Đề xuất sửa đổi luật cho phép doanh nghiệp bảo hiểm đầu từ bất động sản
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi đến cơ quan có thẩm quyền kiến nghị cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi để đầu từ bất động sản.
Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư BĐS là chưa phù hợp
Đây là quan điểm HoREA khi gửi văn bản kiến nghị đến Quốc hội và các ủy ban để góp ý sửa đổi Điều 150 Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm theo hướng cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm được phép sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư vào lĩnh vực BĐS.
Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch HoREA) cho biết, theo quy định tại Điều 98 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được phép sử dụng vốn nhàn rỗi để đầu tư tại Việt Nam trong một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực BĐS. Nguyên nhân là tại thời điểm này, Luật kinh doanh bất động sản chưa được ban hành, vả lại, quy mô thị trường BĐS lúc bấy giời chưa lớn như hiện nay.
Khi Luật kinh doanh bất động sản được ban hành năm 2006, và sửa đổi bổ sung năm 2014 đã bãi bỏ quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi để kinh doanh BĐS. Vị đại diện của HoREA hoàn toàn tán thành quy định này, tuy nhiên cũng cho rằng, việc không phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng vốn nhàn rỗi đầu tư BĐS là chưa thực sự phù hợp với Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, và trong bối cảnh kinh tế hiện tại.
Theo Nghị quyết 39-NQ/TW Về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã đặt ra những mục tiêu cụ thể với các doanh nghiệp bảo hiểm.
Cụ thể, đến năm 2035, nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 20 - 30% trên tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn; đến năm 2045, nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 30 - 50% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn. Ngoài ra Nghị quyết cũng đề ra nhiệm và và giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm, khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế.
Ông Châu cho biết, nhiều nước trên thế giới đã cho phép doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư tài chính từ lâu vì nguồn vốn bảo hiểm cũng là nguồn vốn xã hội hóa rất lớn, nếu được khai thác và sử dụng hiệu quả sẽ là một nguồn bổ sung vốn đầu tư quan trọng, góp phần chia sẻ áp lực cho các tổ chức tín dụng.
Về tỷ lệ vốn nhàn rỗi doanh nghiệp bảo hiểm được phép sử dụng để đầu tư vào lĩnh vực BĐS, ông Châu cho rằng, đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nên quy định mức tối đa 10%, còn đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nên quy định mức tối đa 20% là phù hợp, vẫn đảm bảo thực hiện nguyên tắc “tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư, bảo đảm tính an toàn, hiệu quả và thanh khoản” của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
Cần quy định bảo hiểm rủi ro cho người mua nhà
Trong văn bản kiến nghị của HoREA còn đề cập đến vấn đề bổ sung quy định về việc "bảo hiểm nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai" để bảo vệ quyền lợi người mua nhà.
Theo ông Châu, trong thị trường BĐS, người mua nhà thường là bên yếu thế, so với chủ đầu tư dự án BĐS, nhất là người mua nhà với mục đích ở thực hoặc nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Chính vì thế, ông Châu cho rằng rất cần thiết bổ sung vào Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) những biện pháp bảo hiểm rủi ro cho người mua nhà, thuê/mua BĐS hình thành trong tương lai thông qua hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm “chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm” là chủ đầu tư dự án BĐS trong trường hợp không bàn giao nhà ở cho người mua theo đúng tiến độ đã cam kết khi ký kết thỏa thuận mua nhà trước đó.
Tại Khoản 1 Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản có quy định bắt buộc Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính đối với khách hàng khi không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết. Quy định này được ban hành nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của khách hàng khi mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Thông tin thêm:
Theo dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp lần này, doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm... không được kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Tại phiên thảo luận ở hội trường về Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vào chiều 27/05 vừa qua, nhiều đại biểu đã tán thành với đề xuất không cho doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản, song các đại biểu cho rằng cần có quy định chặt chẽ để tránh tình trạng lách luật.