Địa phương sát vách TP. HCM: Từ ngôi làng 143 tuổi sắp trở thành thành phố trẻ nhất miền Tây
Địa phương được thành lập 1882 với tổng diện tích khoảng 101,69km2, cách TP. HCM khoảng 60km.
Ngày 19/03, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Về phương án thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang đề nghị thành lập 4 phường Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 4 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa.
Đồng thời sắp xếp 4 phường thành 2 phường (nhập phường 4 vào phường 1, nhập phường 3 vào phường 2); thành lập thành phố Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Gò Công.
Thành phố Gò Công có 101,69km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 151.937 người. Với quy mô này, Gò Công nhỏ hơn phường rộng nhất Việt Nam phường Mông Dương (Cẩm Phả, Quảng Ninh) với 119,83km2 và chỉ nhỉnh hơn phường rộng thứ nhì cả nước là phường Cam Nghĩa (Cam Ranh, Khánh Hòa) với 105,1km2.
Thành phố Gò Công có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 7 phường và 3 xã (giảm 2 đơn vị hành chín cấp xã so với thị xã Gò Công hiện nay). Tỷ lệ đô thị hóa của thành phố Gò Công là 60,76%.
Kết quả sau khi thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, nhưng tăng 1 thành phố và giảm 1 thị xã; đồng thời giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã (tăng 2 phường, giảm 4 xã).
Từ ngày 1/5/2024, nếu Nghị quyết thông qua việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công được thông qua, TP. Gò Công sẽ là thành phố trẻ nhất miền Tây.
Như vậy, hiện nay Tiền Giang có 2 thành phố (Mỹ Tho, Gò Công), 1 thị xã Cai Lậy và 8 huyện: Cai Lậy, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Châu Thành, Tân Phước, Cái Bè và Tân Phú Đông và 170 đơn vị cấp xã, gồm 8 thị trấn, 24 phường và 138 xã. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Tiền Giang là 18,4%. Thành phố Gò Công cách TP. HCM 60km, nằm ở trung tâm phía Đông của tỉnh Tiền Giang.
Được biết, thành phố Gò Công hiện nay một thời được gọi là "làng Thành Phố"
Làng Thành phố có từ năm 1882, mãi đến tháng 7/1945, dù Gò Công có thay đổi hành chính từ hạt từ năm 1868-1899, sang quận từ năm 1899-1924, rồi tỉnh từ năm 1924-1945, làng Thành Phố vẫn là thủ phủ 63 năm. Năm 1987, chính thức có quyết định công nhận Gò Công là thị xã Gò Công.
Thị xã Gò Công nay là thành phố Gò Công, là đô thị nằm ở phía Đông của tỉnh Tiền Giang, là trung tâm du lịch văn hóa lịch sử, thương mại - dịch vụ, kết nối vùng TP. Hồ Chí Minh với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong những năm qua, thị xã Gò Công có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cao hơn tốc độ tăng trưởng cùng kỳ của tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật và công trình công cộng được xây dựng đồng bộ, thuận lợi thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, thành lập mới và mở rộng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tạo thu nhập và giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động của thị xã và khu vực lân cận.
Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 5.675 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch, tăng 9,84% so với năm 2022.
Tiền Giang là một tỉnh ven biển thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh lỵ của tỉnh là thành phố Mỹ Tho, cách TP. HCM 70km về hướng Tây Nam và cách thành phố Cần Thơ 90km về hướng Đông Bắc theo đường quốc lộ 1.
Tiền Giang có đường bờ biển dài 32km với địa hình tương đối bằng phẳng, đất phù sa trung tính, ít chua dọc sông Tiền, sông Vàm Cỏ và sông Soài Rạp. Phần dọc sông Tiền chiếm khoảng 53% diện tích toàn tỉnh, thích hợp cho nhiều loại cây trồng và vật nuôi. Tiền Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng về du lịch.