Địa phương xin gia hạn giá FIT điện gió: Lợi gì?

Những chuyện này năm ngoái đã xảy ra và năm nay có thể tiếp tục lặp lại, bởi nguyên tắc là nhà đầu tư luôn hướng tới lợi ích.

Theo số liệu cập nhật của EVN, đến hết ngày 3/8, có 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD). Tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của 106 nhà máy điện gió này là 5655,5 MW.

Tuy nhiên, đó chỉ là hồ sơ đăng ký của các chủ đầu tư. Để số dự án này có thể vận hành thương mại, thực tế rất khó. Bởi lẽ, trong số 106 nhà máy gửi hồ sơ, có hàng chục dự án đến nay vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, không ít dự án trang thiết bị còn chưa thể tập kết ở công trình. Trong khi đó, hạn cuối để các dự án điện gió hưởng giá ưu đãi chỉ còn hơn 2 tháng nữa, vì đến ngày 31/10 tới là kết thúc giá điện hỗ trợ (FIT) điện gió.

Trong 2 tuần gần đây, UBND các tỉnh Trà Vinh, Gia Lai, Sóc Trăng đồng loạt có văn bản đề xuất tới các cấp có thẩm quyền báo cáo về tình trạng các dự án điện gió trên địa bàn không kịp hoàn thành, vận hành thương mại trước tháng 11 tới để hưởng mức giá ưu đãi 9,8 US cent/kWh (theo Quyết định 39/2018 của Thủ tướng Chính phủ).

Lý do được các địa phương đưa ra là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dẫn tới tiến độ cung cấp turbine gió bị ảnh hưởng (nhà thầu cung cấp thiết bị ở nước ngoài chậm tiến độ tại nước sở tại, vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng gặp khó do giãn cách xã hội), hoạt động xuất nhập cảnh của chuyên gia và công nhân, xuất nhập khẩu hàng hóa bị gián đoạn, giá cả vật tư tăng cao bất thường… nên rất nhiều dự án điện gió ở 4 tỉnh nêu trên đều đứng trước ngưỡng cửa chậm tiến độ vận hành.

Các địa phương đều kiến nghị gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT đối với các dự án trực thuộc địa bàn.

Không ngạc nhiên trước động thái của chủ đầu tư các dự án điện gió cũng như của các địa phương, chuyên gia năng lượng độc lập - TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững) cho rằng đây là chuyện bình thường.

Nhiều địa phương kiến nghị gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT cho các dự án điện gió đang chậm tiến độ  
Nhiều địa phương kiến nghị gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT cho các dự án điện gió đang chậm tiến độ  
 

Trước đó, tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với điện mặt trời khi Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực vào ngày 31/12/2020. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp đều chạy nước rút đấu nối vào lưới điện để được hưởng mức giá ưu đãi (giá FIT) điện mặt trời trên mái nhà 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 cent/kWh, kéo dài trong 20 năm.

Khi đó còn xảy ra tình trạng dự án điện mặt trời làm chưa xong, chưa phát điện nhưng có địa phương đã nghiệm thu trên giấy tờ. Thậm chí, theo ông Lâm, có hiện tượng dự án điện mặt trời mượn ở nơi khác lắp vào, chờ kiểm tra xong lại bóc ra.

"Những chuyện này năm ngoái đã xảy ra và năm nay có thể tiếp tục lặp lại, bởi nguyên tắc là nhà đầu tư luôn hướng tới lợi ích. Họ sẽ tìm cách khai thác những sơ hở của luật pháp để càng được lợi càng tốt.

Về thời gian áp dụng giá FIT, lẽ ra phải chủ động tính trước, không phải gần đến hạn mới đề xuất. Ở đây nhiều nơi không kịp làm dự án nên mới xin kéo dài.

Nếu địa phương quản lý tốt thì sẽ hạn chế được tình trạng trên. Ngược lại, nếu địa phương quản lý không tốt, có khả năng họ biết nhưng lại đồng tình với nhà đầu tư.

