Dệt may, da giày lấy lại đà tăng trưởng mới sau thời gian trầm lắng vì đại dịch COVID-19

Việc có được nhiều đơn hàng dài hạn, củng cố tốt nguồn lao động trong năm mới là bước khởi đầu hết sức khả quan, hứa hẹn mức đột phá mới trong sản xuất kinh doanh của dệt may và da giày.

Công nghiệp chế biến, chế tạo từ đầu năm 2022 đã có sự khởi sắc về căn bản, hứa hẹn mức tăng trưởng mới sau thời gian dài bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19. Nhìn vào hoạt động của các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may, da giày thời điểm này cho thấy, việc có được nhiều đơn hàng dài hạn, củng cố nguồn lao động trong năm nay là bước khởi đầu hết sức khả quan, hứa hẹn mức đột phá mới.

Nhiều đơn hàng khả quan

Nhận định diễn biến thị trường đầu năm 2022 đã có dấu hiệu tốt hơn những năm trước, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty CP May 10 chia sẻ, nếu bình thường như mọi năm, DN nào nhiều lắm cũng chỉ có đơn hàng đến hết Quý I, nhưng sang năm nay DN đã có đơn hàng ký kết đến hết Quý II/2022 và riêng một số mặt hàng veston đã có đơn hàng đến hết Quý III/2022. “Thông thường vào thời điểm sau Tết Nguyên đán là thời điểm trái vụ của ngành may, các DN phải chờ nguyên phụ liệu, nhưng đầu năm nay DN lại nhận được nhiều hợp đồng dài hạn mới”, ông Việt cho biết.

Dệt may, da giày lấy lại đà tăng trưởng mới sau thời gian trầm lắng vì đại dịch COVID-19 - Ảnh 1

Để đảm bảo công suất hoạt động cũng như tiến độ giao hàng cho các hợp đồng năm 2022, ông Việt cho hay, bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán, DN đã huy động công nhân làm thêm để hoàn thành đơn hàng. Tuy nhiên, sau dịp Tết, nguồn lực lao động dù đáp ứng đủ nhưng tỷ lệ ca nhiễm F0 lại tăng lên, có xưởng sản xuất có đến 50% công nhân F0 do những yếu tố khách quan khiến một số dây chuyền sản xuất bị thiếu hụt lao động và nguy hiểm hơn là ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý công nhân.

“Để đáp ứng nguồn nhân lực cho các hợp đồng năm 2022, May 10 đang có kế hoạch tuyển thêm 3.000-5.000 công nhân cho các dự án lớn tại Thái Bình, Thanh Hòa và Quảng Bình. Lực lượng lao động mới này không chỉ đáp ứng cho những đơn hàng trước mắt mà còn sẵn sàng cho những đơn hàng dài hạn mới. Tận dụng ưu đãi từ các FTA, hiện nay May 10 xác định cân bằng lượng hàng xuất khẩu cho 3 thị trường chính là Mỹ 40% - 45%; Nhật Bản từ 10-15 và châu Âu 30-35%… và các thị trường khác. Trong đó, không thể không tính đến tỷ lệ lớn các đơn hàng cho thị trường nội địa”, ông Việt cho biết.

Tương tự như ngành dệt may, ngay từ đầu năm 2022, xuất khẩu da giày của Việt Nam đã có sự khởi đầu thuận lợi khi đơn hàng xuất khẩu đến nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU hết sức khả quan. Với đà khởi động hiện tại, xuất khẩu da giày cả năm được nhìn nhận tương đối khả thi, có thể đạt tới mục tiêu cao nhất đặt ra là 25 tỷ USD.

Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giày Phúc Yên cho biết, 2 năm qua, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN chịu tác động rất lớn của đại dịch COVID-19. Để vượt khó, DN đã điều chỉnh, sắp xếp lại bộ máy điều hành, các dây chuyền sản xuất phù hợp với từng thời điểm; tìm kiếm thị trường cung cấp nguyên liệu, thị trường xuất khẩu mới và tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong bối cảnh hiện nay, việc phòng chống dịch bệnh tốt sẽ quyết định một nửa thành công của DN. Do đó, DN tiếp tục quán triệt, áp dụng nghiêm các biện pháp phòng chống dịch ngay từ ngày khai Xuân mùng 7/2; DN yêu cầu 100% công nhân lao động có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 mới được quay trở lại làm việc; thực hiện thay đổi vị trí một số bộ phận sản xuất để bảo đảm khoảng cách; chia giờ ăn ca…

“Việc siết chặt phòng chống dịch và có đơn hàng mới ngay từ đầu năm là tín hiệu tích cực, tạo động lực cho cán bộ, công nhân lao động hăng say sản xuất nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu từ 1-1,3 triệu đôi giày trong năm 2022”, ông Vinh cho biết.

Doanh nghiệp lo chi phí ảnh hưởng đến giá thành

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), hiện nay nhịp độ sản xuất của các DN, nhất là DN da giày ở khu vực phía Nam khá tốt. Nhiều DN trong ngành đã có đơn hàng xuất khẩu ít nhất đến hết Quý II/2022, là cơ sở tốt cho các DN đẩy nhanh sản xuất, lấy lại tăng trưởng sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

“Riêng với Nike, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước gia công, sản xuất da giày lớn nhất cho hãng với hơn 50% sản lượng giày. Việc gia công và xuất khẩu cho Nike đang chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của cả ngành, tạo ra việc làm cho khoảng 300.000 lao động. Thương hiệu giày thể thao đình đám này có định hướng tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam”, đại diện Lefaso thông tin thêm.

Dệt may, da giày lấy lại đà tăng trưởng mới sau thời gian trầm lắng vì đại dịch COVID-19 - Ảnh 2

Mặc dù có cơ hội gia tăng xuất khẩu giúp cải thiện tăng trưởng trong năm 2022, song hiện nay điều khiến không ít DN da giày âu lo là chi phí nguyên liệu đầu vào, logistics tăng quá cao, tạo rào cản lớn. Điều này có thể khiến nhà nhập khẩu dịch chuyển đơn hàng sản xuất về gần thị trường tiêu thụ nhằm giảm chi phí. Trong khi đó, giá của các đơn hàng xuất khẩu năm nay không tăng dù khách hàng có hỗ trợ một phần chi phí thì đây vẫn là "bài toàn" khó cho các DN.

Đại diện Lefaso cho rằng, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giúp DN da giày trong nước sớm phục hồi sản xuất, Chính phủ và các Bộ, ngành sớm đưa vào thực hiện gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế có quy mô 350.000 tỷ đồng, cải thiện các thủ tục để DN tiếp cận gói hỗ trợ dễ dàng hơn; nghiên cứu ban hành chính sách mới, tập trung vào chính sách hỗ trợ DN tận dụng được các FTA để gia tăng kim ngạch xuất khẩu…

Theo Nguyễn Quỳnh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam