Đền thờ vợ đại gia Xuân Trường; bà Nguyễn Thị Nga rút lui

Vợ đại gia Xuân Trường được đúc tượng thờ trong quần thể chùa Tam Chúc, bà Nguyễn Thị Nga rút lui khỏi ghế Chủ tịch Hapro...là tin nổi bật trong tuần.

Ồn ào đền thờ vợ đại gia Xuân Trường

Ngay trong quần thể chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) có một ngôi đền tên Tứ Ân thờ “Cư sĩ Diệu Liên”, tức bà Phạm Thị Lan, người vợ quá cố của đại gia Nguyễn Văn Trường (đại gia Xuân Trường), Giám đốc Công ty xây dựng Xuân Trường, chủ đầu tư dự án khu du lịch tâm linh này.

Theo các bảng giới thiệu trong đền, bà Phạm Thị Lan (SN 1961, mất năm 2018, quê xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) là người có công lớn trong việc tôn tạo, xây dựng và quản lý Quần thể danh thắng Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình) và góp công xây dựng những ngôi chùa lớn như chùa Tam Chúc (Hà Nam), các ngôi chùa tại quần thể Tràng An – Bái Đính như: chùa Vàng, chùa Bạc, chùa Báo Hiếu, chùa Thiên Phúc… Đặc biệt là các ngôi chùa: Song Tử Tây, Đảo Đá Tây A, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh... trên quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).

Đặc biệt, ở khu vực thờ của ngôi đền có một bức tượng của bà Phạm Thị Lan được đúc bằng đồng đặt chính giữa, phía trên nóc của ngôi đền tiếp tục treo một bảng ghi danh công trạng của bà.

Việc chùa Tam Chúc có một khu xây đền riêng, đúc tượng thờ vợ đại gia Xuân Trường gây nhiều ý kiến trái chiều. Người cho rằng việc làm này "hơi quá" vì xét cho cùng bà Phạm Thị Lan vẫn chỉ là một người làm công đức, đem lòng xây chùa và chỉ có công lao với ngôi chùa đó chứ không phải là giang sơn xã tắc.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cho rằng, chùa Tam Chúc không nằm trong hệ thống văn hóa tôn giáo của Việt Nam mà chỉ là công trình xây dựng do cá nhân tạo ra.

Do đó, việc xây như nào, thờ ai trong đó là do người bỏ tiền ra quyết định, không ảnh hưởng đến văn hóa dân gian của người Việt, cũng không thể coi đây là ngôi chùa mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

Đại gia Nguyễn Thị Nga bất ngờ rút khỏi ghế Chủ tịch Hapro

Tổng Công ty thương mại Hà Nội Hapro (HTM) vừa ra thông báo về việc miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Nga thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và thành viên HĐQT doanh nghiệp này với tỷ lệ tán thành 100%.

Như vậy, sau gần 2 năm, nữ doanh nhân nổi tiếng Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG, đã rời khỏi doanh nghiệp thương mại lớn nhất Hà Nội. Trước đó, trong năm 2018, Vinamco - một công ty con của tập đoàn BRG do bà Nga làm Chủ tịch HĐQT đã được chọn là nhà đầu tư chiến lược của Hapro. Doanh nghiệp này đã chi ra gần 2.000 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần Hapro. Ngày 24/6/2018, bà Nga được HĐCĐ bầu làm chủ tịch Hapro.

Tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị Nga sở hữu rất nhiều sân golf ở Việt Nam và là chủ dự án thành phố thông minh đầu tiên của Hà Nội tại Đông Anh, với vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD.

Hồi đầu 2018, bà Nguyễn Thị Nga cũng đã rời ghế Chủ tịch SeABank sau 11 năm, lui về giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực HĐQT của SeABank.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chiêu mộ công thần Grab Việt Nam

Tập đoàn Vingroup vừa chiêu mộ thành công ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc sáng lập Grab Việt Nam, cựu Tổng giám đốc Grab Financial Group Việt Nam về làm Tổng giám đốc VinID thay cho bà Nguyễn Thị Dịu.

Ông Tuấn Anh chia tay Grab Việt Nam hồi cuối tháng trước sau 6 năm gắn bó. Ông chính là người đặt nền móng cho những hoạt động đầu tiên của Grab tại thị trường Việt Nam từ năm 2014.

Ông Tuấn Anh từng làm CEO Grab Việt Nam. Trước khi rời hãng gọi xe này, ông giữ vai trò Tổng giám đốc Grab Financial.

Bà Mai Kiều Liên làm chủ tịch công ty mẹ của Sữa Mộc Châu

Ngày 15/2, Công ty Cổ phần GTNFoods tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020. Cổ đông của GTNFoods đã bầu HĐQT mới nhiệm kỳ 2020-2024 với 4/5 thành viên là nhân sự đến từ Vimamilk. Trong đó, Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên được bầu làm Chủ tịch HĐQT GTNFoods.

Vinamilk đã hoàn tất mua lại GTNFoods, công ty sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu, vào tháng 12/2019 sau khi tăng tỷ lệ sở hữu lên 75%. Ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc điều hành Phát triển vùng nguyên liệu của Vinamilk cũng đã đảm nhận vị trí CEO của GTNFoods từ tháng 1.

Thương vụ thâu tóm GTNFoods được xem như bước đi quan trọng giúp Vinamilk giải bài toán tăng trưởng trong bối cảnh tốc độ gia tăng doanh thu, lợi nhuận của công ty sữa lớn nhất Việt Nam có dấu hiệu chững lại.

 

Theo Minh Thái/ Báo Đất Việt

 

Link nguồn: https://baodatviet.vn/kinh-te/dai-gia/den-tho-vo-dai-gia-xuan-truongba-nguyen-thi-nga-rut-lui-3396963/

Tin liên quan