Để sông Sài Gòn trở thành trục tăng trưởng mới của TP.HCM

Để TP.HCM có một kết cấu hạ tầng xứng tầm hình mẫu đô thị toàn cầu, “đầu tàu” kết nối toàn khu vực, các chuyên gia cho rằng, quy hoạch TP.HCM cần tận dụng lợi thế đô thị sông nước, trong đó lấy hành lang sông Sài Gòn là “điểm nhấn” là trục tăng trưởng mới mà TP cần khai thác.

Hạ tầng: “Điểm nghẽn kéo lùi” đà phát triển

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri mới đây, đại biểu HĐND TP.HCM Lê Minh Đức (quận 4) nhận xét, hạ tầng giao thông kết nối vùng đến nay vẫn còn chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số, chưa tương xứng với vị thế, vai trò “đầu tàu” kinh tế của TP.HCM.

“Việc chậm trễ này đang là điểm nghẽn trong sự phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ riêng của thành phố mà còn là cả vùng Đông Nam Bộ”, ông Đức nói.

Chia sẻ về điều này, đại diện Sở QH – KT TP.HCM cho biết, từ thời điểm 2010, TP.HCM phát triển đô thị theo mô hình tập trung đa cực, nguồn lực đầu tư hạ tầng liên kết vùng còn hạn chế nên chưa phát huy được thế mạnh phát triển vùng. Cơ hội đầu tư các dự án đột phá tại khu vực vệ tinh và ven sông Sài Gòn của TP còn hạn hẹp.

Để sông Sài Gòn trở thành trục tăng trưởng mới của TP.HCM - Ảnh 1
Sông Sài Gòn - trục tăng trưởng mới phải là trung tâm phát triển - kết nối Vùng của quy hoạch TP.HCM. (Ảnh minh họa)

Bởi vậy, trong khi các quận nội thành tốc độ đô thị tăng nhanh, thì các huyện ngoại thành, vệ tinh như: Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ vẫn là mảng xanh và chưa có sự đầu tư xứng tầm để thực sự khai phóng được tài nguyên sẵn có về đa dạng sinh thái, về quỹ đất còn dồi dào hay lợi thế về văn hóa – lịch sử và giao thông đường thủy để phát triển hạ tầng và du lịch.

Đánh giá về tiềm năng phát triển của thành phố, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng: TP.HCM là đô thị sông nước, ven biển, nhiệt đới gió mùa và chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều cho nên dễ xảy ra hiện tượng ngập nước. Những đặc điểm này mà không tính toán, không đưa vào đặc thù phát triển của TP.HCM là chưa đầy đủ.

"Chúng ta cần phải bổ sung vào quy hoạch của thành phố tuyến giao thông đại lộ ven sông Sài Gòn. Đại lộ ven sông Sài Gòn không chỉ ở ven bờ bên sông Sài Gòn, mà là của cả Vùng kéo đến Tây Ninh. Và du lịch của TPHCM là phát triển theo tuyến sông Sài Gòn, theo tuyến kênh rạch còn lại của dòng sông chứ không phải chỉ có sông Sài Gòn.”, ông Châu chia sẻ.

KTS Khương Văn Mười, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng: “trong Quy hoạch sông Sài Gòn nên đi theo hướng song song, bên này là thành phố cũ, bên kia là thành phố mới. Từ sông Sài Gòn lên đến Củ Chi có tiềm năng rất lớn. Đã có tiềm năng thì cần phải khai thác. Làm sao có giá trị, hiệu quả phục vụ cho du lịch, dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho địa phương. Muốn đạt được thì chúng ta nên xã hội hóa.”

Trong lần tham vấn ý kiến về “Đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP. HCM” , TS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá sông Sài Gòn là cảnh quan đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho TP. HCM nhưng các nghiên cứu quy hoạch để phát triển không gian đô thị ven bờ sông này đang rất mờ nhạt. So sánh với Đà Nẵng, sông Hàn chảy qua trung tâm thành phố khoảng 7km, song được khai thác tốt, bao gồm cả không gian đô thị ven bờ cùng những cầu bắc ngang. Điều này giúp Đà Nẵng mang thương hiệu là "thành phố của những cây cầu". Trên thế giới, nhiều sông như Hoàng Phố ở Thượng Hải (Trung Quốc), Thames (Anh)... không có vị trí đẹp như Sài Gòn nhưng được tận dụng và phát triển rất tốt, trở thành cảnh quan nổi tiếng.

Để sông Sài Gòn trở thành trục tăng trưởng mới của TP.HCM - Ảnh 2

TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử TP. HCM phân tích, một trong những điều đặc biệt của TP. HCM là tính chất sông nước. Hệ thống sông không chỉ kết nối các tỉnh, thành mà còn hướng biển, tạo nên tính chất cởi mở về văn hóa và quyết định tiềm năng kinh tế của TP. HCM. Vì có hệ thống kênh rạch, sông ngòi rộng lớn nên phát triển kinh tế ven sông ở TP. HCM không chỉ dừng lại kết nối đến tỉnh Bình Dương, Biên Hòa mà cần mở rộng đến Tây Ninh, vùng Tây Nguyên.

Thực tế, đã từng có các tập đoàn kinh tế tư nhân đề xuất xây đại lộ ven hai bờ sông Sài Gòn, cùng rất nhiều ý tưởng phát triển kinh tế thành phố gắn liền với dòng sông này như du lịch trên sông, buýt đường sông. Nhưng cho đến nay, nhìn chung, dòng sông Sài Gòn chưa được ‘trọng dụng’ tối đa cho phát triển giao thông vận tải và du lịch. Một đại lộ 4-10 làn xe ven sông Sài Gòn hiện đại và thông minh với cao tốc, đường sắt LRT và kết nối với đường thủy được đánh giá sẽ giúp giảm áp lực giao thông cho hạ tầng hiện tại và gia tăng kết nối liên vùng. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án quy mô này dường như đang gặp khó ngay từ khâu quy hoạch ban đầu.

Đô thị ven sông Sài Gòn: Hình mẫu “trên bến dưới thuyền” sôi động

Theo các chuyên gia, TP.HCM cần đầu tư hạ tầng giao thông tương xứng với tầm nhìn xa, phải là hình mẫu tiên phong về hạ tầng cho toàn vùng, hình mẫu đô thị toàn cầu. Cụ thể, TP cần phát triển hạ tầng theo hướng thông minh, bền vững, tân tiến gồm đầy đủ loại hình: giao thông đường thủy (cảng tàu khách quốc tế, bến thủy nội địa); giao thông đường bộ (đường cao tốc, đại lộ); giao thông đường sắt (đường sắt đô thị, liên tỉnh), trong đó lấy hành lang ven sông Sài Gòn từ Tây Ninh, qua Củ Chi đến trung tâm TP làm trọng tâm.

Ông Hoàng Anh Tú, Giám đốc dự án - Tập đoàn BCG (Boston Consulting Group) tại Việt Nam cho rằng: “Phát triển đại lộ trong phát triển đô thị là yếu tố then chốt. TPHCM cần tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối liên vùng, đơn cử xây dựng tuyến đại lộ kết nối Thành phố Hồ Chí Minh qua Củ Chi đến Tây Ninh, phải làm từ 4 - 10 làn xe để phục vụ nhu cầu phát triển dài hạn, kết hợp đường bộ, đường sắt đô thị LRT theo xu thế của các đô thị phát triển trên thế giới.”

Còn ông Lê Hoàng Châu nhận định, đại lộ ven sông Sài Gòn không chỉ ở ven bờ bên sông Sài Gòn, mà xét ở góc độ Vùng thì còn liên kết cả Tây Ninh. Do vậy, thành phố cần bổ sung vào quy hoạch tuyến giao thông đại lộ ven sông Sài Gòn. Phải quy hoạch các tuyến thủy nội địa. Bây giờ thành phố có quy hoạch là 88 tuyến đường sông, thì cần quy hoạch rõ trên đó là các bến thủy nội địa, phục vụ du lịch và kết hợp TOD - mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm.

Để sông Sài Gòn trở thành trục tăng trưởng mới của TP.HCM - Ảnh 3

Bởi vậy, Quy hoạch sắp tới của TP cần thể hiện rõ định hướng chọn sông Sài Gòn là trung tâm phát triển để giải tỏa “điểm nghẽn” về hạ tầng bằng việc: bổ sung hạ tầng giao thông nội thị và liên tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển tương lai dọc theo hành lang sông Sài Gòn. Sông Sài Gòn sẽ là trục xanh phát triển kinh tế, du lịch bền vững, là dòng sông liên kết với đôi bờ, kết nối các điểm dọc đôi bờ từ TPHCM lên Tây Ninh.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, để thực sự khai phá được tiềm năng của sông Sài Gòn, TP cũng cần chú trọng bổ sung, đầu tư các sản phẩm du lịch gắn với dòng sông, văn hóa – lịch sử và hệ sinh thái đa dạng của lưu vực sông Sài Gòn ví như: khu vực Củ Chi giàu giá trị sinh thái, văn hóa hay Tây Ninh với Núi Bà Đen là điểm đến tâm linh đã thành thương hiệu.

“Du lịch của TP.HCM là phát triển theo tuyến sông Sài Gòn chứ không phải chỉ có khu vực sông Sài Gòn qua nội đô.” ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, KTS Khương Văn Mười chia sẻ, cách đây mười mấy năm, khách nước ngoài đến sông Sài Gòn thuê những chiếc tàu gỗ để đi du lịch trên thượng nguồn. Nhưng lúc đó hiệu quả kinh tế mang lại không lớn. Bây giờ thành phố cần tổ chức để phát triển sản phẩm du lịch ở đẳng cấp cao, đa dạng trải nghiệm, nhờ đó tạo ra thu nhập, công ăn việc làm cho người dân, kéo các dịch vụ đến với 2 bờ sông. Lúc đó mới thực sự rõ nét chân dung đô thị sông nước.

Đại diện UBND TP.HCM cho biết, cần có những cơ chế chính sách, cách làm để quy hoạch thực sự khả thi bởi vì TP.HCM là trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước cũng như đầu mối đại diện của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Nó không chỉ là kết nối về giao thông, logistics mà cần được khẳng định bằng sức mạnh mềm, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý và vai trò trung tâm kinh tế vùng, kiến tạo những không gian mới, những động lực mới.

Theo đó, lấy không gian ven sông Sài Gòn làm mặt tiền cho đô thị, từ khu vực trung tâm truyền thống ở ven sông, phát triển dải đô thị hai bên sông như "trái tim mở rộng". Sông Sài Gòn trong tương lai sẽ trở thành không gian “trên bến dưới thuyền” thu hút hàng chục triệu lượt khách mỗi năm, là nơi quy tụ những sản phẩm du lịch mang bản sắc độc đáo, cao cấp và là động lực để TPHCM vươn mình thành điểm đến hàng đầu châu Á vào năm 2030, là đô thị toàn cầu vào năm 2045.

TP.HCM đã phối hợp với Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR), Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cùng các nhóm chuyên gia địa phương đa ngành, nghiên cứu định hướng quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn; tích hợp những nội dung phù hợp, có tính mới, đột phá… vào Đồ án quy hoạch TP. HCM và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố.

Nam Phương

Theo VietnamFinance