Các nguồn thu đều giảm, Sabeco vẫn thu lãi hơn 1.300 tỷ đồng

Các nguồn thu đều sụt giảm, Sabeco vẫn báo lãi tăng 9% trong quý II nhờ tiết giảm mạnh chi phí trong kỳ.

Theo báo cáo tài chính quý II, phần lớn nguồn thu của Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) đều ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, doanh thu thuần giảm 3% so với cùng kỳ, đạt hơn 8.086 tỷ đồng với nguyên nhân đến từ việc thực thi nghiêm ngặt Nghị định 100 và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường, tác động đến tiêu dùng.

Doanh thu từ hoạt động tài chính cũng giảm 25%, đạt hơn 266 tỷ đồng chủ yếu vì giảm thu nhập từ lãi tiền gửi, chênh lệch tỷ giá. Phần lãi từ các công ty liên doanh, liên kết giảm 64%, đạt 27,8 tỷ đồng.

Các nguồn thu đều giảm, Sabeco vẫn thu lãi hơn 1.300 tỷ đồng - Ảnh 1

Ngược lại, lợi nhuận sau thuế của Sabeco lại tăng trưởng gần 9%, đạt hơn 1.318 tỷ đồng trong quý II. Nguyên nhân đến từ việc hãng bia này đã tích cực tiết giảm chi phí, đánh bay khoảng hơn 280 tỷ đồng chi phí so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí tài chính giảm 52%, chi phí bán hàng giảm 23%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 12%, lần lượt đạt 8,2 tỷ đồng, 902 tỷ đồng và 176 tỷ đồng.

Một trong những khoản chi mạnh tay nhất của Sabeco là chi phí quảng cáo và khuyến mãi cũng được hãng bia này tiết giảm hơn 150 tỷ đồng so với cùng kỳ, dù vậy vẫn ghi nhận ở mức khá cao, đạt 583 tỷ đồng trong quý II.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Sabeco lần lượt đạt gần 15.270 tỷ đồng và hơn 2.342 tỷ đồng, tương đương tăng 5% và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết sự tăng trưởng doanh thu trong nửa đầu năm đến từ việc kinh tế cải thiện và tăng giá bán.

Năm 2024, Sabeco lên kế hoạch với doanh thu thuần mục tiêu đạt 34.397 tỷ đồng, tăng 12,9% so với mức thực hiện năm 2023. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 4.580 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 7,6%. Như vậy sau nửa đầu năm, Sabeco đã hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận.

Về quy mô tài sản, tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của Sabeco đạt hơn 34.153 tỷ đồng, biến động không đáng kể so với đầu năm. Trong đó chiếm 68% là các khoản tiền nhàn rỗi, bao gồm hơn 3 tỷ đồng tiền mặt và hơn 23.356 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Khoản tiền gửi khổng lồ này đem về cho Sabeco hơn 533 tỷ đồng tiền lãi trong nửa đầu năm 2024.

Các khoản đầu tư tài chính dài hạn đạt hơn 1.829 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm. Sabeco đang đầu tư góp vốn vào khoảng hơn 30 đơn vị trong nhiều lĩnh vực, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động sản xuất và kinh doanh bia, nước giải khát, ngoài ra còn có một số đơn vị hoạt động trong mảng tài chính ngân hàng.

Sabeco đang trích lập dự phòng cho nhiều khoản đầu tư  
Sabeco đang trích lập dự phòng cho nhiều khoản đầu tư  

Đáng chú ý, một số khoản đầu tư đang phải trích lập dự phòng gần như toàn bộ, đơn cử như khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đông Á (trích lập dự phòng 100%), Công ty Cổ phần PVI (trích lập dự phòng hơn 46%), Công ty Chứng khoán Đại Việt (trích lập dự phòng 100%),… Tổng cộng, Sabeco đang trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn hơn 409 tỷ đồng.

Ở bảng nguồn vốn, nợ phải trả của Sabeco tăng 5% so với đầu năm, đạt hơn 9.023 tỷ đồng. Trong đó nợ vay ngắn hạn đạt hơn 456 tỷ đồng, giảm gần 14% so với đầu năm. Nợ vay dài hạn đạt hơn 170 tỷ đồng, biến động không đáng kể.

Một số đơn vị phân tích kỳ vọng Sabeco có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số trong quý II nhờ tác động tích cực của giải vô địch bóng đá châu Âu 2024, thế vận hội mùa hè và mức nền so sánh thấp cùng kỳ. Tuy vậy, trên thực tế lợi nhuận quý II của hãng bia này cũng cách không xa mốc tăng trưởng 2 chữ số.

Ngoài các yếu tố có thể tiếp tục gây ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của hãng bia này như Nghị định 100, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường bia, giới phân tích cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của Sabeco từ năm 2026.

Theo đó, dự thảo luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đề xuất duy trì phương pháp tính thuế theo giá trị để tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn (cụ thể là áp dụng 65% thuế tiêu thụ đặc biệt tính trên giá bán bia) và thiết lập lộ trình để tăng thuế suất. Dự thảo luật dự kiến sẽ được thảo luận tại kỳ họp Quốc Hội vào tháng 10/2024.

Công ty Chứng khoán Vietcap dự báo về khả năng được thông qua của dự thảo này vào tháng 5/2025. Hiện, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Vietcap dự báo khi dự thảo luật này được thông qua, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia sẽ tăng lên 75% từ năm 2026. Vietcap dự báo tăng trưởng tiêu thụ bia sẽ chậm lại trong giai đoạn 2026-2027.

Nhiều doanh nghiệp ngành bia rượu đã kiến nghị Chính phủ chưa tăng thuế do lo ngại thiệt hại kinh tế và thu ngân sách giảm. Bản thân Sabeco cũng kỳ vọng việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia sẽ được trì hoãn ít nhất 1 năm.

Hải Đường

Theo VietnamFinance