Điều này xuất phát từ lợi ích. Thứ nhất là lợi ích chung của địa phương - địa phương được lòng các nhà đầu tư, nhà đầu tư sẽ bảo nhau đầu tư tiếp. Thứ hai, không loại trừ khả năng có "móc ngoặc", phân chia "hoa hồng" giữa một vài cá nhân trong bộ máy lãnh đạo ở địa phương với nhà đầu tư", TS Ngô Đức Lâm nhận xét.

Từ đây, vị chuyên gia năng lượng cho rằng cần phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương là Bộ Công thương. Theo đó, Bộ Công thương phải chủ động vào cuộc kiểm tra thì mới hy vọng giảm được tình trạng trên.

TS Lâm cũng lưu ý, nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận, vậy nên họ đua nhau làm điện mặt trời, điện gió để được hưởng ưu đãi mà ít quan tâm đến chất lượng dự án. Tuy nhiên, xu hướng tới đây là phải đấu thầu, ai đảm bảo chất lượng, thắng thầu thì mới được làm.

"Nhiều nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời không muốn đấu thấu vì sợ thiệt. Nhưng cơ chế thị trường chính là cơ chế đấu thầu, nó thể hiện sự công bằng và cạnh tranh để giảm giá thành. Nhà đầu tư muốn có dự án thì phải cải tiến công nghệ, mua sắm thiết bị tốt hơn, thi công nhanh hơn, rẻ hơn... Cho nên, đặt ra yêu cầu đấu thầu là đúng.

Một mặt chúng ta phải huy động tư nhân tham gia phát triển năng lượng tái tạo, mặt khác nhà đầu tư tư nhân phải đấu thầu với nhau để người tiêu dùng được hưởng lợi. Nói thẳng ra, chúng ta không phải nịnh nhà đầu tư mà là vừa động viên, vừa quản lý. Nếu để các nhà đầu tư liên kết với nhau thành hiệp hội, cứ đặt giá cao thì Nhà nước và người dân cùng thiệt", TS Ngô Đức Lâm bày tỏ quan điểm.

Đến nay, tỉnh Trà Vinh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 8 dự án điện gió với tổng công suất 570 MW. Trong số này, ghi nhận 6 dự án đang được địa phương hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thi công, gồm điện gió Trà Vinh-Hàn Quốc (giai đoạn 1) công suất 48 MW, điện gió V1-2 (48 MW), điện gió số 3 tại vị trí V1-3 (48 MW), điện gió Duyên Hải (48 MW), điện gió Hiệp Thạnh (78 MW), điện gió Đông Hải 1 (100 MW).

Qua theo dõi tình hình thực tế, cùng với đánh giá của chính các nhà đầu tư, thì khả năng nhiều dự án trễ hẹn vận hành thương mại vào trước 31/10. Do đó, tỉnh Trà Vinh kiến nghị gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT với các dự án điện gió trên địa bàn tới ít nhất là hết tháng 4/2022.

Tỉnh Sóc Trăng có tổng cộng 20 dự án điện gió (tổng công suất 1.435 MW) được duyệt vào quy hoạch phát triển điện gió của địa phương, cũng như Quy hoạch điện VII. Hiện tại, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đối với 16 dự án (tổng công suất khoảng 1.095 MW), trong đó 11 dự án đang thi công.

Sóc Trăng kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện cơ chế giá FIT đến hết 31/3/2022. Đối tượng được hưởng gia hạn là các dự án điện gió đang triển khai thi công (đã có hợp đồng mua bán điện ký kết, hợp đồng mua sắm thiết bị, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật…).

UBND tỉnh Gia Lai là địa phương kiến nghị mốc lùi thời hạn ngắn nhất là đến hết 31/12/2021. Tính tới thời điểm hiện tại, địa phương này đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 17 dự án điện gió (tổng công suất khoảng 1.242 MW, đã được duyệt vào quy hoạch).

Thành Luân

Theo Đất Việt