ĐHĐCĐ Sabeco: Không IPO quốc tế, chưa vội với bia không cồn
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HoSE: SAB) khẳng định không có kế hoạch niêm yết quốc tế và chưa xem bia không cồn là ưu tiên phát triển trong chiến lược sản phẩm thời gian tới.
Ưu tiên sản phẩm cận cao cấp, chưa vội với bia không cồn
Trả lời cổ đông về định hướng sản phẩm, Tổng giám đốc Lester Tan Teck Chuan cho biết Sabeco đã sở hữu công thức sản xuất bia không cồn nhưng vẫn đang theo dõi phản ứng thị trường trước khi đưa ra quyết định thương mại hóa. Theo ông, người tiêu dùng hiện có xu hướng chọn đồ uống ít cồn thay vì hoàn toàn không cồn.

“Khi khảo sát, chúng tôi thường nhận được phản hồi kiểu như tại sao phải trả tiền cho bia không có cồn. Mức nồng độ cồn 4-5% vẫn được ưa chuộng hơn. Do đó, bia không cồn chưa phải là trọng tâm của Sabeco lúc này”, ông Lester nói.
Trong khi nhiều đối thủ đã đẩy mạnh phân khúc cao cấp, Sabeco lựa chọn lộ trình nâng cấp dần các dòng sản phẩm cận cao cấp, với mục tiêu cải thiện biên lợi nhuận thay vì cạnh tranh trực diện với các thương hiệu quốc tế. Thương hiệu bia phổ thông Saigon Lager vẫn là sản phẩm chủ lực với sản lượng lớn nhất của hãng, được định hướng cao cấp hóa từng bước để tận dụng lợi thế phân phối.
Về kênh phân phối, thương mại điện tử được đánh giá là thị trường tiềm năng, dù hiện nay vẫn còn nhỏ với ngành bia. Sabeco bắt đầu tham gia kênh này khoảng một năm qua, và kỳ vọng sẽ tận dụng được lợi thế công nghệ như dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong tương lai.
Tái cơ cấu Sabibeco: Kỳ vọng cải thiện lợi nhuận, chia cổ tức
Một trong những nội dung đáng chú ý tại đại hội là tiến trình tái cấu trúc Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco) – đơn vị vừa được Sabeco thâu tóm trong năm 2024. Dù kết quả kinh doanh của Sabibeco hiện vẫn thua lỗ, ban lãnh đạo Sabeco đánh giá đây là thương vụ chiến lược nhằm gia tăng sản lượng bia lon – dòng sản phẩm được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng.
Phó Tổng giám đốc Koo Liang Kwee (Alan) cho biết, Sabibeco sở hữu 6 nhà máy tại các vị trí chiến lược với công suất bia lon lớn. Việc điều chỉnh định mức sản xuất theo chỉ tiêu Sabeco sẽ giúp tối ưu hóa chi phí và hướng tới lợi nhuận dương trong thời gian tới. Khi đó, Sabibeco có thể tiến hành chia cổ tức cho cổ đông.
“Khi Sabibeco từ công ty liên kết trở thành công ty con, biên lợi nhuận sẽ được cải thiện, đồng thời bổ sung vào danh mục sản phẩm phân khúc bình dân của Sabeco”, ông Alan chia sẻ.
Kể từ tháng 1/2025, Sabibeco đã có nhiều thay đổi mang tính chiến lược, bao gồm điều chỉnh nhân sự cấp cao. Sabeco đang xúc tiến tái cấu trúc công ty con này theo hướng đồng bộ hóa mô hình quản trị, phương thức vận hành với hệ thống mẹ. Dự kiến quá trình sáp nhập và tái cấu trúc Sabibeco sẽ hoàn tất vào cuối năm 2025.
Về kế hoạch mở rộng thông qua M&A, ông Lester khẳng định Sabeco luôn tìm kiếm các thương vụ tiềm năng, phù hợp với chiến lược dài hạn và đóng góp tích cực cho doanh thu.
Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu không được đặt trọng tâm. “Sabeco là thương hiệu thuần nội địa, và Việt Nam hiện có mức tiêu thụ bia bình quân đầu người nằm trong top lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Do đó, chiến lược trước mắt của chúng tôi là tiếp tục mở rộng thị phần trong nước”, ông nói.
Dự kiến tăng ngân sách quảng cáo
Năm 2024, Sabeco đã sử dụng hết lượng nguyên vật liệu tồn kho được mua với giá cao. Bước sang năm 2025, doanh nghiệp kỳ vọng giá nguyên vật liệu sẽ dần quay về mặt bằng hợp lý, qua đó giảm áp lực lên chi phí sản xuất.
Với chi phí bao bì lon nhôm, doanh nghiệp cho biết đã dự báo về sự gia tăng của chi phí này theo thời gian và đưa vào kế hoạch năm 2025, tuy nhiên vẫn chưa tính tới các yếu tố về chính sách thuế đối ứng trên toàn cầu.
“Chúng tôi đã ký hợp đồng tương lai để khóa giá một phần nguyên vật liệu, nhằm đảm bảo sự ổn định trong ngắn hạn, nhất là trong bối cảnh giá nhôm có xu hướng giảm trước khi có thông tin về các chính sách thuế đối ứng toàn cầu”, ông Alan cho biết.
Về chi phí quảng cáo, khuyến mãi, Sabeco dự kiến sẽ gia tăng ngân sách trong năm 2025. Tuy nhiên, mọi khoản chi sẽ được đánh giá theo hiệu quả trên mỗi lít bia tiêu thụ.
“Chúng tôi ưu tiên các hoạt động marketing mang lại hiệu quả rõ ràng và sức cạnh tranh. Không phải lúc nào tiết kiệm cũng là giải pháp tối ưu – điều quan trọng là phải linh hoạt theo diễn biến thị trường và động thái từ đối thủ”, ông Lester nhấn mạnh.