Cơn "sốt đất" hạ nhiệt
Sau sự vào cuộc của nhiều địa phương, trước thực trạng tín dụng bất động sản đang được kiểm soát chặt, cơn "sốt đất" đã và đang hạ nhiệt ở nhiều địa phương.
Sốt đất hạ nhiệt
Sau nhiều tháng "sốt đất" điên cuồng ở nhiều tỉnh, thành phố, mà cụ thể là các loại đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất ven sông, đất ven hồ...diễn ra tình trạng nóng cục bộ ở nhiều nơi. Nguyên nhân được cho là, ở những khu vực này giới đầu nậu, đầu cơ "thổi" giá trước các thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng, cao tốc, sân bay, dự án của ông lớn BĐS...Giao dịch mua đi bán lại diễn ra sôi động chủ yếu do đầu cơ.
Điều này khiến chính quyền địa phương, công an ở nhiều tỉnh, thành phải vào cuộc để ngăn chặn cơn sốt đất. Đơn cử như, Sở Tài nguyên Môi trường TP Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu công an thành phố vào cuộc điều tra có hay không đường dây thông đồng giữa cò đất và cán bộ quản lý để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, tạo sốt đất ở Hòa Vang; Các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc thanh, kiểm tra, công an tỉnh theo dõi các khu vực có dấu hiệu giá đất tăng đột biến, tình trạng chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, "sốt ảo"; điều tra các đối tượng có hành vi đầu cơ, "thổi giá", làm thị trường tạo cơn "sốt đất" ảo để kiếm lời;
Hay như trước cơn sốt nóng bất động sản tại Gia Lai, cơ quan chức năng tỉnh này đã đề nghị công an vào cuộc tăng cường điều tra, làm rõ các dấu hiệu, hành vi đẩy giá, thổi giá đất để thu lợi bất chính, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản nếu có...
Sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng đã "cắt" được cơn sốt đất, tình trạng đầu cơ thổi giá ở nhiều địa phương. Đến nay, nhiều khu vực sốt đất đã hạ nhiệt. Nhiều người chấp nhận bỏ cọc hàng trăm triệu đồng khi mua đất ở tỉnh với giá cao.
Theo các môi giới BĐS ở nhiều khu vực, trước đây việc rao bán đất nghỉ dưỡng, sinh thái, view hồ, sông...diễn ra rầm rộ trên các group, nhóm BĐS ở các khu vực như Đồng Nai, Vũng Tàu, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc,...thì nay gần như im ắng, đóng băng. Các khu đất trước đây được nhiều người săn tìm thì nay không mấy ai quan tâm.
Hay như trước đây tại các huyện Bảo Lộc, Lâm Hà, Bảo Lâm, TP Đà Lạt... thuộc tỉnh Lâm Đồng, giao dịch đất nghỉ dưỡng sinh thái "nóng bỏng", giá bán được "thổi" tăng từng ngày, nay đóng bằng do chính quyền địa phương siết chặt việc phân lô, tách thửa. "Ai cần tiền gấp, muốn bán nhanh phải chấp nhận hạ giá, nếu không sẽ ôm hàng" - một nhà đầu tư cho biết.
Giá sẽ giảm trong những tháng cuối năm?
Trước thực trạng trên, nhiều người đặt câu hỏi liệu giá đất sẽ giảm thời gian tới không. Nhận định về vấn đề này, nhiều chuyên gia, công ty nghiên cứu đều nhận định giá nhà đất sẽ hạ nhiệt trong những tháng tới.
Mới đây, VNDirect Research đưa ra nhận định tại báo cáo về ngành bất động sản (BĐS), cho rằng kỳ vọng hoạt động bán hàng được đẩy mạnh, trong khi việc mở rộng quỹ đất sẽ chậm lại, điều này có thể sẽ giúp giá nhà đất hạ nhiệt trong các quý còn lại năm 2022.
Đối với phân khúc nhà đất tại Tp.HCM, giá thứ cấp trung bình một số khu vực giảm khoảng 5% so với cùng kỳ trong quý I/2022. Quý 1, giá thứ cấp của 12/15 quận, huyện tại Hà Nội ghi nhận giảm mạnh, trung bình giảm 7,7% so với quý trước.
"Ngành BĐS đang đối mặt với nhiều thách thức làm ảnh hưởng đến triển vọng ngành từ lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà, giá vật liệu tăng có thể làm tăng giá nhà ở đến việc thắt chặt các khoản vay ngân hàng vào lĩnh vực BĐS và giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)” - VNDirect Research nhận định.
Đơn vị này cũng đánh giá, trong bối cảnh thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực BĐS và giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành TPDN, các chủ đầu tư có thể sẽ gặp thách thức trong việc huy động vốn trong vài quý tới.
Tổng Giám đốc một công ty địa ốc phía Nam cho rằng thị trường BĐS ở các tỉnh đã chững lại 2 tháng trước đây, nguyên nhân phần lớn do dòng tiền bị siết lại. Nguyên nhân thứ hai là do giá ở nhiều địa phương đã bị đẩy lên quá cao, có nhiều nơi tăng gấp 2,3 lần trong vài tháng, nên nhiều người thấy rủi ro không dám đầu tư.
Trả lời báo chí mới đây, chuyên gia Trần Khánh Quang thì nhận định BĐS ở các tỉnh đang hạ nhiệt, không còn sôi động như trước. Nhiều nhà đầu tư có tiềm lực 20-30 tỷ đồng đã rút sớm và chuyển sang phân khúc còn dư địa tăng. Hiện tại nhà đầu tư ưu tiên BĐS có tính thanh khoản cao chứ không cần nhiều lời nữa.
Theo dự báo của chuyên gia kinh tế, nửa cuối năm nay, giá căn hộ chuẩn ở TP HCM sẽ dao động nhẹ. Còn tất cả phân khúc khác như đất nền, nhà phố... đã bị đẩy giá tăng quá ảo sẽ mất thanh khoản thời gian dài nếu tiếp tục neo giá bán cao như hiện nay. Việc giá bất động sản có thể được nhà đầu tư bán giảm 20%-30% so với thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra.