Đẩy nhanh tiến độ Dự án Cảng hàng không Sa Pa – cảng hàng không lớn nhất Tây Bắc

Chiều 27/08, tiếp tục chương trình công tác tại Lào Cai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát, kiểm tra tiến độ dự án cảng hàng không Sa Pa tại xã Cạm Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Ngày 21/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1773/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án cảng hàng không Sa Pa.

Vị trí sân bay Sa Pa được quy hoạch tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Khu vực xây dựng sân bay và bố trí khu tái định cư bám đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn từ Km211 đến Km217.

Trước đó, đầu tháng 3 vừa qua, tỉnh Lào Cai tổ chức lễ động thổ dự án cảng hàng không Sa Pa với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên với tổng diện tích 371 ha, trong đó, giai đoạn 1 là 295,2 ha, giai đoạn 2 là 75,8 ha.

Giai đoạn 1, thực hiện từ năm 2021, xây dựng sân bay Sa Pa đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và là sân bay quân sự cấp II, công suất 1,5 triệu hành khách/năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.183 tỷ đồng.

Giai đoạn 2, hoàn thiện, thực hiện sau năm 2028 nhằm hoàn thành các hạng mục của dự án để sân bay đạt công suất 3 triệu khách/năm. Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư là 2.765 tỷ đồng.

Phối cảnh cảng hàng không Sa Pa.
Phối cảnh cảng hàng không Sa Pa.

Dự án bao gồm việc xây dựng 1 đường cất hạ cánh có kích thước 2.400x45m, lề vật liệu hai bên rộng 7,5m mỗi bên; sân quay tại đầu 32 đường cất hạ cánh đảm bảo hoạt động máy bay Code C; đường lăn vuông góc dài 298,5m chiều rộng cơ bản 23m, lề vật liệu mỗi bên rộng 10,5m.

Sân đỗ dân dụng kích thước 295mx110m; đảm bảo 6 vị trí đỗ máy bay A321/A320 và tương đương. Hệ thống chiếu sáng, đèn hiệu sân đỗ, đường lăn, đường cất hạ cánh đồng bộ; hệ thống hàng rào khu bay chiều dài khoảng 12.000m; xây dựng hệ thống đường công vụ chiều dài khoảng 8 km, bề rộng nền đường 6m; hệ thống tín hiệu dẫn đường, khí tượng; đài chỉ huy cao 43,1m và hệ thống thiết bị đồng bộ…

Đồng thời, xây dựng nhà điều hành cảng hàng không với diện tích 2.538m2, có 03 tầng; xây dựng nhà xe kỹ thuật ngoại trường diện tích 833m2 và trạm khẩn nguy cứu hỏa diện tích 451m2.

Dự án còn đặt mục tiêu xây dựng nút giao khác mức giao cắt với cao tốc Hà Nội - Lào Cai; đường giao thông vào cảng với chiều dài khoảng 1,66km, gồm 2 làn xe, đoạn từ trạm thu phí đến đường cao tốc có bề rộng mặt đường 7m, nền đường 14m; đoạn từ trạm thu phí đến khu hàng không dân dụng có bề rộng mặt đường 6m, nền đường 9m.

Phát biểu tại lễ động thổ dự án ngày 03/03/2022, ông Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: Việc xây dựng Cảng hàng không Sa Pa là ước mơ, khát vọng đã hình thành từ rất lâu của tỉnh và cũng là sự mong mỏi của nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai.

Dự án hoàn thành sẽ là bước đột phá lớn về phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh Lào Cai và khu vực Trung du miền núi phía Bắc, là một lực đẩy mạnh mẽ để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và dịch vụ của địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát, kiểm tra tiến độ dự án cảng hàng không Sa Pa chiều 27/08.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát, kiểm tra tiến độ dự án cảng hàng không Sa Pa chiều 27/08.

Sau khi đi vào sử dụng, cảng hàng không Sa Pa sẽ là sân bay lớn nhất Tây Bắc, có khả năng khai thác các loại máy bay như Aibus A320, A321 và tương đương trở xuống với 9 vị trí đỗ máy bay.

Với vị trí địa kinh tế, địa chính trị, vai trò là cầu nối quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, là cửa ngõ của Việt Nam và các nước ASEAN cùng với các điều kiện về giao thông, nguồn tài nguyên khoáng sản, tiềm năng du lịch… Lào Cai có điều kiện phát triển nền kinh tế nhanh, mạnh, bền vững, trở thành vùng kinh tế động lực của khu vực Tây Bắc Việt Nam và có tác động lan tỏa ra các vùng lân cận.

Trong chuyến khảo sát, Thủ tướng đề nghị xây dựng sân bay Sa Pa theo hướng lưỡng dụng, phục vụ cả dân sự và quân sự; tìm hiểu phương án xây dựng nút giao kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với sân bay này.

Tiếp đó, Thủ tướng kiểm tra tiến độ dự án xây dựng đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn Sa Pa theo hình thức hợp đồng BOT. Với tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng, tuyến đường sẽ rút ngắn hành trình từ thành phố Lào Cai đến Khu du lịch quốc gia Sa Pa và tránh được nhiều khúc cua nguy hiểm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công song phải đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình. Vì tuyến đường xây dựng ở địa hình khó khăn, đèo dốc hiểm trở, dễ sạt lở về mùa mưa; cùng với đó, tuyến đường và các cầu qua sông trên tuyến lại là công trình phục vụ du lịch và là các điểm nhấn về cảnh quan...

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các tuyến cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, theo tinh thần "qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đổ đất"; không bám theo các khu dân cư để tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng và tạo ra không gian phát triển mới.

 

Theo thông tin từ cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai, tháng 8/2022, hoạt động du lịch của Lào Cai tiếp tục duy trì đà phục hồi phát triển; lượng khách tăng cao đặc biệt tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bảo Yên. Ước tổng lượng khách tới tỉnh đạt khoảng 703 nghìn lượt, tăng 25% so với tháng 7/2022.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, lượng khách đến Lào Cai ước đạt 3,180 triệu lượt khách, bằng 79,5% so với Kế hoạch năm, tăng 163,5% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 11.100 tỷ đồng, bằng 73,4% so với Kế hoạch năm, tăng 190,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Số lượng các cơ sở lưu trú trong tháng 8/2022 tăng so với tháng 7 khi có thêm 189 cơ sở lưu trú đã hoạt động trở lại. Đến nay toàn tỉnh có 1.262 cơ sở lưu trú gồm các loại hình: khách sạn, nhà nghỉ, homestay. Trong đó thị xã Sa Pa có 711 cơ sở, Bắc Hà 86 cơ sở, Bát Xát 49 cơ sở, Bảo Yên 88 cơ sở, Bảo Thắng 48 cơ sở, thành phố Lào Cai 239 cơ sở, Văn Bàn 24 cơ sở, Si Ma Cai 8 cơ sở, Mường Khương 9 cơ sở.

Tỉnh Lào Cai hiện nay có 35 khu, điểm du lịch (01 khu du lịch quốc gia, 02 khu du lịch cấp tỉnh, 32 điểm du lịch) và 35 doanh nghiệp lữ hành (32 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 03 doanh nghiệp lữ hành nội địa). Tính đến ngày 19/8/2022, toàn tỉnh có 183 hướng dẫn viên du lịch đang hoạt động với 103 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 66 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 14 hướng dẫn viên tại điểm.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống