Đầu tư hơn 84 nghìn tỷ cho 3 Dự án cao tốc phía Nam

Sáng 16/6, Quốc hội đã thông qua các nghị quyết chủ trương đầu tư 3 dự án cao tốc trọng điểm phía nam giai đoạn 1, gồm: Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột và Biên Hòa – Vũng Tàu.

Trong giai đoạn 1, ngân sách nhà nước sẽ chia thành 2 đợt, đợt 1 là giai đoạn 2021 – 2025 và đợt 2 là giai đoạn 2026 – 2030.

Theo đó, dự án Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng với 478/479 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,98%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1). Trong giai đoạn 1, tuyến được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục với tổng mức đầu tư là 44.691 tỉ đồng.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.205 ha, dài 188.2 km, ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 là 30,758 tỷ đồng, ngân sách giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 13,933 tỷ đồng.

Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có điểm đầu kết nối QL91 (thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang), đi song song với QL91 qua thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Sóc Trăng và kết thúc tại cảng Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng).

Đầu tư hơn 84 nghìn tỷ cho 3 Dự án cao tốc phía Nam - Ảnh 1Dự án Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài 188.2 km với mức đầu tư là 44.691 tỉ đồng.

Trong giai đoạn 2021-2025, ngân sách Trung ương là 26,935 tỷ đồng, trong đó, trong đó: 14,248 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách Trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, 1,166 tỷ đồng nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải, 3,800 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển trong gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế và 7,721 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư năm 2021.

Nguồn ngân sách địa phương 3,823,5 tỷ đồng, trong đó: tỉnh An Giang là 1,000 tỷ đồng, TP.Cần Thơ là 1,000 tỷ đồng, tỉnh Hậu Giang là 823.5 tỷ đồng và tỉnh Sóc Trăng 1,000 tỷ đồng.

Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Dự án Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 467/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,78%. Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ là 21,935 tỷ đồng. Trong đó nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 là 15,096 tỷ đồng; giai đoạn 2026 – 2030 là 6,839 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 nối hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, có chiều dài khoảng 117,5 km, chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Đầu tư hơn 84 nghìn tỷ cho 3 Dự án cao tốc phía Nam - Ảnh 2

Dự án Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột chiều dài khoảng 117,5 km với mức đầu tư sơ bộ là 21,935 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, ngân sách T.Ư là 13,831 tỷ đồng, trong đó: 6,539 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách T.Ư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, 572 tỷ đồng nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải, 2,320 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển thuộc gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và 4,400 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư năm 2021.

Nguồn ngân sách địa phương là 1,265 tỷ đồng, trong đó: tỉnh Đắk Lắk là 916.5 tỷ đồng và tỉnh Khánh Hòa là 348.5 tỷ đồng.

Dự án Biên Hòa – Vũng Tàu với 475/479 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,38%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Cao tốc dài 53,7 km, trong đó điểm đầu kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 qua TP Biên Hòa; điểm cuối tại km53+700 giao với quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa; vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư sơ bộ là 17,837 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 là 14,270 tỷ đồng; giai đoạn 2026 – 2030 là 3,567 tỷ đồng.

Đầu tư hơn 84 nghìn tỷ cho 3 Dự án cao tốc phía Nam - Ảnh 3

Dự án Biên Hòa – Vũng Tàu dài 53,7 km với tổng mức đầu tư sơ bộ là 17,837 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, ngân sách T.Ư là 11,000 tỉ đồng trong đó: 5,360 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách T.Ư trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, 465 tỷ đồng nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải, 3,500 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển thuộc gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế và 1,675 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư năm 2021.

Nguồn ngân sách địa phương là 3,270 tỷ đồng, trong đó: tỉnh Đồng Nai là 2,600 tỷ đồng và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 670 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ giúp phá thế “độc đạo” của Quốc lộ 51, đồng thời, giải quyết tình trạng quá tải của lưu lượng xe và giảm tai nạn trên tuyến Quốc lộ 51, rút ngắn thời gian đi lại từ TP. Biên Hòa đến TP. Vũng Tàu từ 2 giờ xuống còn 1 giờ.

Bên cạnh đó, tuyến đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ trở thành tuyến đường huyết mạch trong kết nối giao thông đa phương thức kết nối các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, hệ thống cảng biển bao gồm kết nối và khai thác đồng bộ với đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông (có 12,6 km đi trùng tuyến này), từ đó, phát triển vùng Đông Nam bộ.

Thanh Xuân

Theo Kinh doanh và phát triển