Đầu tư tích sản: Xu hướng cũ, tư duy mới
Khác với thế hệ xưa, thế hệ hiện nay có tư duy mới và cái nhìn rộng hơn, qua đó cách thức đầu tư tích sản đã được tái định hình.
Định nghĩa lại khái niệm về tài sản
Đầu tư tích sản đối với một bộ phận nhà đầu tư có thể là khái niệm mới và lạ lẫm, nhưng trên thực tế lại không phải là hình thức đầu tư mới trên thị trường mà đã có lâu đời. Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp, CEO Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư S-Talk, hình thức đầu tư tích sản đã có từ đời ông cha ta trước đây. Họ từng có những cuộc sống tương đối tiết kiệm và tích luỹ tài sản một cách chậm rãi, với phương thức tích luỹ theo từng phần. Tài sản mà ông cha ta đã tích luỹ không chỉ là những tài sản có giá trị lâu bền như vàng, bất động sản mà còn là những chiếc xe đạp, ti vi, tủ lạnh hay đơn giản là tích luỹ bằng cách giữ lại những đồng tiền kiếm được.
Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp nhận định việc tích sản theo hình thức này có điểm chưa phù hợp vì đồng tiền sẽ trượt giá làm ảnh hưởng tới tài sản đang được tích luỹ. Khác với thế hệ xưa, thế hệ bây giờ có tư duy mới và cái nhìn rộng hơn, qua đó định nghĩa lại khái niệm về tài sản - không chỉ là vật dụng mà phải là những tài sản có giá trị và duy trì được giá trị trong một khoảng thời gian dài.
Một trong số các tài sản đó là chứng khoán, cụ thể là cổ phiếu. Với việc coi cổ phiếu là tài sản, vị chuyên gia này cho rằng sự dao động hàng ngày, dao động trong ngắn hạn của cổ phiếu chỉ là những biến động “hết sức bình thường” và phải nhìn vào giá trị dài lâu mà những tài sản này mang lại. Khi chứng khoán và cổ phiếu được coi là tài sản để tích luỹ thì trọng tâm là phải nắm giữ lâu dài và xác định được chu kỳ tích luỹ.
Cụ thể, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp cho biết trên thế giới, nhà đầu tư có thể tích luỹ từ 20 - 30 năm. Tuy nhiên với thị trường trong nước, chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư mới và mang tính chất ngắn hạn đối với nhiều nhà đầu tư, nên chu kỳ đầu tư sẽ ngắn hơn so với trên thế giới. Dù vậy, với mục tiêu là tích sản thì nhà đầu phải xác định chu kỳ đầu tư ít nhất là 3 năm.
Ở một góc độ khác, chuyên gia quản lý tài sản Nguyễn Minh Tuấn, Founder TOPI - ứng dụng đầu tư và quản lý tài chính cá nhân, nhận định rằng nếu gắn với đối tượng tài sản là cổ phiếu thì tích sản là hình thức đầu tư để phân biệt giữa việc mua đi bán lại (kinh doanh cổ phiếu) và đầu tư dài hạn. Theo ông, hình thức đầu tư tích sản được sử dụng để tránh xu hướng mua đi bán lại. Các tài sản càng có tính thanh khoản càng cao, biên độ biến đổi giá càng lớn thì xu hướng nhà đầu tư thực hiện mua đi bán lại càng nhiều. Ở các lớp tài sản như vàng, bất động sản, nhà đầu tư lại thường có xu hướng mua và nắm giữ. Việc mua đi bán lại ngay lập tức những lớp tài sản này thường khó hơn vì tính thanh khoản không cao.
Đâu là chiến lược tích sản tốt nhất?
Tương tự như cách ông cha ta đã từng tích luỹ tài sản, việc đầu tư tích sản cổ phiếu theo chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp có nghĩa là mua một cách chậm rãi, kiên nhẫn và phải chia làm nhiều lần, nhiều kỳ, tránh việc mua một số lượng lớn cổ phiếu tại một thời điểm. Nhà đầu tư có thể dành một phần tiền lương hàng tháng để mua những cổ phiếu mà họ đã lên kế hoạch từ trước.
“Chúng ta mua tích sản cổ phiếu không phải mua bằng bất cứ giá nào mà phải luôn nhớ bài toán về định giá: chỉ mua những cổ phiếu được giao dịch dưới giá trị được định giá chứ không mua vì cho rằng đó là nhưng cổ phiếu tích sản tốt”, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp cho biết. Ông cũng nhấn mạnh, khi đầu tư bằng hình thức tích sản, nhà đầu tư phải chấp nhận sẽ có giai đoạn lỗ khi giá mua cổ phiếu ở kỳ trước cao hơn giá mua ở kỳ này.
