giá đấu trúng, để lấy mức giá này làm căn cứ kích giá đất ở các huyện vùng ven, kích giá đất nhiều nơi leo thang, sốt ảo.

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống