Đề xuất mua nhà dưới 1,8 tỷ đồng được vay ưu đãi: 'Không cẩn thận sẽ dẫn đến bất công'

Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng nếu làm không chặt chẽ sẽ dẫn đến bất công bằng, hỗ trợ nhầm đối tượng và gây ra phản ứng trong dư luận.

Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có văn bản đề xuất HoREA có văn bản kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung nội dung giải quyết một số khó khăn cấp bách của thị trường bất động sản tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội lần thứ II.

Theo đó, để khai thông hoạt động chuyển nhượng, sáp nhập dự án bất động sản, nhà ở (M&A) và để xử lý các dự án bất động sản, nhà ở bị "đắp chiếu" do chủ đầu tư yếu kém về năng lực, HoREA đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Kỳ họp bất thường của Quốc hội lần thứ hai xem xét, cho phép các doanh nghiệp bất động sản chuyển nhượng dự án bất động sản được áp dụng Điều 10 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 của Quốc hội khóa 14 "Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng" cho phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi dự án đã "có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Hiệp hội này thông tin, thị trường bất động sản đang hết sức khó khăn khi sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền. Hiện nay, thị trường thiếu nguồn cung khi cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý. Thừa ở một số phân khúc nhưng lại thiếu nhà ở bình dân, hợp túi tiền, nhà ở xã hội. Giá nhà vượt qua khả năng tài chính và thu nhập của người dân, đặc biệt là công nhân, người nhu nhập thấp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc hạ lãi suất ở mức hợp lý đối với các sản phẩm dưới 1,8 tỷ đồng sẽ là một trong những chính sách có thể tăng tính thanh khoản cho thị trường. Bởi thực tế cho thấy, trong khi doanh nghiệp thiếu vốn thì người dân cũng không đủ tài chính để có thể mua nhà. Bên cạnh đó, hầu hết các khác hàng đều lo lắng vì sợ lãi suất quá cao sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của họ. Đó chính là nguyên nhân lý giải cho việc nhu cầu mua nhà có nhưng tính thanh khoản của thị trường không cao.

Bình luận về đề xuất trên, Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, các căn hộ có giá dưới 1,8 tỷ đồng hiện nay trên thị trường nằm ở phân khúc bình dân. Việc hỗ trợ lãi suất để người thu nhập thấp, người mua nhà lần có thể sở hữu căn hộ là điều nên làm, chắc chắn người dân sẽ ủng hộ. Tuy nhiên, cần kiểm soát chặt chẽ tránh hỗ trợ nhầm đối tượng.

“Tôi lấy ví dụ, ông A đã sở hữu một căn hộ rồi. Ông ấy muốn mua 1 căn hộ khác để đầu cơ. Khi đề xuất của HoREA được chấp thuận, ông ấy nhờ người nhà đứng tên hợp đồng để được hưởng ưu đãi. Vậy kiểm soát trường hợp này như thế nào. Làm sao biết ông này sở hữu nhà lần đầu hay có phải thuộc diện khó khăn hay không?”, Luật sư Diệp Năng Bình đặt câu hỏi.

Luật sư Bình nói thêm, mục đích ý của đề xuất này là hướng đến những người có thu nhập thấp.

"Tuy nhiên, nếu làm không chặt chẽ sẽ dẫn đến bất công bằng, hỗ trợ nhầm đối tượng và gây ra phản ứng trong dư luận. Bởi bài học từ nhiều nằm trước, do xét không kỹ hồ sơ dẫn đến người có đầy đủ điều kiện lách luật, vẫn mua được nhà ở xã hội. Trong khi đó, trong đề xuất mới đây của HoREA thì hỗ trợ lãi suất cả người mua nhà ở thương mại dưới 1,8 tỷ đồng. Việc này càng khó kiểm soát đối tượng mua", ông Bình nói.

Kỳ Thư

Theo VietnamFinance