Việc chọn lựa cổ phiếu, theo vị chuyên gia này, là phải xác định được xu hướng ngành. Theo đó, nhà đầu tư chỉ nên lựa chọn những cổ phiếu có được sự hỗ trợ của xu hướng tốt trong thời gian ít nhất 1-3 năm tới. Các cổ phiếu mục tiêu có thể thay đổi tuỳ theo câu chuyện của từng ngành hay thông tin liên quan đến giá trị nội tại của cổ phiếu, chứ không cố định một danh mục.
Các tiêu chí lựa chọn cổ phiếu phải rõ ràng và đo lường được bằng các phương pháp định lượng như ROE, P/E. Cụ thể, chỉ số ROE của 1 doanh nghiệp phải lớn hơn 10% trong vòng 5 năm liên tiếp, tương đương với việc doanh nghiệp đó có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đạt khoảng 10%. Về P/E, chỉ số này của cổ phiếu mục tiêu phải nhỏ hơn P/E thị trường và P/E ngành.
Còn theo chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn, chiến lược tốt nhất khi đầu tư tích sản cổ phiếu là lần lượt đi từ chứng chỉ ETF, chứng chỉ quỹ và sau đó là những mã cổ phiếu đã được nhà đầu tư phân tích kỹ lưỡng. Cụ thể, ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng chứng khoán có nhiều lớp tài sản và sản phẩm và đầu tư chứng khoán không nhất thiết là phải đầu tư vào các mã cổ phiếu nhất định. Với tiêu chí “hiểu đến đâu đầu tư đến đó”, sản phẩm đầu tiên mà nhà đầu tư nên “thử sức” là sản phẩm có tính chất đơn giản như chứng chỉ quỹ ETF.
Theo vị chuyên gia này, nếu coi thị trường chứng khoán là một dòng sông thì việc đầu tư chứng khoán cũng giống như việc nhà đầu tư bơi qua sông. Khác với bể bơi, dòng sông có rất nhiều sóng ngầm và những bất ngờ khó lường trước. Bước đầu tiên khi bơi qua bất kỳ dòng sông nào là phải khởi động, đối với dòng sông chứng khoán chính là phải quan sát thị trường kỹ lưỡng. Nếu nhà đầu tư không biết bơi, không thể tự luồn lách trên “dòng sông chứng khoán” thì phương án được đề xuất là “đi phà”. Chiếc phà này là minh hoạ cho chứng chỉ quỹ ETF, là chiếc phà mang trên mình nhiều cổ phiếu, giúp nhà đầu tư không phải tự thân bơi qua sông.
Sau khi đã quen với những xoáy nước của dòng sông, phương án tiếp theo được đề xuất cho nhà đầu tư là thuê riêng một chiếc thuyền với người lái tàu nhiều kinh nghiệm để đi nhanh hơn và xa hơn. Chiếc thuyền đó là minh hoạ cho chứng chỉ quỹ mở. Cuối cùng, khi đã quen với dòng sông chứng khoán và có thể tự bơi được, nhà đầu tư lúc này bắt đầu đầu tư vào những mã cổ phiếu đã được phân tích kỹ càng từ trước.
Giới trẻ dưới 30 tuổi chưa chắc phù hợp với đầu tư tích sản
Không phụ thuộc vào độ tuổi hay tình trạng hôn nhân, mỗi tuổi, mỗi đối tượng lại có phương thức đầu tư tích sản khác nhau. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trẻ chưa chắc đã là đối tượng phù hợp với phương thức đầu tư này.
Với sự phát triển của thị trường chứng khoán, sự tham gia của các nhà đầu tư mới vào thị trường cũng khá mạnh mẽ. Dù vậy, việc nghiên cứu, học hỏi và tìm hiểu sâu về thị trường chứng khoán là khá ít, các nhà đầu tư mới này đều có cái nhìn khá hời hợt về thị trường, theo đánh giá của chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp.
Đặt ra mục tiêu là đầu tư dài hạn nhưng trong ngắn hạn, lớp nhà đầu tư này vẫn kỳ vọng đạt được “sắc xanh” trên bảng điện tử dù chưa đặt ra mục tiêu chốt lời. Tâm lý này là khá phổ biến ở nhà đầu tư chứng khoán, thậm chí chiếm phần lớn trên thị trường, tuy nhiên lại chưa phù hợp với hình thức đầu tư tích sản, theo chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp.
Vị chuyên gia này cho rằng, giới trẻ khi mới tham gia vào thị trường luôn chỉ nhìn theo chu kỳ ngắn và đòi hỏi phải có kết quả ngay dù trên thực tế, họ chưa chốt lời ở thời điểm đó. Sự mong muốn này sẽ là rào cản khi giới trẻ đầu tư theo phương thức tích sản. Lứa tuổi thực sự có tâm lý phù hợp nhất cho phong cách đầu tư này ở thị trường trong nước theo chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp là khoảng trên 28-30 tuổi.